Ðại diện Tòa Thánh phê bình
nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ủng hộ phá thai
Ðại diện Tòa Thánh phê bình nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ủng hộ phá thai.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
New York (RVA News 18-09-2020) - Ðức Tổng giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phê bình nghị quyết về đại dịch Covid-19, có bao gồm quyền sinh sản, mở đường cho việc phá thai, và tiếc là nghị quyết này không được sự đồng thuận của tất cả các nước khi được thông qua.
Nghị quyết mang tựa đề: "Câu trả lời bao quát và có phối hợp đối với đại dịch Covid-19", đã được thông qua ngày 11 tháng 9 năm 2020, trong đó có đoạn kêu gọi tất cả các nước "hãy đề ra những biện pháp cần thiết để đảm bảo cho các phụ nữ và thiếu nữ được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe, kể cả sức khỏe tính dục và sinh sản, và các quyền sinh sản".
Các kiểu nói này đã được du nhập vào các hội nghị quốc tế, từ hội nghị ở Bắc Kinh năm 1995, và chúng thường bị giải thích là các phụ nữ được quyền phá thai, phá thai để chọn phái tính, mang thai mướn và làm tuyệt đường sinh sản, những việc làm này được coi là những chiều kích của "sức khỏe sinh sản".
Những phê bình của Ðức Tổng giám mục Caccia cũng được đại diện của Hoa Kỳ phản ánh khi bỏ phiếu chống lại nghị quyết.
Thông cáo của Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, nói rằng: "Chúng tôi không chấp nhận việc nói đến "sức khỏe tính dục và sinh sản", "các quyền sinh sản" hoặc các ngôn từ khác ngụ ý hoặc minh nhiên khẳng định cho phá thai theo luật pháp, là điều phải được bao gồm trong các dịch vụ sức khỏe, đặc biệt trong những bối cảnh liên hệ tới phụ nữ.
Nghị quyết đã được thông qua, nhưng không theo thể thức "omnibus", nghĩa là tất cả các nước đều đồng thuận. Trong thực tế, có 169 phiếu thuận, hai phiếu chống là Hoa Kỳ và Israel, hai phiếu trắng là Hungary và Ucraina.
Ðức Tổng giám mục Caccia nói rằng: "Vì cộng đồng quốc tế cần cùng nhau đương đầu với đại dịch, Tòa Thánh ủng hộ ý tưởng cần có một nghị quyết đồng thuận, ngay từ đầu và trong cuộc thương thảo, nhấn mạnh cần phải có một lối tiếp cận chung và dựa trên sự đồng ý của tất cả mọi người. Ðáng tiếc là nghị quyết này, vốn được đề xướng như một phương thế chứng tỏ thế giới, mà Ðại hội đồng này đại diện, cùng đứng với nhau và mang lại càng nhiều sáng kiến chống Covid-19, nhưng lại được thông qua với sự thiếu đồng thuận như thế".
Sau cùng, vị Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cũng lấy làm tiếc vì nghị quyết loại trừ các tổ chức tôn giáo ra khỏi danh sách những tác nhân giữ một vai trò quan trọng trong việc đáp trả đại dịch.
(CNA 16-9-2020)