Ai thờ lạy Thiên Chúa,

thì yêu thương con cái của Chúa

 

Ðức Thánh cha: Ai thờ lạy Thiên Chúa, thì yêu thương con cái của Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 22-10-2020) - Lúc gần 9 giờ 15 phút, sáng thứ Tư 21 tháng 10 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 1,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican.

Các tín hữu trong thính đường đều đeo khẩu trang, và cả nhiều nhân viên khác cũng vậy. Tôn trọng các biện pháp tránh lây nhiễm coronavirus, Ðức Thánh cha đi thẳng tới chỗ của ngài trên bục cao, trong thính đường và bắt đầu buổi tiếp kiến, chứ không đi giữa hành lang chính để chào các tín hữu.

Nghe Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ thánh vịnh thứ 36 (2-4.6.8-9):

"Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời. Hắn tự cao tự đại nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét. Lời nói toàn xảo quyệt dối gian, hết lẽ khôn ngoan, hết điều lương thiện [...] Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc" [...]. Lạy Thiên Chúa, tình thương của Ngài quí trọng biết bao! Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn, Họ được no say yến tiệc nhà Ngài, nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thỏa thuê".

Trước khi bắt đầu bài huấn giáo, Ðức Thánh cha cho biết ngài rất muốn đến gần các tín hữu, chào thăm và bắt tay họ. Nhưng nếu ngài đến gần thì mọi người tụ tập lại với nhau và như vậy có nguy cơ lan lây coronavirus. Ngài nói: "Tôi giữ khoảng cách là vì anh chị em, để anh chị em khỏi bị lây nhau".

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày phần hai của bài thứ 10 trong loạt bài về sự cầu nguyện, và nói về kinh nguyện của các thánh vịnh. Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

"Hôm nay chúng ta kết thúc bài giáo lý về kinh nguyện của các thánh vịnh. Trước hết, chúng ta ghi nhận rằng trong các thánh vịnh thường xuất hiện một nhân vật xấu, kẻ "gian ác", nghĩa là kẻ sống như thể không có Thiên Chúa. Ðó là người không hề để ý tới siêu việt, không hề cầm hãm sự kiêu hãnh, không sợ bị phán xét về những gì họ nghĩ hoặc làm.

Công dụng của lòng kính sợ Chúa

Vì lý do đó, tập thánh vịnh trình bày kinh nguyện như một thực tại cơ bản của cuộc sống. Sự tham chiếu tuyệt đối và siêu việt - mà các vị tôn sư tu đức gọi là "lòng kính sợ Thiên Chúa" - là điều làm cho chúng ta hoàn toàn là con người, là hàng rào cứu chúng ta khỏi chính bản thân mình, ngăn cản không để cho chúng ta phiêu lưu trên con đường ấy, như kẻ mê săn đuổi và háu ăn. Kinh nguyện là sự cứu thoát con người.

Cầu nguyện thành tâm

Dĩ nhiên cũng có kinh nguyện giả tạo, một kinh nguyện giả bộ chỉ để được người khác ngưỡng mộ. Những người đi lễ chỉ để tỏ cho người ta thấy mình đi lễ, họ là người Công giáo, nhưng đi lễ chỉ để khoe áo thời trang mới nhất mà họ mua, để được danh tiếng xã hội. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ cảnh cáo về điều này (xc. Mt 6,5-6; Lc 9,14). Nhưng khi tâm hồn chân thành cầu nguyện thì lúc ấy kinh nguyện làm cho chúng ta chiêm ngắm thực tại với đôi mắt của Thiên Chúa.

Tầm quan trọng của cầu nguyện

Khi ta cầu nguyện, thì mọi sự đều đạt được "bề dầy". Việc phụng sự tệ nhất mà ta có thể làm cho Thiên Chúa và cho loài người, là cầu nguyện một cách mệt mỏi, chỉ làm vì thói quen mà thôi. Không nên làm như vậy!. Kinh nguyện là trọng tâm của cuộc sống. Nếu có kinh nguyện, thì cả những người anh em, chị em đều trở thành quan trọng. Một ngạn ngữ cổ của các đan sĩ Kitô đầu tiên nói rằng: "Phúc cho đan sĩ nào, sau Thiên Chúa, coi tất cả mọi người như Thiên Chúa" (Evragrio Pontico, Trattato sulla preghiera, n.123). Ai thờ lạy Thiên Chúa, thì yêu thương con cái của Chúa. Ai kính trọng Thiên Chúa thì cũng tôn trọng con người.

Vì thế, kinh nguyện không phải là thuốc an thần để làm lắng dịu những lo lắng của cuộc sống: dầu sao hoặc kinh nguyện như thế chắc chắn là không đúng theo tinh thần Kitô. Ðúng hơn, kinh nguyện giúp ý thức trách nhiệm. Chúng ta thấy điều đó rõ ràng trong Kinh Lạy Cha, mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ.

Thánh vịnh là trường dạy cầu nguyện

Ðể học cách cầu nguyện này, các thánh vịnh là một trường học quan trọng. Chúng ta đã thấy các thánh vịnh không luôn luôn dùng những từ tinh tế và chải chuốt, và thường mang những "vết sẹo" của cuộc sống. Dầu sao, tất cả các kinh nguyện ấy được sử dụng trước tiên trong Ðền Thờ rồi trong các Hội Ðường, và cả những kinh nguyện thân mật và riêng tư nhất. Vì thế, Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy rằng; "Những kiểu diễn tả đa dạng của kinh nguyện thánh vịnh, nảy sinh đồng thời trong phụng vụ Ðền Thờ và trong tâm hồn con người" (n.2588). Và thế là kinh nguyện riêng kín múc và được nuôi dưỡng trước tiên bằng kinh nguyện của dân Israel, và rồi bằng kinh nguyện của dân Chúa trong Giáo hội.

Tương quan giữa kinh nguyện cá nhân và cộng đoàn

Cả các thánh vịnh riêng, chứa đựng những tư tưởng và các vấn đề riêng tư nhất của cá nhân, cũng là gia sản chung, đến độ được tất cả mọi người cầu nguyện và cho mọi người. Kinh nguyện Kitô giáo có "sắc thái ấy" và chiều hướng tinh thần này liên kết Ðền thờ với thế giới. Kinh nguyện có thể bắt đầu trong ánh sáng lờ mờ tại một nhà thờ, nhưng sau đó kết thúc hành trình qua những đường phố. Và ngược lại, kinh nguyện có thể nảy sinh từ những bận rộn hằng ngày và được viên mãn trong phụng vụ. Những cánh cửa của nhà thờ không phải là những rào cản, nhưng là những màng có thể lọt qua, sẵn sàng đón nhận tiếng kêu của tất cả mọi người.

Thế giới hiện diện trong kinh nguyện thánh vịnh

Trong kinh nguyện thánh vịnh, thế giới luôn hiện diện. Ví dụ, các thánh vịnh mang lại tiếng nói cho lời hứa ơn cứu độ của Chúa, cho những người yếu thế nhất: "Chúa phán: vì sự áp bức những người lầm than và tiếng kêu của người nghèo, này đây, Ta sẽ đứng dậy, Ta sẽ cứu thoát người bị khinh rẻ" (12,6). Hoặc cảnh giác về nguy cơ của cải trần tục, vì con người, trong cảnh thịnh vượng không hiểu, họ như những con vật chết đi" (48,21). Hoặc kinh nguyện mở ra chân trời cho tầm nhìn của Thiên Chúa về lịch sử: "Chúa hủy diệt những kế hoạch của các dân nước, làm cho những dự phóng của chư dân tiêu tán. Nhưng kế hoạch của Chúa tồn tại mãi mãi, các dự phóng của tâm hồn Ngài tồn tại từ đời này sang đời khác" (33,19-11).

Tương quan giữa Thiên Chúa và con người

Tóm lại, nơi nào có Thiên Chúa thì cũng có con người. Kinh thánh nói thật rõ: "Chúng ta yêu mến vì Chúa đã yêu chúng ta trước. Nếu có ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình thì họ là kẻ nói dối. Thực vậy ai không yêu mến anh em mình mà họ thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không nhìn thấy." (1 Ga 4,19-20) Nếu bạn đọc bao nhiêu chuỗi Mân côi mỗi ngày, mà sau đó lại nói hành nói xấu người khác, oán hận người khác, thì đó là đạo giả chứ không phải chân lý.

Và đây là giới răn chúng ta đã nhận được từ Ngài: "Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4,21). Kinh thánh nhìn nhận trường hợp một người, tuy chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, mà không bao giờ gặp Ngài, nhưng cũng khẳng định rằng không bao giờ có thể chối bỏ nước mắt của người nghèo, chẳng vậy sẽ không gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa không chịu đựng "sự vô thần" của kẻ chối bỏ hình ảnh của Chúa được in vào nơi mỗi người. Không nhìn nhận hình ảnh ấy là một tội phạm thánh, là một tội kinh tởm, tệ hơn sự xúc phạm có thể gây ra cho đền thờ và bàn thờ.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, kinh nguyện của các thánh vịnh giúp chúng ta không rơi vào cám dỗ "vô đạo", nghĩa là sống, và có lẽ cầu nguyện, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và như thể người nghèo không hiện hữu.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Arập, Ba Lan.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng ngày 22 tháng 10, chúng ta kính nhớ thánh Gioan Phaolô II, trong năm kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh nhân. Ngài là con người có linh đạo sâu xa, hằng ngày chiêm ngưỡng Nhan Thánh rạng ngời của Thiên Chúa trong kinh nguyện phụng vụ và suy niệm các thánh vịnh. Thánh nhân cũng khuyên nhủ mọi Kitô hữu bắt đầu mỗi ngày bằng kinh ngợi khen Chúa, trước khi bắt đầu những nẻo đường không luôn luôn dễ dàng của đời sống thường nhật.

Sau cùng bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Tháng Mười là tháng truyền giáo, là một lời mời gọi tha thiết mong các tín hữu Kitô hãy cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc mở rộng Nước Chúa. Anh chị em hãy can đảm loan báo sứ điệp Tin mừng bằng lời nói và gương lành trong mọi môi trường."

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói, "như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy biết đón nhận cả những lúc khó khăn và buồn sầu trong cuộc sống, kết hiệp với hy sinh thập giá. Nhờ sự kết hiệp thiêng liêng với Chúa Giêsu và kinh nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi, anh chị em hãy trở thành những người cộng tác vào sứ mạng của Giáo hội loan báo Tin mừng."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page