Thư Ðức Thánh cha nhân kỷ niệm 50 năm
quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Liên hiệp Âu châu
Thư Ðức Thánh cha nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Liên hiệp Âu châu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 27-10-2020) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các tổ chức Âu châu, Ðức Thánh cha Phanxicô bày tỏ bốn ước mơ về đại lục này.
Trong thư công bố hôm 27 tháng 10 năm 2020, gửi Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân kỷ niệm vừa nói, và cũng là dịp mừng 40 năm thành lập Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, Ðức Thánh cha Phanxicô cầu mong có một khúc quanh mới về tình huynh đệ tại Âu châu, trong thời kỳ có nhiều bấp bênh lớn và những nguy cơ sai trái do cá nhân chủ nghĩa.
Thư của Ðức Thánh cha như một thư ngỏ gửi toàn thể đại lục kỳ cựu, trong đó ngài nhận định rằng: "Ðại dịch là một cơ hội bó buộc chúng ta phải chọn lựa: một là tiếp tục con đường như trong thập niên vừa qua, với cám dỗ về quyền tự trị, đụng đầu với những hiểu lầm, mâu thuẫn và xung đột ngày càng gia tăng, hai là tái khám phá con đường huynh đệ".
Ðức Thánh cha mời gọi "Âu châu hãy tái khám phá những lý tưởng của mình, những lý tưởng có căn cội sâu xa trong lịch sử ngàn năm của Âu châu". Cụ thể, ngài diễn tả những lý tưởng đó qua bốn ước mơ: trước tiên là một Âu châu bạn của con người, một phần đất trong đó phẩm giá mỗi người được tôn trọng, trong đó con người là một giá trị tự tại chứ không phải là một đối tượng tính toán kinh tế hoặc một hàng hóa thương mại.
Tiếp đến, Ðức Thánh cha mong ước một Âu châu như một gia đình và cộng đoàn, một gia đình các dân tộc, có khả năng sống trong tình hiệp nhất, coi những khác biệt là kho tàng; một cộng đồng Âu châu liên đới và huynh đệ, đối nghịch với một phần đất bị phân hóa thành những thực tại lẻ loi và biệt lập, không có khả năng đương đầu với những thách đố tương lai.
Ước mơ thứ ba của Ðức Thánh cha là một Âu châu liên đới và quảng đại, một nơi tiếp đón trong tinh thần hiếu khách, trong đó đức bác ái, vốn là nhân đức tột đỉnh của Kitô giáo, chiến thắng mọi hình thức dửng dưng và ích kỷ.
Sau cùng, Ðức Thánh cha mong ước một Âu châu trung lập, lành mạnh về tôn giáo, trong đó Thiên Chúa và Xê-da tách biệt nhưng không đối nghịch nhau: Âu châu là một phần đất cởi mở đối với siêu việt, trong đó tín hữu được tự do tuyên xưng công khai niềm tin của mình và đề nghị quan điểm của mình trong xã hội.
(Rei 27-10-2020)