Ðại diện Tòa Thánh kêu gọi
chống bài người nước ngoài
Ðại diện Tòa Thánh kêu gọi chống bài người nước ngoài.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Genève (RVA News 19-10-2020) - Ðại diện Tòa Thánh bên cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Ðức Tổng giám mục Ivan Jurkovic, kêu gọi bảo vệ những người di dân dễ bị tổn thương nhất, chiến đấu chống nạn bài người nước ngoài và đề cao vai trò phụ nữ.
Ðức Tổng giám mục bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc hội thảo quốc tế, hôm 15 và 16 tháng 10 năm 2020, do Ủy hội Công giáo quốc tế về di dân tổ chức tại Genève, về đề tài "Cuộc khủng hoảng Covid-19: suy nghĩ lại vai trò của người di dân và tính di động của con người, để đạt tới những mục tiêu phát triển dài hạn". Ðức Tổng giám mục Jurkovic, người Slovenia, nhận xét rằng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay, người ta thấy có sự gia tăng những vụ kỳ thị chủng tộc và bài người nước ngoài, chống người di dân và tị nạn. Người di dân gặp nhiều khó khăn khi xin trợ giúp về y tế và cảm thấy thái độ "bực bội" mà nhiều nước tiếp cư tỏ ra đối với họ, mặc dù thị trường tại nhiều nước tân tiến cần đến lao công của những người nhập cư.
Theo Ðức Tổng giám mục Jurkovic, đây là một sự mâu thuẫn tỏ tường, thái độ "hai cân hai lượng" xuất phát từ quan niệm "coi những lợi lộc kinh tế hơn con người", mặc dù trong thời kỳ giới nghiêm vì coronavirus, nhiều công nhân cần thiết chính là những người di dân.
Trong bài tham luận, Ðức Tổng giám mục Jurkovic nhắc đến điều Ðức Thánh cha Phanxicô đã viết trong thông điệp "Fratelli tutti": "Những người di dân có cùng phẩm giá nội tại như mọi người và họ có thể là một món quà", vì thế, cần phải thay đổi cái nhìn về người di dân, nhìn nhận họ như "một cơ hội để làm cho mọi người được phong phú và phát triển toàn diện".
Ðức Tổng giám mục Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, cũng đề cập đến những người di dân dễ bị tổn thương và nói rằng: "Ðại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hơn những chênh lệch và chia rẽ giữa các quốc gia và trong cùng một nước, cũng như xu hướng khép kín vào mình, hoặc cổ võ những ý thức hệ quốc gia chủ nghĩa và ích kỷ như những giải pháp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy không ai có thể an toàn, bao lâu tất cả mọi người chưa được an toàn" và vì thế, điều hết sức quan trọng là đảm bảo một câu trả lời nhân bản hơn cho vấn đề di cư, làm sao để những người di cư được hoàn toàn hội nhập, không những trong các biện pháp đối phó với tình trạng khẩn trương về y tế, nhưng cả trong những nỗ lực tái thiết các cộng đoàn".
(Vatican News 16-10-2020)