Không tìm lợi nhuận
từ việc hạ giá con người thành hàng hóa
Ðức Thánh Cha Phanxicô: Không tìm lợi nhuận từ việc hạ giá con người thành hàng hóa.
Hồng Thủy
Vatican (Vatican News 5-10-2020) - Sáng ngày 5 tháng 10 năm 2020, trong buổi tiếp kiến dành cho khoảng 1,000 người gồm ban giám đốc và nhân viên một ngân hàng tín dụng và cho vay hàng đầu của Ý, nhân kỷ niệm 170 năm thành lập, Ðức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích họ tiếp tục công việc cách quảng đại, trở thành những người xây dựng công bằng và hòa bình.
Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng từ khi thành lập, công việc của ngân hàng được hoạch định trong tương quan với sự phát triển và nhu cầu của đất nước, cần không ngừng đầu tư, hiện đại hóa, hỗ trợ chính quyền địa phương, hỗ trợ đào tạo chuyên môn và sản xuất. Những đường hướng này, theo Ðức Thánh Cha, đòi sự dấn thân quảng đại của các thành viên.
Lợi nhuận
Ðức Thánh Cha nhắc lại sự hoà hợp giữa học thuyết xã hội của Giáo hội với quan điểm trong đó một số nhà đầu tư tìm kiếm một khoản thù lao công bằng từ các nguồn lực huy động được, và sau đó dùng chúng vào việc tài trợ cho các sáng kiến nhằm thúc đẩy xã hội và tập thể. Về nguyên tắc, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng giáo huấn xã hội "không trái ngược với nguyên tắc lợi nhuận nhưng là ngược với việc sinh lời bằng bất cứ giá nào, thứ lợi nhuận quên con người, biến con người thành nô lệ, hạ con người xuống thành một thứ hàng hóa giữa các thứ hàng hóa."
Tham nhũng
Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng "việc quản lý các hoạt động luôn đòi hỏi cách ứng xử công bằng và trong sáng, không nhượng bộ sự tham nhũng. Khi thi hành trách nhiệm cần biết phân biệt tốt xấu. Cần có ý ngay lành, sự minh bạch và tìm kiếm các kết quả tích cực phù hợp với nhau và không bao giờ được tách rời." "Ðó là vấn đề xác định và can đảm theo đuổi những đường lối hành động tôn trọng, thăng tiến con người và xã hội."
Là một tổ chức có mối quan hệ với các tầng lớp khác nhau tìm kiếm sự trợ giúp của tổ chức, Ngân hàng tín dụng và cho vay có thể "làm chứng tá bằng sự nhạy cảm liên đới cụ thể khi ủng hộ việc tái khởi động một nền kinh tế thực sự, là động lực cho sự phát triển con người, gia đình và toàn xã hội. Ðức Thánh Cha khẳng định: "Bằng cách này, nó có thể đồng hành với hành trình tiệm tiến của một quốc gia và phục vụ lợi ích chung, với nỗ lực nhân rộng và làm cho mọi người trên thế giới dễ được hưởng các ích lợi này hơn. (CSR_7206_2020)