Vâng lời không phải bằng lời nói
mà bằng hành động
Ðức Thánh Cha Phanxicô: Vâng lời không phải bằng lời nói mà bằng hành động.
Văn Yên, SJ
Vatican News 27-09-2020) - Trưa Chúa Nhật 27 tháng 9 năm 2020, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Dù trời mưa, nhưng có khá đông tín hữu mặc áo mưu và che dù đến quảng trường để cùng đọc Kinh Truyền Tin với ngài.
Bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến!
Với lời rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su phản đối một thứ tôn giáo không liên quan đến đời sống con người, không thách đố lương tâm và trách nhiệm của mình trước điều tốt và điều xấu. Ngài cũng cho thấy điều này qua dụ ngôn về hai người con trong Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay (x. 21, 28-32). Theo lời mời của cha đi làm vườn nho, người con thứ nhất đã hấp tấp trả lời "không, con không đi", nhưng sau đó ăn năn và đi; ngược lại, người thứ hai ngay lập tức trả lời "dạ, con đi", nhưng thực tế lại không. Vâng lời không phải là lời nói "có" hoặc "không", mà luôn luôn là hành động, làm trong vườn nho, trong việc nhận biết Nước Thiên Chúa. Với ví dụ đơn giản này, Chúa Giê-su muốn vượt lên một thứ tôn giáo chỉ tập trung vào thực hành bề ngoài và theo thói quen, không liên quan đến cuộc sống và thái độ của con người, một thứ tôn giáo bề nổi, chỉ "nghi lễ" theo nghĩa xấu của từ.
Những đại biểu cho tôn giáo "bề ngoài" này vào thời đó, mà Chúa Giê-su không tán thành, đó là "các thượng tế và kỳ mục trong dân" (c. 23), những người mà, theo lời khuyến cáo của Chúa, trong Nước Trời họ sẽ bị những người thu thuế và các cô gái điếm vượt mặt (xem c. 31). Chúa Giêsu nói với họ: "Những người thu thuế, nghĩa là những người tội lỗi, và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông". Lời khẳng định này không được khiến chúng ta nghĩ rằng những người không tuân theo các điều răn của Thiên Chúa, và không theo luân lý đạo đức, là tốt, và nói rằng: "những người đi nhà thờ còn tệ hơn chúng tôi". Không, đây không phải là lời dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giê-su không có ý nói những người thu thuế và những cô gái điếm là mẫu mực, nhưng là "những người được đặc ân nhờ Ân Sủng". Bởi vì sự hoán cải là một ân sủng. Một ân sủng mà Chúa ban cho những ai mở lòng ra và hoán cải trở về với Ngài. Thật vậy, những người này, khi nghe lời rao giảng, đã ăn năn và hoán cải đời sống. Hãy nghĩ đến thánh Mathêu chẳng hạn, một người thu thuế, kẻ phản bội dân tộc đã hoán cải.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người để lại hình ảnh tốt nhất là người con thứ nhất, không phải vì anh nói "không" với cha, nhưng vì sau khi nói "không" anh đã chuyển thành "có", anh đã hối hận. Thiên Chúa kiên nhẫn với mỗi chúng ta: Ngài không mệt mỏi, không từ bỏ sau lời nói "không" của chúng ta; Ngài để chúng ta tự do, ngay cả quay lưng lại với Ngài và phạm sai lầm. Hãy nghĩ đến sự kiên nhẫn của Thiên Chúa tuyệt vời biết mấy! Chúa đã luôn chờ đợi chúng ta thế nào; luôn ở bên cạnh để giúp đỡ chúng ta; nhưng vẫn tôn trọng tự do của chúng ta. Và Ngài mong mỏi chờ đợi câu trả lời "có" của chúng ta, để chào đón chúng ta một lần nữa trong vòng tay phụ tử và lấp đầy chúng ta bằng lòng thương xót vô hạn của Ngài. Ðức tin vào Thiên Chúa đòi hỏi phải đổi mới sự lựa chọn mỗi ngày của điều thiện trên điều ác, của sự thật trên sự dối trá, của tình yêu tha nhân trên sự ích kỷ. Ai hoán cải theo sự lựa chọn này, sau khi đã trải qua kinh nghiệm tội lỗi, sẽ tìm được những vị trí đầu tiên trong Nước Trời, nơi vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hơn vì chín mươi chín người công chính (x. Lc 15,7).
Nhưng sự hoán cải, thay đổi con tim, là một quá trình, một quá trình thanh lọc chúng ta khỏi những vỏ bọc đạo đức. Và đôi khi, đó là một quá trình đau đớn, bởi vì không có con đường nào dẫn đến sự thánh thiện nếu không có một số từ bỏ và không có sự chiến đấu thiêng liêng. Chiến đấu cho điều thiện, chiến đấu để không rơi vào cám dỗ, làm những gì về phần mình chúng ta có thể, để sống trong bình an và niềm vui của các Mối Phúc. Bài Tin Mừng hôm nay đặt vấn đề về lối sống của người Kitô hữu, không phải được tạo nên từ những ước mơ và khát vọng cao đẹp, nhưng bằng những dấn thân cụ thể, để luôn mở lòng đón nhận thánh ý Chúa và yêu thương anh em mình. Nhưng điều này, ngay cả một dấn thân cụ thể nhỏ nhất, cũng không thể thực hiện được nếu không có ân sủng. Sự hoán cải là một ân sủng mà chúng ta luôn phải cầu xin: "Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để con nên tốt hơn. Xin ban cho con ơn trở thành một Kitô hữu tốt".
Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta ngoan nguỳ trước tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Ðấng làm tan chảy sự chai cứng của trái tim, để ăn năn, để có được sự sống và ơn cứu độ mà Chúa Giê-su đã hứa.