Thiên Chúa dọn tiệc cho tất cả mọi người
Ðức Thánh cha: Thiên Chúa dọn tiệc cho tất cả mọi người.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 11-10-2020) - Trưa Chúa nhật, 11 tháng 10 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin, với khoảng 500 tín hữu dưới trời mưa nhẹ, tại Quảng trường thánh Phêrô và cả những người đứng ngoài rìa. Ngài bày tỏ tình liên đới với những người đang bị hỏa hoạn trên thế giới, kêu gọi hòa bình cho dân chúng vùng Nagorno Kabarakh, nơi đang có chiến tranh giữa những người Azerbaigian và Armeni. Ðức Thánh cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước cho thiếu niên Carlo Acutis, qua đời lúc 15 tuổi ở bắc Ý.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXVIII thường niên năm A, kể lại dụ ngôn nhà vua mở tiệc cưới nhưng những người được mời không đến dự. Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thiên Chúa không loại trừ ai
"Qua trình thuật dụ ngôn tiệc cưới, trong bài Tin mừng hôm nay (xc. Mt 22,1-14), Chúa Giêsu cho thấy dự phóng mà Chúa Giêsu đề ra cho nhân loại. Nhà vua mở "tiệc cưới cho hoàng tử" (v.2), là hình ảnh Chúa Cha dự kiến cho toàn thể nhân loại một bữa tiệc tình thương và hiệp thông quanh Người Con duy nhất của Ngài. Hai lần nhà vua sai các đầy tớ đi gọi những người được mời nhưng họ từ chối, vì họ có những bận tâm khác là đồng ruộng và chuyện làm ăn. Cả chúng ta, bao nhiêu lần cũng đã đặt những lợi lộc và những chuyện vật chất lên trước Chúa, là Ðấng kêu gọi chúng ta. Nhưng nhà vua trong dụ ngôn không muốn phòng tiệc bị trống rỗng, vì ngài muốn trao tặng những gì quí giá trong vương quốc của ngài. Vì thế, vua bảo các đầy tớ: "Vậy bây giờ các anh hãy ra các ngã tư đường và mời gọi tất cả những người các anh gặp, đến dự" (v.9). Thiên Chúa cũng hành động như vậy: khi bị từ chối, thay vì đầu hàng, Ngài tái diễn và kêu mời tất cả những người ở ngã tư đường, không loại trừ một ai.
Tìm kiếm những người ở ngoài rìa
Từ nguyên thủy mà thánh sử Phúc âm Matthêu dùng để nói về những ranh giới giữa các con đường, hay là những điểm, là các con đường trong thành phố chấm dứt và bắt đầu những con đường dẫn tới vùng quê, ngoài những nơi dân cư, nơi mà cuộc sống bấp bênh. Nhà vua trong dụ ngôn sai các đầy tớ đi tới nhân loại ở ngã tư đường như thế, chắc chắn sẽ tìm được những người sẵn sàng ngồi vào bàn tiệc. Thế là phòng tiệc đầy những người "bị loại trừ", những người dường như không bao giờ xứng đáng tham dự một đại lễ, một tiệc cưới. Giáo hội được kêu gọi đi tới những ngã tư đường ngày nay, nghĩa là những vùng ngoại ô địa lý và cuộc sống của nhân loại, những nơi ngoài rìa, những tình trạng trong đó người ta sống tạm bợ như những đồ bỏ của nhân loại không có hy vọng. Vấn đề ở đây không phải là dựa vào những cách thức loan báo Tin mừng và làm chứng về đức bác ái theo như thói quen dễ dàng và thông thường, nhưng là mở những cánh cửa tâm hồn và các cộng đoàn chúng ta cho tất cả mọi người, vì Tin mừng không được dành riêng cho một thiểu số được ưu tuyển. Cả những người ở ngoài lề, thậm chí cả những người bị xã hội xua đuổi và khinh rẻ, họ cũng được Thiên Chúa coi là xứng đáng với tình thương của Ngài. Chúa dọn tiệc cho tất cả mọi người: người công chính cũng như kẻ tội lỗi, người tốt cũng như người xấu, người thông minh và người thất học.
Ðức Thánh cha kể thêm rằng: "Tối hôm qua, tôi điện thoại cho một linh mục cao niên người Ý, hồi còn trẻ làm thừa sai tại Brazil, nhưng luôn luôn làm việc với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cha đang sống tuổi già trong an bình: cha đã dành cuộc đời cho người nghèo. Ðó là Mẹ Giáo hội của chúng ta, đây là sứ giả của Thiên Chúa đi tới các ngã tư đường".
Ðiều kiện đón nhận lòng thương xót của Chúa
Tuy nhiên, Chúa đặt điều kiện: đó là phải mặc áo cưới. Và chúng ta hãy trở lại dụ ngôn. Khi phòng tiệc đầy người, nhà vua đến và chào các khách mời giờ chót, nhưng vua thấy một trong số họ không mặc áo cưới, một thứ áo khoác mà khi vào mỗi khách mời đều được nhận làm quà. Người ấy, vì từ chối món quà nhưng không, nên tự loại trừ mình: và thế là vua không thể làm gì khác hơn là ném người ấy ra ngoài. Người ấy đã nhận lời mời, nhưng rồi lại quyết định rằng điều ấy chẳng có nghĩa lý gì đối với ông ta: ông ta là một người tự mãn, không hề có ý định thay đổi. Áo cưới tượng trưng lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhưng không. Ðón nhận lời mời theo Chúa không thôi thì không đủ, còn phải sẵn sàng thực hiện một hành trình hoán cải, thay đổi tâm hồn. Áo của lòng thương xót, mà Thiên Chúa không ngừng trao tặng chúng ta là một hồng ân nhưng không, là tình thương của Ngài, với sự kinh ngạc và hân hoan."
Và Ðức Thánh cha kết luận với lời nguyện: "Xin Mẹ Maria chí thánh giúp chúng con noi gương các đầy tớ trong dụ ngôn Tin mừng này, đi ra ngoài những khuôn khổ và những quan niệm chật hẹp của chúng con, loan báo cho tất cả rằng Chúa đang mời gọi chúng con vào dự tiệc của Ngài, để ban tặng chúng ta ân thánh cứu độ."
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới gần gũi với các nạn nhân đang bị hỏa hoạn tại nhiều nơi trên thế giới, và với những người thiện nguyện, các lính cứu hỏa đang chịu nguy hiểm tới tính mạng để chữa lửa. Ngài nhắc đến miền California ở Hoa Kỳ, các vùng trung ở Nam Mỹ, miền Pantamal, Paraguay, vùng sông Paranà, Argentina... Nhiều trận hỏa hoạn do hạn hán kéo dài, nhưng cũng có những vụ do con người gây ra... Xin Chúa nâng đỡ những người đang chịu đau khổ và làm cho chúng ta quan tâm hơn đến việc bảo tồn thiên nhiên.
Ðức Thánh cha nhắc đến cuộc ngưng bắn giữa Armeni và Azerbaigian vì lý do nhân đạo, để đạt tới một hiệp định quan trọng về hòa bình. Ngài nói: "Tuy cuộc ngưng bắn quá mong manh, nhưng tôi vẫn khuyến khích ngưng chiến và chia sẻ đau khổ vì mất nhiều nhân mạng, vì những đau khổ và thiệt hại tàn phá nhà ở và nơi thờ phượng. Tôi cầu nguyện và mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người có sinh mạng bị lâm nguy".
Rồi Ðức Thánh cha đề cập đến lễ phong chân phước Carlo Acutis, chiều thứ Bảy 10/10 vừa qua, tại Assisi. Chân phước 15 tuổi này có lòng yêu mến Thánh Thể, không chiều theo thoải mái trong một cuộc sống bất động, trái lại đã đón nhận những người túng thiếu vì nơi họ, chân phước nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô. Chứng tá của chân phước chỉ cho những người trẻ ngày nay thấy hạnh phúc đích thực là đặt Thiên Chúa nơi chỗ thứ nhất và phục vụ anh chị em, đặc biệt là những người rốt cùng.
Ðức Thánh cha nhắc đến ý chỉ ngài đề nghị cho tháng Mười này, là "Cầu cho các tín hữu giáo dân, đặc biệt là các phụ nữ, tham gia nhiều hơn vào các cơ cấu trách nhiệm của Giáo hội." Ngài nói: "Vì không người nào trong chúng ta được chịu phép rửa như linh mục hoặc giám mục: chúng ta được chịu phép rửa như giáo dân nam nữ. Họ giữ vai chính trong Giáo hội. Ngày nay còn phải mở rộng không gian một sự hiện diện quan trọng hơn của phụ nữ trong Giáo hội, một sự hiện diện của giáo dân, giáo dân phụ nữ, vì thường phụ nữ bị gạt ra ngoài tại những nơi đưa ra những quyết định quan trọng. Chúng ta hãy cầu nguyện để trong các tổ chức trách nhiệm của Giáo hội, không rơi vào thái độ duy giáo sĩ, loại bỏ đoàn sủng giáo dân và làm hư hỏng khuôn mặt của Giáo hội."
Ðức Thánh cha nhắc nhớ và khuyến khích sáng kiến ngày 18 tháng 10 năm 2020, tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ cổ võ việc các trẻ em đọc kinh Mân côi cầu cho hòa bình.
Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương đến từ nhiều nước và cầu chúc họ một Chúa nhật tốt đẹp, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.