Căng thẳng và bạo lực ở Myanmar
dẫn đến tình trạng khẩn cấp về lương thực
Căng thẳng và bạo lực ở Myanmar dẫn đến tình trạng khẩn cấp về lương thực.
Văn Yên, SJ
Chin (Vatican News 30-10-2020) - Hơn 60,000 thường dân ở Bang Chin của Myanmar hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do các cuộc giao tranh đang diễn ra giữa quân đội quốc gia và quân nổi dậy Arakan.
Hội đồng điều phối các vấn đề Khumi (KACC) đã tố cáo rằng 246 ngôi làng trong khu vực Paletwa đang rất cần gạo và lương thực do tình hình chiến tranh giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang ly khai hoạt động giữa các bang Chin và Rakhine ở miền bắc Myanmar.
Giám đốc Caritas của giáo phận Pyay, cha Nereus Tun Min, đã xác nhận với hãng tin Fides về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại. Cha nói: "Tuần trước, chúng tôi đã tổ chức, với sự giúp đỡ của chính phủ, một chuyến cứu trợ lương thực lớn đến Paletwa. Chúng tôi đã chuyển 1,700 bao gạo đến khu vực này." Ðồng thời cha cũng cho biết: "Caritas cũng tích cực trong việc ngăn chặn Covid-19" khi đất nước này đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân của đại dịch trong tháng vừa qua với hơn 40 nghìn ca nhiễm và hơn một nghìn người chết.
Việc phân phối lương thực ở Paletwa được thực hiện bởi các giáo dân và tu sĩ, như trường hợp của cha xứ Thomas, người đang sống với nhiều người di tản, hiện ở tạm tại một khu phức hợp của giáo xứ.
Trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm 2020, căng thẳng và bạo lực ở các bang Chin và Rakhine tiếp tục làm xáo trộn những lời hứa hòa bình và dân chủ do các lực lượng chính trị khác nhau đề xuất.
Khu vực ven biển ở tây bắc Myanmar này vẫn là nơi chịu nhiều đau khổ. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, có tựa đề "Một nhà tù mở không hồi kết", nhấn mạnh đến tình trạng nghiêm trọng của những người sống trong các trại Rakhine dành cho những người tản cư nội địa, mà Tổ chức Giám sát Nhân quyền gọi là "nhà tù giữa trời". Ðó là tình trạng của 130 nghìn người Rohingya, thuộc nhóm người thiểu số Hồi giáo, là nạn nhân của bạo lực năm 2012 và 2017, khiến khoảng một triệu người phải tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh. (Fides, 27/10/2020).