Sứ điệp Video Ðức Thánh cha gửi
Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Sứ điệp Video Ðức Thánh cha gửi Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 25-09-2020) - Sáng ngày 25 tháng 9 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô gửi sứ điệp Video cho Ðại hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, nhân tuần lễ nhóm họp cấp cao của tổ chức này. Ngài nói đến thực trạng thế giới trước đại dịch, đồng thời mời gọi chính quyền các nước quan tâm giải quyết các vấn đề cấp bách của nhân loại.
Chọn lựa giữa hai con đường
Trong sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha, Ðức Thánh cha nhắc đến những hậu quả tiêu cực của đại dịch trên nhân loại, nhưng ngài cũng nhận định rằng "đại dịch này cũng có thể là một cơ hội đích thực để hoán cải, biến đổi, nghĩ lại lối sống và các chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta đang gia tăng sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, do sự phân phối bất công các tài nguyên".
"Vì thế, chúng ta đang đứng trước sự chọn lựa giữa hai con đường: con đường thứ nhất dẫn tới sự củng cố đa nguyên, biểu lộ tinh thần đồng trách nhiệm mới trên thế giới, một tình liên đới dựa trên công bằng và xây dựng hòa bình, hiệp nhất gia đình nhân loại, là dự án của Thiên Chúa về thế giới. Con đường thứ hai dành ưu tiên cho thái độ tự mãn, quốc gia chủ nghĩa, chính sách bảo vệ thị trường, chủ nghĩa cá nhân và cô lập, loại trừ những người nghèo hơn, dễ bị tổn thương hơn, những người dân ở bên lề cuộc sống. Chắc chắn con đường này gây hại cho toàn thể cộng đoàn, vì đó là thái độ tự làm hại đối với tất cả mọi người".
Bảo đảm vắc-xin cho mọi người
Từ tiền đề trên đây, Ðức Thánh cha kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị và các lãnh vực tư hãy đề ra những biện pháp thích hợp để bảo đảm cho mọi người được vắc-xin chống coronavirus và các kỹ thuật tối cần thiết để giúp đỡ các bệnh nhân. Và nếu cần dành ưu tiên cho ai, thì đó là người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất, là những người thường bị kỳ thị vì không có quyền hành và tài nguyên kinh tế.
Kêu gọi tìm ra những hình thức lao động mới
Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến vấn đề công ăn việc làm bị đe dọa vì thị trường ngày càng bấp bênh và sự robot hóa toàn diện. Ngài nói: "Cần tìm ra những hình thức lao động mới, có khả năng thỏa mãn tiềm năng của con người và đồng thời khẳng định phẩm giá của chúng ta. Ðể bảo đảm công việc làm xứng đáng, cần thay đổi mô hình kinh tế thịnh hành ngày nay, chỉ tìm cách gia tăng lợi nhuận của các xí nghiệp".
Nhiều nhân quyền tiếp tục bị vi phạm
Ðức Thánh cha cũng tố giác sự kiện bao nhiêu quyền căn bản của con người tiếp tục bị chà đạp mà không bị trừng phạt. Danh sách những vi phạm này rất dài, và nó gợi cho chúng ta hình ảnh một nhân loại bị vi phạm, bị thương tổn, tước mất phẩm giá, tự do và khả năng phát triển. Các tín hữu tiếp tục phải chịu đủ mọi thứ bách hại, kể cả cuộc diệt chủng vì tín ngưỡng của họ. Trong số các tín hữu ấy, cả các Kitô hữu cũng là nạn nhân: bao nhiêu người đang chịu đau khổ trên thế giới, nhiều khi bị bó buộc phải trốn chạy khỏi quê cha đất tổ, bị cô lập khỏi lịch sử và văn hóa phong phú của họ.
Võ khí lan tràn
Một tệ nạn khác bị Ðức Thánh cha tố cáo là hiện tượng các võ khí qui ước ngày càng trở thành những võ khí không qui ước, ngày càng trở thành những võ khí tàn sát tập thể, phá hủy các thành thị, trường học, nhà thương, các di tích tôn giáo, các hạ tầng cơ cấu và các dịch vụ căn bản dành cho dân chúng.
Thảm cảnh người di dân và tị nạn
Ðề cập đến hoàn cảnh đau thương của những người di dân, tị nạn, di tản nội địa, Ðức Thánh cha nhắc đến tình trạng trầm trọng nhất, đó là hàng ngàn người bị chặn bắt trên biển khơi và gửi tới các trại tập trung, giam cầm, tại đó có những vụ tra tấn và lạm dụng. Nhiều người là nạn nhân những vụ buôn người, nô lệ tình dục và cưỡng bách lao động, bị bóc lột trong những công việc hạ nhục con người, không có đồng lương xứng đáng. Tất cả những điều đó không thể dung thứ được, nhưng ngày nay chúng là một thực tại mà nhiều người cố tình không biết tới.
Nhiều nước không giữ lời hứa
Ðức Thánh cha than phiền rằng bao nhiêu nỗ lực quốc tế quan trọng để đáp ứng cuộc khủng hoảng vừa nói, bắt đầu bằng những lời hứa to lớn, trong đó có hai hiệp ước hoàn cầu về tị nạn và di dân, nhưng rồi nhiều cố gắng không được sự hỗ trợ chính trị cần thiết nên không thành công. Có những nỗ lực khác bị thất bại vì các quốc gia trốn tránh trách nhiệm và những cam kết của họ.
Kêu gọi xét lại vai trò các tổ chức kinh tế tài chánh
Trong chiều hướng trên đây, Ðức Thánh cha kêu gọi xét lại vai trò của các tổ chức kinh tế và tài chánh, làm sao để mang lại câu trả lời cho tình trạng gia tăng mau lẹ sự chênh lệch giữa những người giàu sụ và những người nghèo trường kỳ. Cần có một kiểu mẫu kinh tế thăng tiến tinh thần phụ đới, nâng đỡ phát triển kinh tế ở cấp địa phương và đầu tư vào giáo dục cũng như các cơ cấu hạ tầng, mưu ích cho các cộng đồng địa phương. Cộng đồng quốc tế cần cố gắng chấm dứt những bất công kinh tế.
Thảm trạng ở vùng Amazzonia
Ðức Thánh cha không quên nhắc đến tình trạng nguy hiểm ở miền Amazzonia với các dân bản địa tại đây. "Tình trạng này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc khủng hoảng môi trường gắn liền với một cuộc khủng hoảng xã hội, và việc chăm sóc môi trường đòi phải có một đường lối tiếp cận toàn diện để bài trừ nghèo đói và tình trạng bị loại trừ."
Vấn đề bảo vệ môi sinh
Cũng trong lãnh vực bảo vệ môi sinh, Ðức Thánh cha ghi nhận có một sự nhạy cảm hơn về môi sinh và ước muốn hành động gia tăng. Ngài kêu gọi đừng đặt những gánh nặng về môi trường trên các thế hệ tương lai: "Chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi xem có một ý chí chính trị, trong tinh thần lương thiện, trách nhiệm và can đảm, dành nhiều nhân lực, tài chánh và kỹ thuật hơn để làm dịu bớt những hậu quả tiêu cực do sự thay đổi khí hậu gây ra, và để giúp đỡ các dân tộc nghèo, dễ bị tổn thương hay không, họ là những người bị thiệt hại nhiều nhất."
Thảm trạng các trẻ em
Cũng trong sứ điệp, Ðức Thánh cha đề cập đến tình trạng các trẻ em và trẻ vị thành niên di dân và tị nạn không có người tháp tùng, nạn bạo hành chống trẻ em, đặc biệt là nạn lạm dụng tính dục và dâm ô trẻ em, đang gia tăng mạnh. Hàng triệu trẻ em không thể trở lại trường học. Và rất tiếc là các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đang cổ võ phá thai như một trong những "dịch vụ thiết yếu", như câu trả lời nhân đạo. Thật là buồn khi thấy thật là dễ dàng, đơn giản và tiện lợi, đối với một số người chối bỏ sự sống như một giải pháp cho các vấn đề có thể và phải được giải quyết cho người mẹ cũng như cho hài nhi chưa sinh ra.
Thăng tiến phụ nữ
Ðức Thánh cha cũng đề cập đến việc thăng tiến phụ nữ. Nhiều phụ nữ còn bị thụt lùi đằng sau, hoặc là nạn nhân của nạn nô lệ, buôn người, bạo hành, khai thác bóc lột và đối xử nhục nhã. "Tôi bày tỏ sự gần gũi huynh đệ đối với họ và những phụ nữ phải sống xa gia đình, đồng thời tôi kêu gọi gia tăng quyết tâm và dấn thân trong cuộc chiến đấu chống những thói tục đồi bại không những hạ giá phụ nữ nhưng toàn thể nhân loại, những người im lặng và thiếu những hành động cụ thể trở thành đồng lõa trong tệ nạn này."