Tình liên đới chính là con đường phải theo

trong thời hậu đại dịch

 

Ðức Thánh cha: Tình liên đới chính là con đường phải theo trong thời hậu đại dịch.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 02-09-2020) - Sau 200 ngày, với 19 lần tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư, dưới dạng trực tuyến, từ dinh Tông tòa vì đại dịch, không có tín hữu hành hương trực diện, lúc 9 giờ 30 sáng thứ Tư, 2 tháng 9 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung tại sân thánh Damaso, với khoảng 500 tín hữu.

Ðây là lần đầu tiên một buổi tiếp kiến chung hằng tuần diễn ra tại sân thánh Damaso, ở khu vực dinh Tông tòa. Thường thường, địa điểm này chỉ dành để đón tiếp các đoàn xe của các vị quốc trưởng, thủ tướng hoặc các nhà ngoại giao cấp cao, hoặc làm nơi tuyên thệ ngày 6 tháng 5 hằng năm của các tân vệ binh Thụy Sĩ, nhưng trong tháng Chín năm 2020, Ðức Thánh cha đã cho dùng làm nơi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, trong khi chờ đợi tình hình đại dịch được cải tiến, để có thể diễn ra tại Quảng trường thánh Phêrô hoặc Ðại thính đường Phaolô VI.

Từ 7 giờ 30 sáng thứ Tư, 2 tháng 9 năm 2020, các tín hữu muốn tham dự buổi tiếp kiến đã có mặt tại Quảng trường thánh Phêrô, tiến qua trạm kiểm soát an ninh, với máy phát hiện kim loại, do các nhân viên cảnh sát Italia đảm trách, rồi đi vào Cửa Ðồng, để leo các bậc thang tiến lên Sân thánh Damaso.

Sân này là một khuôn viên: một chiều để trống, nhìn ra Quảng trường thánh Phêrô. Ba chiều còn lại gồm hai dãy ba lầu, được dành cho Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và một dãy là dinh Tông tòa có ba tầng: tầng một dành cho Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho Ðức Tổng giám mục Phụ tá và Ðức Tổng giám mục ngoại trưởng. Tầng hai dành cho các phòng tiếp kiến, và tầng trên cùng dành cho Ðức Giáo hoàng, nhưng hiện thời, Ðức Thánh cha Phanxicô không cư ngụ tại đây.

Lúc gần 9 giờ 30, Ðức Thánh cha xuất hiện tại sân thánh Damaso. Tại đây, các tín hữu được phân chia thành ba khu vực, họ mang khẩu trang và giữ sự giãn cách xã hội. Nơi hàng đầu được dành cho các đôi tân hôn và vài người khuyết tật.

Tôn vinh Lời Chúa

Mở đầu là phần lắng nghe Lời Chúa, với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ sách Tông đồ công vụ, thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên cộng đoàn các môn đệ tại Nhà tiệc ly.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch, và bài thứ năm ngài trình bày có đề tài là: "Tình liên đới và nhân đức tin".

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sau nhiều tháng trời, chúng ta mở lại cuộc gặp gỡ diện đối diện, chứ không qua màn hình nữa. Ðiều này thật là đẹp! Ðại dịch hiện nay đã cho thấy rõ sự lệ thuộc của chúng ta với nhau: Tất cả chúng ta đều liên kết với nhau, trong bất hạnh cũng như trong những gì tốt đẹp. Vì thế, để ra khỏi cuộc khủng hoảng này trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta phải cộng tác với nhau, tất cả trong tình liên đới.

Là gia đình nhân loại, chúng ta có nguồn gốc chung nơi Thiên Chúa; chúng ta ở trong một căn nhà chung là trái đất, như khu vườn, trong đó Thiên Chúa đã đặt để chúng ta; và chúng ta có một vận mệnh chung trong Chúa Kitô. Nhưng khi chúng ta quên tất cả những điều đó, thì sự liên hệ với nhau trở thành sự tùy thuộc của một số người này đối với những người khác, gia tăng sự chênh lệch và tình trạng bị gạt ra ngoài lề; cấu kết xã hội bị suy yếu và môi trường bị suy thoái.

Nguyên tắc liên đới

"Vì thế, nguyên tắc liên đới ngày nay là điều cần thiết hơn bao giờ hết, như thánh Gioan Phaolô II đã dạy (Xc. Thông điệp "Mối quan tâm về các vấn đề xã hội" nn. 38-40). Trong một thế giới liên kết với nhau, chúng ta cảm nghiệm ý nghĩa của cuộc sống trong cùng một "ngôi làng hoàn cầu"; nhưng chúng ta không luôn luôn biến đổi sự lệ thuộc nhau thành tình liên đới. Sự ích kỷ - cá nhân, quốc gia và nhóm quyền lực - và những ý thức hệ cứng nhắc làm gia tăng "những cơ cấu tội lỗi" (ibid. 36).

"Từ 'liên đới' có phần bị hao mòn và nhiều khi người ta giải thích nó không đúng. Thực ra, nó có ý nghĩa rộng rãi hơn, chứ không phải chỉ là vài hành động quảng đại thỉnh thoảng. Liên đới đòi phải tạo nên một tâm thức mới, nghĩ đến cộng đoàn, dành ưu tiên cho cuộc sống mọi người, thay vì sự chiếm hữu của cải do một vài người" (Ev. Gaudium, 188). Ðây không phải chỉ là vấn đề giúp đỡ người khác: nhưng là vấn đề công bằng (Xc. SGLCG 1939-1940). Ðể sự lệ thuộc nhau có đặc tính liên đới và mang lại thành quả, thì nó cần có những cội rễ sâu trong con người và trong thiên nhiên được Thiên Chúa tạo dựng, nó cần sự tôn trọng các bộ mặt và của trái đất.

Thái độ mâu thuẫn

Kinh thánh, ngay từ đầu, đã cảnh giác chúng ta. Trình thuật tháp Babel (Xc. St 11,1-9) mô tả điều xảy ra, khi chúng ta tìm cách lên tới trời - vốn là mục tiêu của chúng ta - mà quên mối liên hệ với con người, với thiên nhiên và với Ðấng Tạo Hóa. Chúng ta xây những ngọn tháp và những nhà chọc trời, nhưng chúng ta lại phá hủy cộng đoàn. Chúng ta liên kết các dinh thự và ngôn ngữ, nhưng chúng ta lại làm cho sự phong phú văn hóa bị chết đi. Chúng ta muốn làm chủ nhân của trái đất, nhưng chúng ta lại làm hư hỏng sự đa dạng sinh học (biodiversità) và sự quân bình môi sinh. Tôi đã kể trong một buổi tiếp kiến khác, về những ngư phủ ở San Benedetto del Tronto, Italia. Họ nói với tôi là: "Chúng con đã vớt được từ biển 24 tấn rác, trong đó một nửa là plastic". Họ đã làm sạch biển. Nhưng hành động làm ô nhiễm biển như thế là làm hư hại trái đất, không liên đới với trái đất-là một hồng ân-, và không quan tâm đến sự quân bình môi sinh.

Ðồ vật được coi trọng hơn con người

"Tôi nhớ một câu chuyện thời trung cổ mô tả "hiệu chứng Babel". Chuyện kể rằng trong việc xây tháp, khi một người ngã xuống và chết, chẳng ai nói gì cả. Trái lại, nếu một viên gạch rơi xuống, thì tất cả đều than vãn. Tại sao vậy? Thưa, vì một viên gạch giá đắt đỏ: cần phải có thời gian và lao động để chế tạo các viên gạch. Một viên gạch đáng giá hơn mạng sống con người. Rất tiếc là cả ngày nay cũng xảy ra điều tương tự. Nếu thị trường tài chánh bị sụt thì mọi hãng thông tấn đều loan tin. Nhưng hàng ngàn người ngã xuống chết đói mà chẳng ai nói gì cả.

Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống

Hoàn toàn ngược lại với tháp Babel, là biến cố Hiện Xuống (Xc. Cv 2,1-3). Chúa Thánh Linh từ trên cao ngự xuống như gió và lửa, tràn ngập cộng đoàn đang họp nhau trong Nhà tiệc ly, làm cho họ tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa, thúc đẩy họ ra ngoài và loan báo Chúa Giêsu cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Linh kiến tạo tình hiệp nhất trong khác biệt, kiến tạo sự hòa hợp. Tha nhân không phải chỉ là một công cụ, một công nhân lao động mà thôi, nhưng họ tham gia hết mình vào việc xây dựng cộng đoàn. Thánh Phanxicô Assisi biết rõ điều đó, và được Thánh Linh soi sáng, thánh nhân gọi tất cả mọi người, và gọi cả các thụ tạo là "anh em, chị em" (Xc. LS 11; San Bonaventura, Legenda maior, VIII, 6: FF 1145).

Hiệp nhất trong sự khác biệt: liên đới

Với Lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa hiện diện và soi sáng đức tin của cộng đoàn hiệp nhất trong sự khác biệt và trong tình liên đới. Một sự khác biệt liên đới có những "kháng thể" để sự độc đáo của mỗi người - vốn là một hồng ân độc nhất và không thể lập lại - không nhiễm bệnh cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ. Sự khác biệt liên đới cũng có những kháng thể để chữa lành các cơ cấu và quá trình xã hội, để chúng không bị thoái hóa thành những chế độ bất công và đàn áp (Xc. Toát yếu đạo lý xã hội của Hội Thánh, 192). Vì thế, tình liên đới ngày nay chính là con đường cần phải theo để tiến đến một thế giới thời hậu đại dịch, tiến đến sự chữa lành những bệnh tật giữa con người với nhau và xã hội.

Một tình liên đới được đức tin hướng dẫn, giúp chúng ta diễn tả tình yêu Thiên Chúa trong nền văn hóa hoàn cầu hóa của chúng ta, không kiến tạo những ngọn tháp hoặc những bức tường chia rẽ, rồi sụp đổ, nhưng kết thành những cộng đoàn và nâng đỡ các tiến trình tăng trưởng thực sự, là nhân bản và vững chắc."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Giữa khủng hoảng và bão tố, Chúa gọi hỏi và mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và khởi động tình liên đới có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và một ý nghĩa cho những giờ này, trong đó mọi sự dường như bị chìm xuống. Ước gì tinh thần sáng tạo của Chúa Thánh Linh khích lệ chúng ta tạo nên những hình thức mới mẻ cho lòng hiếu khách gia đình, tình huynh đệ phong phú và tình liên đới đại đồng."

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha, qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Arập, Ba Lan.

Trong khi bài tóm tắt bằng các ngôn ngữ khác chỉ thu ngắn bài giáo lý của Ðức Thánh cha và lời chào vắn tắt của ngài, thì trong bài ngỏ lời với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha có nhắc đến một vài sinh hoạt của Giáo hội tại nước này. Ngài nói: "Anh chị em thân mến, trong những ngày qua, tại Ba Lan đã kỷ niệm 40 năm những Hiệp định - khởi hành từ tình liên đới với những người bị áp bức - đã khai sinh công đoàn Liên đới "Solidarnosc" và dẫn đến những thay đổi chính trị lịch sử tại đất nước anh chị em và tại Trung Âu. Hôm nay, chúng ta nói về liên đới trong bối cảnh đại dịch. Ðiều mà thánh Gioan Phaolô II đã nói vẫn luôn thời sự, đó là "không có tình liên đới nếu không có tình yêu. Ðúng hơn, không có hạnh phúc, không có tương lai cho con người và quốc gia, nếu không có tình yêu [...]; Tình yêu là để phục vụ, là quên mình và sẵn sàng quảng đại cho đi" (Sopot, 5.6.1999). Anh chị em thân mến, hãy trung tín với tình yêu ấy! Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới với nhân dân Liban mới bị thảm họa vụ nổ ở hải cảng Beirut và từ lâu đã sống trong tình trạng khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Tôi thân ái chào thăm anh chị em, các tín hữu hành hương diện diện nơi đây và những người theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Tôi khích lệ anh chị em năng khẩn cầu Chúa Thánh Linh trong cuộc sống hằng ngày: sức mạnh tốt lành và sáng tạo của Chúa giúp chúng ta ra khỏi cái tôi của mình, trở thành một dấu chỉ an ủi và hy vọng cho tha nhân.

Tôi đặc biệt nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Chúa biết rõ hơn chúng ta những mong đợi và nhu cầu chúng ta đang mang trong tâm hồn. Chúng ta hãy phó thác cho sự quan phòng của Chúa với lòng tín thác trọn vẹn, luôn tìm kiếm điều thiện, cả khi phải hy sinh."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page