Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Pháp
bày tỏ quan tâm về tình hình xã hội
Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Pháp bày tỏ quan tâm về tình hình xã hội.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Paris (RVA News 09-10-2020) - Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Pháp bày tỏ quan tâm về tình trạng bạo lực tại một số nơi trong nước và tái kêu gọi bảo vệ sự sống con người, chống lại những toan tính nới rộng luật cho phá thai.
Ban Thường vụ gồm mười một giám mục thành viên, dưới quyền chủ tọa của Ðức cha Chủ tịch Éric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục giáo phận Reims, đã nhóm họp trong hai ngày mùng 5 và 6 tháng 10 năm 2020, tại Paris.
Trong thông cáo công bố sau đó, các giám mục Pháp nhắc đến thông điệp mới của Ðức Thánh cha "Fratelli tutti" và nhấn mạnh đến những điểm có thể áp dụng vào hoàn cảnh của Pháp, như sự kiện chính quyền đang lo âu vì hoạt động của một số phe nhóm muốn biến một số khu phố trong các thành thị của Pháp thành những khu vực không phải tuân theo các luật lệ điều hành xã hội nữa. Các giám mục Pháp khẳng định rằng: "Cuộc chiến chống bạo lực và sự canh chừng những thái độ của một số người, chắc chắn là điều cần thiết, nhưng chúng vẫn không đủ và bất lực, nếu tất cả chúng ta không hoạt động để kiến tạo những tương quan huynh đệ, chẳng vậy tự do và sự bình đẳng sẽ mất ý nghĩa. Tình huynh đệ có thể mạnh mẽ hơn những thủ đoạn ly khai, nếu nó được sống trong sự thật, không thơ ngây và có sự kiên trì. Các nơi thờ phượng của Kitô giáo tại Pháp ngày càng bị suy thoái, và nhiều khi bị xúc phạm. Chúng ta không quên các đền thờ Hồi giáo, hội đường Do thái, nghĩa trang Do Thái. Có những người bị chế nhạo và nhiều khi bị hành hung, hoặc bị giết chỉ vì họ thực sự hoặc bị coi là thuộc về một tôn giáo".
Nhắc đến sự việc từ vài ngày nay, Thượng viện Pháp bắt đầu thảo luận về việc tu chính các đạo luật về đạo đức sinh học, các giám mục Pháp tái bày tỏ lo âu về những điều khoản đã được Quốc hội Pháp thông qua. Ngoài ra, từ vài tuần nay có những áp lực gia tăng đòi Quốc hội Pháp phải nới rộng thời hạn phá thai viện cớ các quyền của phụ nữ và sự bình đẳng, như thế người ta coi việc sinh con chỉ là một hành vi tùy thuộc ý muốn của những người muốn trở thành cha mẹ. Một trẻ em không còn được đón nhận nữa, nó được mong muốn, sản xuất và chọn lựa. Các giám mục đặt câu hỏi: "Phải chăng một xã hội có thể trở nên huynh đệ hơn, khi nó không có gì tốt hơn để đề nghị với các bà mẹ đang ở trong tình trạng khó khăn, ngoài biện pháp loại trừ người con mà họ đang cưu mang sao? Một xã hội có thể là huynh đệ hay không, khi nó tổ chức sự sinh ra của các trẻ em không có cha, cùng lắm chỉ là một người sinh ra về sinh lý?
(HÐGM Pháp 6-10-2020)