Ðức Tổng Giám Mục Gallagher
tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc
về đa dạng sinh học
Ðức Tổng Giám Mục Gallagher tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học.
Văn Yên, SJ
New York (Vatican News 1-10-2020) - Nhân hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học hôm 30 tháng 09 năm 2020, Ðức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, đã phát biểu trong một sứ điệp video rằng: "Chúng ta cần xem xét lại các mô hình phát triển. Cần có hành động khẩn cấp về đa dạng sinh học".
Ngài nói: "Một sự phát triển thực sự toàn diện, hoà hợp giữa việc thúc đẩy lợi ích chung với sự tôn trọng phẩm giá con người, chỉ có thể đạt được khi các chính sách phát triển hướng đến việc phục vụ con người và tuân theo nhận thức toàn diện về môi trường, kinh tế, xã hội và con người trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ của chúng ta".
Trong bài phát biểu, Ðức Tổng Giám Mục Gallagher đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh này trong việc "chiêm ngắm với lòng biết ơn về món quà của tạo hóa và nghiêm túc nhìn nhận những gì đang đe dọa đến sự phong phú phi thường của hành tinh chúng ta"; đồng thời, đây là "cơ hội để xem xét các nguyên nhân gốc rễ khiến đánh mất sự đa dạng sinh học, nhận ra nhiều thiệt hại phát sinh từ đó và tái cam kết những dấn thân chung để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta".
Ðức Tổng Giám mục Gallagher nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến mất đa dạng sinh học, bao gồm việc mở rộng nông nghiệp và công nghiệp, các loại ô nhiễm như: ô nhiễm nhựa biển, thử nghiệm hạt nhân và chất thải chưa được xử lý.
Ngài cũng nhắc lại việc nhiệt độ đại dương tăng lên có tác động tàn phá như thế nào đến hầu hết các rạn san hô trên thế giới và mức độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng quá mức là những yếu tố chính trong biến đổi khí hậu, dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài và giảm khả năng phục hồi của thiên nhiên.
Do đó, để đảo ngược xu hướng đáng báo động này, được nhìn thấy qua sự nghèo nàn của thiên nhiên dẫn đến đau khổ cho con người, đặc biệt ở các khu vực nghèo nhất trên thế giới, thì nhất thiết phải bảo vệ các khu vực phong phú về đa dạng sinh học, chẳng hạn như Amazon và Ba-sin của Congo.
Ngoại trưởng Toà Thánh kết luận rằng thật cần thiết và cũng là bổn phận của mọi người trong việc "nhận thức rằng mọi sinh vật đều có giá trị và có mục đích nội tại của nó; và do đó, phải được yêu thương."
Như thế, thách đố mà chúng ta đang được kêu gọi hành động khẩn cấp, đó là khôi phục mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên, bằng "một cách tiếp cận kết hợp giữa việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta với việc chăm sóc anh chị em của chúng ta; kết hợp các biện pháp tức thời với các chiến lược dài hạn. Ðó chính là điều mà Ðức Thánh Cha Phanxicô gọi là 'hệ sinh thái toàn diện'". (CSR_7092_2020)