Dư âm Thư "Người Samaritano nhân lành"

về nghĩa vụ săn sóc bệnh nhân cuối đời

 

Dư âm Thư "Người Samaritano nhân lành" về nghĩa vụ săn sóc bệnh nhân cuối đời.

G. Trần Ðức Anh OP

Vatican (Vatican News 27-09-2020) - Sáng ngày 22 tháng 9 năm 2020, Bộ Giáo lý Ðức tin đã công bố một thư quan trọng tái khẳng định đạo lý của Hội Thánh về việc tôn trọng sự sống con người, cấm kết liễu sinh mạng người bệnh hoặc giúp tự tử, đồng thời cổ võ "việc chăm sóc những người ở trong giai đoạn nguy kịch và cuối đời".

Thư dài 26 trang mang tựa đề "Người Samaria nhân lành" (Samaritanus Bonus), được Ðức Hồng Y Luis Ladaria SJ, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, và các vị phụ tá giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Văn kiện này được Thánh Bộ thông qua hồi cuối tháng giêng năm 2020 và được Ðức Thánh Cha phê chuẩn ngày 25 tháng 6 năm 2020.

Ý tưởng nòng cốt

Ý tưởng nòng cốt được Bộ Giáo lý Ðức tin nhấn mạnh trong Thư là: "Không thể chữa lành được" (inguaribile) không bao giờ có nghĩa là "không thể săn sóc" (incurabile). Ðây chính là chìa khóa để hiểu Thư "Người Samaria nhân lành" đứng trước sự lạc hướng của lương tâm nhiều người ngày nay về giá trị sự sống. Thư nhấn mạnh rằng phẩm giá và đặc tính thánh thiêng của sự sống con người vẫn luôn tồn tại, cho dù đương sự ở trong tình trạng hôn mê như thực vật hoặc ý thức bị giảm tới mức tối thiểu; việc giúp tự tử không bao giờ được phép, không thể ban phép giải tội cho người tiếp tục thực hiện việc làm cho chết êm dịu và cộng tác vào việc này là đồng lõa.

Văn kiện Bộ giáo lý đức tin đi ngược xu hướng đang lan rộng trong xã hội ngày nay và rõ ràng hơn so với những lập trường gần đây của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống. Văn kiện bác bỏ sự thương xót giả tạo và ý niệm tìm kiếm thiện ích tốt nhất cho người bệnh. Thánh Bộ cũng cảnh giác rằng nguyên nhân đầu tiên đưa tới não trạng chết chóc này chính là vì thiếu đức tin.

Ðối tượng của Thư

Thư của Thánh Bộ được gửi tới trước tiên là các thân nhân, những người giám hộ pháp lý của bệnh nhân cuối đời, các vị tuyên úy nhà thương, các thừa tác viên ngoại thường của bí tích Thánh Thể, các nhân viên mục vụ, những người thiện nguyện ở nhà thương, nhân viên y tế và dĩ nhiên là chính các bệnh nhân và người già ở giai đoạn cuối đời.

Ði ngược xu hướng đang lan rộng

Trong cuộc họp báo giới thiệu, Ðức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cho biết Văn kiện này thích hợp và cần thiết đứng trước tình trạng ngày nay có nhiều quốc gia ban hành luật ngày càng tháo thứ về việc cho phép kết liễu sinh mạng người bệnh, người già, gọi là "Eutanasia", làm cho chết êm dịu, hay là "an tử", hoặc cho phép các bác sĩ giúp bệnh nhân tự tử.

Xác quyết minh bạch

Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin được coi như một "tổng luận" về các vấn đề liên quan đến giai đoạn cuối đời. Phán quyết của Bộ về vấn đề làm cho chết êm dịu thật là minh bạch: "Ðó là một tội ác chống lại sự sống con người vì, qua đó, người ta trực tiếp gây ra cái chết cho một người khác vô tội. [...]. Vì thế, Eutanasia, làm cho chết êm dịu, là một hành vi tự nội tại là xấu, trong bất kỳ cơ hội hoặc hoàn cảnh nào [...]. Eutanasia là một hành vi giết người mà không mục tiêu nào có thể biện minh và không thể chấp nhận một hình thức đồng lõa hoặc cộng tác nào, dù là tích cực hay thụ động". Cả việc làm cho chết êm dịu bằng cách cho thuốc an thần mạnh và sâu cũng là điều không thể chấp nhận được.

Vì thế, Bộ giáo lý đức tin xác quyết "những luật lệ hợp thức hóa việc làm cho chết êm dịu hoặc biện minh cho việc tự tử và giúp tự tử là những luật hết sức bất chính, dựa trên một quyền giả dối là quyền chọn lựa một cái chết gọi là "xứng đáng" chỉ vì đó là cái chết được chọn lựa".

Bác bỏ quan niệm sai về quyền tự quyết

Quyền tự quyết "tự do" của con người không mang lại giá trị hợp luân lý cho một cử chỉ vô luân và không làm cho nó hợp pháp, vì nó trái ngược với công ích". Văn kiện của Bộ Giáo lý Ðức tin viết: "Như ta không thể chấp nhận một người khác trở thành nô lệ của chúng ta, dù người ấy xin chúng ta, thì cũng vậy, ta không thể chọn trực tiếp chấm dứt sự sống của một người, dù người ấy yêu cầu như thế. Vì vậy, hủy diệt một bệnh nhân yêu cầu được làm cho chết êm dịu không hề có nghĩa là nhìn nhận quyền tự quyết của họ và hoặc đề cao giá trị của quyền ấy, trái lại nó có nghĩa là không nhìn nhận giá trị tự do của họ bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh tật và đau đớn, và giá trị sự sống của họ".

Ðứng trước những luật lệ cho phép làm an tử hoặc trợ tử, bác sĩ phải lên tiếng phản kháng lương tâm, vì không bao giờ được thực hành những điều đó và cũng không được cộng tác gián tiếp vào những việc làm như vậy.

Những nguyên nhân khiến Eutanasia lan tràn

Thư của Bộ giáo lý đức tin cũng dành một thiên dài để nói về những nguyên nhân khiến cho não trạng chết chóc lan tràn trong xã hội ngày nay, nhất là ở Tây phương. Nguyên nhân đầu tiên là thiếu đức tin. Thánh Bộ viết: "Ðứng trước tình trạng không thể tránh được của bệnh tật, nhất là nếu đó là bệnh kinh niên và thoái hóa, nếu thiếu đức tin, thì sự đau đớn và chết chóc, và sự thất vọng từ đó mà ra, ngày nay đó là những nguyên chính khiến người ta tìm cách kiểm soát và điều hành thời điểm cái chết, và làm cho nó đến sớm hơn nếu bệnh nhân yêu cầu kết liễu mạng sống của họ hoặc giúp họ tự chấm dứt cuộc sống".

Ý nghĩa Thập Giá Chúa Kitô

Trong bối cảnh đó, Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin thấy cũng cần nhắc lại nhiều ý nghĩa mà Thập Giá Chúa Kitô có thể mang lại cho bệnh nhân đang chịu đau khổ. Những ý nghĩa đó mở ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và phong phú về niềm hy vọng nơi cuộc sống mai hậu.

Những nguyên nhân khác

Bộ giáo lý đức tin cũng nhắc đến những nguyên nhân khác, những nguyên nhân văn hóa, đưa tới việc làm cho chết êm dịu và trợ tử. Trước tiên là não trạng duy lợi ích, cho rằng phẩm giá sự sống tùy thuộc chất lượng của cuộc sống. "Sự sống chỉ được coi là xứng đáng nếu nó có một mức độ chất lượng có thể chấp nhận được, theo phán đoán của chính đương sự hoặc của những người thứ ba, tùy theo họ có hoặc không có những chức năng quan trọng về tâm lý hoặc thể lý, hoặc nhiều khi cũng được xác định khi đương sự có một sự khó chịu hoặc cơ cực về tâm lý". Tiếp đến, ngày nay có sự phổ biến ý niệm sai lầm về lòng cảm thương: "Ðứng trước một sự đau đớn bị coi là "không thể chịu nổi", người ta giúp chấm dứt mạng sống của bệnh nhân nhân danh "lòng cảm thương".

Chủ nghĩa cá nhân

Kẻ thù thứ ba của sự sống chính là chủ nghĩa cá nhân. "Ý tưởng căn bản là những người ở trong tình trạng lệ thuộc hoặc không thể được đồng hóa với sự hoàn toàn tự quyết và hỗ tương, thì họ được săn sóc như một ân huệ". Bệnh nhân bị coi như gánh nặng, là một giới hạn tự do của người thân. "Nếu tôi chăm sóc anh thì có nghĩa làm tôi ban cho anh một ân huệ, chứ không phải vì tôi chu toàn một nghĩa vụ luân lý."

Có một nguyên nhân nữa khiến cho não trạng sự chết lan tràn, đó là "sự phức tạp của các hệ thống y tế ngày nay có thể giảm bớt tương quan tín nhiệm giữa bác sĩ và bệnh nhân, thu hẹp nó thành một tương quan hoàn toàn là kỹ thuật và theo hợp đồng".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page