Thăng tiến công ích
là nghĩa vụ và sứ mạng của Kitô hữu
Ðức Thánh cha: Thăng tiến công ích là nghĩa vụ và sứ mạng của Kitô hữu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 09-09-2020) - Sáng thứ Tư, ngày 9 tháng 9 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 500 tín hữu hành hương từ các nước, tụ tập tại sân thánh Damaso, ở nội thành Vatican. Ðây là địa điểm được chọn làm nơi gặp gỡ giữa Ðức Thánh cha và các tín hữu trong tháng Chín năm 2020.
Từ trước 7 giờ sáng, đã có những nhóm tín hữu xếp hàng để tiến qua trạm kiểm soát an ninh, với các máy phát hiện kim loại. Khu vực này thuộc lãnh thổ Vatican, nhưng theo thỏa thuận, công việc tại khu vực này được phân bộ cảnh sát Italia, cạnh Vatican đảm trách. Các tín hữu đi qua trạm này, để tiến vào Cửa Ðồng, trước khi leo các bậc thang tiến lên sân thánh Damaso.
Tại sân này có chia thành khu và có xếp ghế ngồi cho các tham dự viên. Những ai đến sau, thì đứng ở hai bên. Vì đại dịch vẫn còn, nên các tín hữu đều mang khẩu trang và giữ sự giãn cách xã hội. Nơi hàng đầu, được dành cho các đôi tân hôn và vài người khuyết tật. Trước đó, cũng có một số giám mục tham dự.
Ðức Thánh cha tới sân thánh Damaso, lúc 9 giờ 15 và đi bộ theo hành lang ở giữa, từ dưới lên lễ đài. Dọc đường, Ðức Thánh cha dành 30 phút để thăm hỏi và nói chuyện với các tín hữu đứng hai bên. Nhiều người xin ngài làm phép, cũng có người tặng bánh ngọt cho Ðức Thánh cha. Ngài không mang khẩu trang và cũng không bắt tay, tránh đụng chạm đến tay các tín hữu để phòng ngừa coronavirus lan lây.
Tôn vinh Lời Chúa
Lên đến lễ đài đơn sơ, Ðức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu hãy ngồi vào ghế hẳn hoi, đừng đứng tụm vào một chỗ, để tránh lan lây. Rồi ngài làm dấu thánh giá để mở đầu buổi tiếp kiến.
Trước tiên là phần lắng nghe Lời Chúa, với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ sách Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn 15 (32-37), kể lại phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, đi theo để nghe Ngài giảng. Ðoạn Tin mừng bắt đầu bằng câu: Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại với Ngài và nói: "Thầy cảm thấy thương dân chúng. Ðã ba ngày rồi họ ở với Thầy mà không có gì để ăn. Thầy không muốn giải tán họ bụng đói, vì e rằng họ sẽ bị xỉu dọc đường" ... Và tiếp đến, Chúa làm phép lạ biến bảy chiếc bánh và vài con cá nhỏ để nuôi đám đông, và tất cả đều ăn no.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong phần huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch, và bài thứ sáu ngài trình bày có đề tài là: "Tình liên đới và công ích".
Thảm trạng vì đại dịch
Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua vì đại dịch giáng xuống tất cả mọi người; chúng ta có thể ra khỏi đó tốt đẹp hơn, nếu tất cả chúng ta cùng nhau tìm kiếm công ích. Ðáng tiếc là chúng ta chứng kiến những lợi lộc phe phái đang trồi lên. Ví dụ, có người muốn chiếm hữu những giải pháp khả thể, như trong trường hợp các vắc-xin hay thuốc chủng ngừa. Một số người lợi dụng tình trạng này để xách động chia rẽ; để tìm kiếm những lợi lộc kinh tế hoặc chính trị, gây ra hoặc gia tăng xung đột. Một số khác chẳng quan tâm gì đến những đau khổ của người khác, họ đi qua bên kia đường và tiếp tục hành trình (xc.. Lc 10, 30-32). Họ là những người sùng kính quan Phongxiô Philatô, những người rửa tay.
Câu trả lời tình thương Kitô cho đại dịch
Câu trả lời Kitô cho đại dịch và những khủng hoảng tiếp theo đó về mặt xã hội, kinh tế dựa trên tình thương, trước tiên là tình thương của Thiên Chúa, Ðấng luôn đi trước chúng ta (xc. 1 Ga 4,19). Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu ấy của Chúa, thì chúng ta có thể đáp lại một cách tương tự. Tôi không chỉ yêu thương những người yêu mến tôi: gia đình tôi, bạn hữu, nhóm của tôi, nhưng cả những người không thương tôi, không biết tôi, những người xa lạ, và cả những người làm cho tôi đau khổ hoặc tôi coi là kẻ thù (xc. Mt 5,44). Ðiều chắc chắn là yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù, đó là điều khó khăn - tôi gọi đó là một nghệ thuật! Nhưng một nghệ thuật, ta có thể học và cải tiến. Tình thương chân thực, làm cho chúng ta phong phú và tự do, luôn lan tỏa và bao gồm. Tình thương ấy chăm sóc, chữa lành và làm điều tốt.
Tình thương bao quát
"Vì thế, tình thương không chỉ giới hạn vào những tương quan giữa hai hoặc ba người, hoặc nơi các bạn hữu hay gia đình. Nó bao gồm những tương quan dân sự và chính trị (xc. SGLCG - CCC- 1907-1912), bao gồm cả tương quan với thiên nhiên (Laudato sì, 231). Vì chúng ta là những hữu thể xã hội và chính trị, nên một trong những biểu hiện cao quí nhất của tình thương chính là biểu hiện xã hội và chính trị, có đặc tính quyết định đối với sự phát triển nhân bản và để đương đầu với mọi thứ khủng hoảng (ibid. 231). Chúng ta biết rằng tình thương làm cho gia đình và tình bạn được phong phú; nhưng cũng nên nhớ rằng nó cũng làm cho các tương quan xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị được phong phú, giúp chúng ta xây dựng "một nền văn minh tình thương", như thánh Phaolô VI thường nói,[1] và theo vết đó, thánh Gioan Phaolô II cũng dạy. Nếu không có sự soi sáng ấy, thì thứ văn hóa ích kỷ, dửng dưng, gạt bỏ sẽ trỗi vượt, nghĩa là gạt bỏ những gì mình không thích, những gì có vẻ vô ích trong xã hội. Vừa rồi khi đi vào đây, có một đôi vợ chồng nói với tôi: "Xin cha cầu nguyện cho chúng con, vì chúng con có một đứa con khuyết tật. Tôi hỏi: cháu bao nhiêu tuổi? Thưa nhiều tuổi lắm. Vậy anh chị làm gì? Thưa chúng con đồng hành với cháu, chúng con giúp cháu". Trọn cuộc sống làm cha mẹ cho đứa con bị khuyết tật ấy. Ðó là tình thương. Và những đối thủ chính trị, dường như cũng là những người khuyết tật chính trị, xã hội... Phần chúng ta, chúng ta phải yêu mến họ, phải đối thoại, xây dựng nền văn minh tình thương. Nhưng thực tế, chúng ta thấy chiến tranh, chia rẽ, ghen tuông, cả chiến tranh trong gia đình...
Công ích là thiện ích đích thực
"Coronavirus cho chúng ta thấy rằng thiện ích đích thực cho mỗi người là công ích, và ngược lại, công ích là một điều thiện ích cho cá nhân (xc. CCC 1905-1906). Sức khỏe, không những là cá nhân, nhưng cũng là một thiện ích công cộng. Một xã hội lành mạnh là xã hội chăm sóc đến sức khỏe của tất cả mọi người.
Tình thương vô giới hạn chống virus không biên giới
"Một thứ virus không biết hàng rào, biên cương hoặc những phân biệt văn hóa và chính trị, phải chống lại nó bằng một tình thương không hàng rào, biên cương hoặc phân biệt. Tình thương này có thể sinh ra những cơ cấu xã hội khuyến khích chúng ta chia sẻ thay vì cạnh tranh, giúp chúng ta bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất và không gạt bỏ họ, và giúp chúng ta biểu hiện điều tốt đẹp nhất của nhân tính chúng ta, chứ không phải điều tệ hại nhất. Thực vậy, khi chúng ta yêu thương và tạo nên sự sáng tạo, tín thác và liên đới, thì từ đó nảy sinh những sáng kiến cụ thể để phục vụ công ích.[2] Và điều này cũng có giá trị trên bình diện cộng đoàn lớn nhỏ, cũng như trên bình diện quốc tế.
Tránh các giải pháp ích kỷ
Ðức Thánh cha cảnh giác rằng: "Trái lại, nếu các giải pháp cho đại dịch mang tính chất ích kỷ, hoặc của cá nhân, xí nghiệp hay quốc gia, thì có thể chúng ta sẽ ra khỏi coronavirus, nhưng chắc chắn là không thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhân đạo và xã hội, mà virus đã làm nổi bật và tăng cường. Vì thế, cần chú ý đừng xây dựng trên cát (xc. Mt 7,21-27)! Ðể xây dựng một xã hội lành mạnh, bao gồm, công chính và hòa bình, chúng ta phải xây trên đá tảng của công ích.[3] Và đó là nghĩa vụ của tất cả mọi người, chứ không phải của vài chuyên gia. Thánh Tôma Aquinô đã nói rằng thăng tiến công ích là một nghĩa vụ công bằng của mỗi công dân. Và đối với các tín hữu Kitô, đó cũng là một sứ mạng. Như thánh Ignatio Loyola đã dạy, qui hướng những cố gắng hằng ngày của chúng ta về công ích, đó là cách thức đón nhận và phổ biến vinh quang Thiên Chúa.
Cổ võ nền chính trị tốt
"Ðáng tiếc là chính trị thường không có tiếng tốt, và chúng ta biết tại sao. Nhưng không được cam chịu cái nhìn tiêu cực ấy, trái lại, cần phản ứng bằng cách chứng tỏ qua các sự việc, cho thấy có thể và cần phải có một nền chính trị tốt,[4] nền chính trị đặt con người và công ích ở trung tâm. Ðó là điều có thể có được, tùy theo mức độ mỗi công dân, và đặc biệt những người có trách vụ xã hội và chính trị, đặt hành động của mình trên căn bản các nguyên tắc luân lý đạo đức, để cho tình thương xã hội và chính trị hướng dẫn hoạt động ấy. Các tín hữu Kitô, đặc biệt các tín hữu giáo dân, được kêu gọi làm chứng tốt đẹp về điều đó và họ có thể làm được nhờ đức bác ái, vun trồng chiều kích xã hội của nhân đức ấy."
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Vì thế, đây là lúc làm tăng trưởng tình yêu xã hội của chúng ta, tất cả đều góp phần, từ những bé nhỏ của chúng ta. Công ích đòi phải có sự tham gia của tất cả mọi người. Nếu mỗi người đóng góp phần của mình, và nếu không ai bị bỏ ra ngoài, thì chúng ta có thể tái tạo những tương quan tốt đẹp trên bình diện cộng đoàn, quốc gia, quốc tế và cả trong sự hòa hợp với môi trường (Cư LS 236). Như thế trong các cử chỉ của chúng ta, cả những cử chỉ khiêm hạ nhất, có một cái gì từ hình ảnh của Thiên Chúa mà chúng ta mang trong mình, được trở nên hữu hình, vì Thiên Chúa là Ba Ngôi Tình Thương. Với ơn Chúa giúp, chúng ta có thể chữa lành thế giới bằng cách tất cả cùng nhau làm việc cho công ích."
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Arập, Ba Lan.
Ðức Thánh cha đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện cho các học sinh được quyền hưởng giáo dục trong an ninh, chống lại các vụ tấn công và khủng bố tại các trường học.
Các bài tóm tắt trong các ngôn ngữ khác thường chỉ thu ngắn bài giáo lý của Ðức Thánh cha và lời chào vắn tắt của ngài, trong khi đó, qua bài ngỏ lời với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha có nhắc đến một vài sinh hoạt của Giáo hội tại nước này. Ngài nói: "Tôi thân ái chào thăm tất cả mọi người Ba Lan. Hôm qua, chúng ta đã mừng lễ Sinh nhật Ðức Mẹ, ở Ba Lan cũng được gọi là "Lễ Ðức Mẹ hạt giống". Khi xin làm phép các hạt giống để gieo trong năm nay, anh chị em đã cầu nguyện để tất cả mọi người, noi gương Mẹ Maria, làm cho hạt giống sinh sản gấp trăm lần. Mẹ đã ban cho thế giới hoa trái vô giá là Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Cả chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi mang lại hoa trái, qua những công việc lành. Ngợi khen Chúa Kitô."
Sau cùng, bằng tiếng Ý Ðức Thánh cha nói: "Tôi thân ái chào thăm tất cả anh chị em nói tiếng Ý và cầu mong cuộc gặp gỡ và cuộc viếng thăm mộ các thánh Tông đồ củng cố đức tin của anh chị em để làm chứng tá Kitô ngày càng quảng đại của mình và trở thành một dấu chỉ an ủi và hy vọng cho tha nhân.
Tôi đặc biệt nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Hôm qua, chúng ta đã cử hành lễ Sinh nhật Ðức Mẹ Maria. Ước gì tấm gương và sự chuyển cầu hiền mẫu của Mẹ luôn soi sáng và đồng hành với anh chị em trong cuộc sống."
- - - - - - - -
[1] Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 1-1-1977, AAS 68 [1976], 709.
[2] Xc. S. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 38.
[3] ibid. 10.
[4] Xc. Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới, 1-1-2019 (8/12/2018).