Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân
là nền tảng đời sống Kitô hữu
Ðức Thánh cha: Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là nền tảng đời sống Kitô hữu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 25-10-2020) - Trưa Chúa nhật 25 tháng 10 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin với khoảng 1,000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Ðức Thánh cha tuyên bố triệu tập công nghị ngày 28 tháng 11 năm 2020 để bổ nhiệm thêm 13 hồng y mới, trong đó có bốn vị trên 80 tuổi.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXX Thường niên năm A, kể lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người luật sĩ chất vấn Ngài: đâu là giới răn hệ trọng nhất? Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin mừng hôm nay (xc. Mt 22,34-40), một nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu: đâu là "giới răn lớn nhất" (v.36), nghĩa là giới răn chính yếu trong toàn thể Lề Luật của Chúa. Chúa Giêsu trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết tâm hồn, hết linh hồn và trí tuệ của ngươi" (v. 37). Và Ngài nói thêm ngay; "Giới răn thứ hai cũng giống như thế: Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình" (v.39).
Hai giới luật cơ bản
Câu trả lời của Chúa Giêsu lấy lại và liên kết hai giới luật cơ bản mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài qua Môisê (xc. Ðnl 6,5; Lv 19,18). Và thế là Ngài vượt lên cái bẫy họ giương ra "để thử thách Ngài" (v.35). Thực vậy, người đối thoại với Chúa tìm cách lôi kéo Ngài trong cuộc tranh biện giữa các chuyên gia về luật, liên quan đến thứ bậc của các giới răn. Nhưng Chúa Giêsu thiết lập hai trục chính yếu đối với các tín hữu mọi thời đại. Trục thứ nhất là đời sống luân lý và tôn giáo không thể bị thu hẹp vào một sự vâng phục lo âu và bó buộc, nhưng phải có nguyên lý là tình yêu.
Trục thứ hai, là tình yêu phải cùng hướng về và không tách biệt, hướng đến Thiên Chúa và tha nhân. Ðó là một trong những điểm mới mẻ chính yếu trong giáo huấn của Chúa Giêsu, và cho chúng ta hiểu rằng không có tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa, thứ tình yêu không được biểu lộ trong tình yêu đối với tha nhân; và cũng vậy, không có tình yêu chân thực đối với tha nhân nếu tình yêu ấy không kín múc từ tương quan với Thiên Chúa.
Mọi giới luật phải ở trong tình yêu
"Chúa Giêsu kết thúc câu trả lời của Ngài với những lời này: "Toàn thể Lề Luật và các Ngôn sứ tùy thuộc hai giới luật đó" (v.40). Ðiều này có nghĩa là tất cả các giới luật mà Chúa ban cho dân Ngài phải được đặt trong tương quan với tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thực vậy, tất cả các giới răn là để giúp thực hiện và biểu lộ hai tình yêu không thể tách rời nhau ấy. Tình yêu đối với Thiên Chúa được biểu lộ nhất là trong kinh nguyện, đặc biệt trong việc thờ lạy. Và tình yêu đối với tha nhân, cũng được gọi là tình bác ái huynh đệ, được diễn tả qua sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, săn sóc tha nhân. Thánh Gioan tông đồ đã viết: "Ai không yêu thương anh em mà mình thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không thấy" (1 Ga 4,20).
Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu
"Trong bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu giúp chúng ta đi tới nguồn mạch sinh động và phong phú của tình yêu. Nguồn mạch ấy chính là Thiên Chúa, cần phải yêu thương trọn vẹn trong một niềm hiệp thông mà không điều gì và không một ai có thể phá vỡ. Hiệp thông là một hồng ân cần khẩn cầu mỗi ngày, và cũng là sự dấn thân để cuộc sống chúng ta không bị những thần tượng của thế gian biến thành nô lệ. Và sự kiểm chứng xem hành trình hoán cải và nên thánh của Chúa Giêsu vẫn luôn ở trong tình yêu đối với tha nhân. Bao lâu còn một người anh em, chị em mà chúng ta khép kín tâm hồn với họ, thì chúng ta vẫn còn ở xa mức độ làm môn đệ, như Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Chúa không để chúng ta thất vọng, trái lại Chúa gọi chúng ta hãy bắt đầu lại mỗi ngày để sống hợp với Tin mừng.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Ước gì sự chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh giúp cởi mở tâm hồn chúng con để đón nhận "giới răn cao trọng", giới răn kép dạy yêu thương, tóm gọn tất cả Lề Luật của Thiên Chúa và phần rỗi của chúng con tùy thuộc giới răn này".
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc Kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Ðức Thánh cha bày tỏ lo âu về tình hình xáo trộn tại Nigeria, đồng thời ngài nói rằng:
Ngày 28 tháng 11 năm 2020, tôi sẽ triệu tập Công nghị để bổ nhiệm thêm 13 hồng y mới, đây là danh sách:
1) Ðức cha Mario Grech, 63 tuổi, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.
2) Ðức cha Marcello Semeraro, 73 tuổi, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh
3) Ðức cha Antoine Kambanda, Tổng giám mục giáo phận Kigali, thủ đô Ruanda.
4) Ðức cha Wilton Gregory, Tổng giám mục thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
5) Ðức cha Celestino Aós Braco, dòng Capuchino, Tổng giám mục Santiago de Chile.
6) Ðức cha José Advincula, Tổng giám mục Capiz, Philippines.
7) Ðức cha Cornelius Sim, Ðại diện Tông tòa Brunei.
8) Ðức cha Augusto Paolo Lojudice, Tổng giám mục Siena, Italia.
9) Cha Mauro Gambetti, dòng Phanxicô Viện Tu, Bề trên tu viện Thánh Phanxicô ở Assisi, Italia.
Ngoài ra có thêm các vị sau đây:
10) Ðức cha Felipe Arizmendi Esquivel, cựu giám mục giáo phận San Cristobal de las Caas, Mêhicô.
11) Ðức Tổng giám mục Silvano Tomasi, cựu Sứ thần Tòa Thánh.
12) Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng.
13) Cha sở Enrico Feroci, giáo xứ Divino Amore, Tình Yêu Thiên Chúa, Roma.
Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương đến từ nhiều nước và cầu chúc họ một Chúa nhật tốt đẹp; đồng thời ngài cũng xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.