Tự tử gia tăng,

Giáo hội Ấn Ðộ hỗ trợ tâm lý xã hội trực tuyến

 

Tự tử gia tăng, Giáo hội Ấn Ðộ hỗ trợ tâm lý xã hội trực tuyến.

Ngọc Yến

New Delhi (Vatican News 21-09-2020) - Ðại dịch đã làm cho hiện tượng rối loạn tâm lý, trầm cảm và cô đơn càng trở nên trầm trọng hơn trong xã hội Ấn Ðộ. Vì lý do này, Giáo hội Công giáo đã khởi động một chương trình hỗ trợ tâm lý xã hội qua tư vấn trực tuyến dành cho những người gặp khó khăn.

Caritas Ấn Ðộ cung cấp các chuyên gia cho dịch vụ. Cha Paul Moonjely, giám đốc điều hành Caritas cho biết: "Dịch vụ đã trở nên rất cần thiết vì mỗi năm có hàng ngàn người tự tử và con số không ngừng tăng lên. Ðể xóa tan những quan điểm đơn giản về các vụ tự tử và chấm dứt điều cấm kỵ xung quanh thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần, các nhóm do Caritas điều phối cam kết tiếp cận những người dễ bị tổn thương và cần hỗ trợ tâm lý xã hội".

Theo dữ liệu công bố vào đầu tháng 9 của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ, hơn 139 ngàn người Ấn Ðộ đã chết vì tự tử vào năm 2019, trong số đó hơn 93 ngàn người trẻ. Số tự tử nơi người trẻ ở Ấn Ðộ đã tăng 4%. Số tự tử nói chung tăng 3.4%.

Bà Sabita Parmer, một nhà tâm lý học nói: "Sức khỏe tâm thần không phải là điều ưu tiên của hầu hết mọi người ở Ấn Ðộ. Chính phủ không quan tâm đủ đến vấn đề này. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo phải giúp đỡ những người gặp khó khăn qua hỗ trợ tâm lý xã hội, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch đang gây căng thẳng cho sức khỏe của mọi người". Nhà tâm lý học ca ngợi sáng kiến của Giáo hội cam kết thúc đẩy sức khỏe tâm lý của mọi người.

Tiến sĩ Samir Parikh, bác sĩ tâm thần và giám đốc Khoa Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Hành vi tại phòng khám "Fortis Healthcare" ở New Delhi, nhấn mạnh: "Các rối loạn tâm thần và những bệnh bắt nguồn từ nghiện ngập phải được xem xét cẩn thận để người bệnh được chữa trị tại các tuyến y tế và với sự đóng góp của hệ thống y tế quốc gia. Vì lợi ích của xã hội và để ngăn chặn hiện tượng tự tử, cần phải chấm dứt suy nghĩ cho rằng những người mắc các chứng rối loạn này là bệnh giả dối, hoặc đó là vấn đề của sự lựa chọn cá nhân. Ðiều quan trọng là phải làm việc ở cấp độ văn hóa và xã hội để thay đổi tâm lý lan rộng".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page