Sứ điệp Ðức Thánh cha
nhân Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên
Sứ điệp Ðức Thánh cha nhân Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 01-09-2020) - Trong sứ điệp công bố hôm 1 tháng 9 năm 2020, nhân Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu để cho trái đất "nghỉ ngơi' và sửa chữa những thiệt hại đã gây ra cho trái đất.
Ngày này được các Giáo hội Kitô cùng cử hành, khởi đầu thời gian năm tuần, gọi là "Mùa Tạo Dựng" (Tempo del Creato) kéo dài đến ngày 4 tháng 10 năm 2020, lễ thánh Phanxicô Assisi. Trong thời gian đó, các tín hữu Kitô trên toàn thế giới canh tân niềm tin nơi Thiên Chúa Tạo Hóa, hiệp nhau đặc biệt cầu nguyện và hoạt động để bảo tồn căn nhà chung.
Ðề tài được gia đình các tín hữu Kitô cùng chọn để cử hành "Mùa Tạo Dựng" năm nay là "Năm thánh cho trái đất", kỷ niệm 50 năm "Ngày Trái đất" do Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Nội dung sứ điệp
Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha đã đi từ nguồn gốc Năm thánh, Năm toàn xá trong sách Lêvi, đoạn 25 câu 10, "Hãy tuyên bố năm thứ 50 là năm thánh và công bố sự giải thoát nơi đất đai cho tất cả mọi dân cư". Theo Kinh thánh, Năm thánh là thời điểm thánh để nhớ lại, trở về, nghỉ ngơi, sửa chữa và hân hoan.
Cụ thể, Năm thánh này là thời điểm để nhớ lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa, và với anh chị em, như thành phần của một gia đình chung; nhớ lại những tương quan bị thương tổn cần được chữa lành. Năm thánh là thời gian trở về cùng Thiên Chúa, và thời gian trả lại tự do cho những người bị áp bức và tất cả những người bị cầm tù, bị xiềng xích vì những hình thức nô lệ tân thời, trong đó có nạn buôn người và trẻ em phải lao động.
Ngưng bóc lột trái đất
Ðặc biệt về ý tưởng: Năm thánh là thời kỳ nghỉ ngơi, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Ngày nay, lối sống của chúng ta thúc đẩy trái đất đi quá giới hạn của nó. Sự liên tục đòi hỏi tăng trưởng và cái vòng không ngừng sản xuất và tiêu thụ đang làm cho môi trường bị kiệt quệ. Rừng cây tan biến, đất đai bị xói mòn, cánh đồng biến mất, sa mạc lan rộng, biển trở thành a-xít và bão tố gia tăng cường độ: công trình sáng tạo đang rên xiết! Ngày nay, chúng ta cần tìm ra những lối sống quân bình và bền vững, trả lại cho trái đất thời kỳ nghỉ ngơi cần thiết, những sinh kế đủ cho mọi người, không phá hủy hệ thống môi sinh đang nâng đỡ chúng ta".
Khía cạnh tích cực của đại dịch
Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng: "Ðại dịch hiện nay đã khiến chúng ta, một cách nào đó, tái khám phá những lối sống đơn sơ và bền vững hơn. Một cách nào đó, cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta cơ hội phát triển những lối sống mới. Có thể nhận thấy trái đất đã phục hồi được, nếu chúng ta cho nó nghỉ ngơi: không khí trở nên trong sạch hơn, nước trong hơn, các loại thú vật trở lại nhiều nơi chúng ta biến mất. Ðại dịch đã dẫn chúng ta đến một ngã ba đường. Chúng ta phải lợi dụng thời điểm quyết định này để chấm dứt các hoạt động và những mục tiêu thừa thãi và tàn phá, và vun trồng các giá trị, những mối liên hệ và những dự án sáng chế. Chúng ta phải cứu xét các thói quen của mình trong việc sử dụng năng lượng, tiêu thụ, chuyên chở và ăn uống. Chúng ta phải loại khỏi nền kinh tế những khía cạnh không thiết yếu và gây hại, và đề ra những đường lối thương mại, sản xuất và chuyên chở hàng hóa hiệu quả."
Chữa lành thiên nhiên
Về việc chữa lành những gì bị hư hại trong thiên nhiên, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Năm thánh là thời kỳ phục hồi sự hòa hợp nguyên thủy của công trình sáng tạo và chữa lành những tương quan giữa con người với nhau bị thương tổn. Mùa này mời gọi tái lập những quan hệ xã hội công bằng, trả lại cho mỗi người tự do và tài sản của họ, tha thứ các món nợ cho người khác. Vì thế, chúng ta không được quên lịch sử bóc lột các nước nghèo đã tạo nên một món nợ rất lớn về môi trường, phần lớn do sự bóc lột các tài nguyên và sử dụng thái quá không gian môi trường chung để vứt bỏ những đồ phế thải tại đó. Về vấn đề này, tôi lặp lại lời kêu gọi xóa bỏ nợ nần cho những nước nghèo nhất, dưới ánh sáng ảnh hưởng nặng nề của các cuộc khủng hoảng y tế, xã hội, kinh tế các nước ấy đang phải đương đầu do đại dịch Covid-19. Cũng cần đảm bảo sao cho những biện pháp khích lệ để phục hồi, đang được đề ra và thực thi trên bình diện thế giới, miền và quốc gia, được thực sự hữu hiệu, với những chính sách, luật lệ và những đầu tư nhắm tới công ích, và với sự bảo đảm sao cho các mục tiêu xã hội và môi trường trái đất được theo đuổi".
Tái lập quân bình khí hậu
Cũng trong việc chữa lành trái đất, sứ điệp của Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Một điều hết sức quan trọng là tái lập một sự quân bình khí hậu, xét vì chúng ta đang ở trong một tình trạng khẩn trương. Chúng ta sắp hết thời gian rồi, như con cái và các bạn trẻ nhắc nhở chúng ta. Cần làm tất cả những gì có thể để giới hạn sự gia tăng nhiệt độ trung bình của trái đất dưới 1,5 độ C, như được qui định trong Hiệp định Paris về khí hậu: đi quá, sẽ là một thảm họa, nhất là đối với những cộng đoàn nghèo nhất trên toàn thế giới. Trong lúc nguy kịch này, cần cổ võ một tình liên đới trong cùng thế hệ và giữa các thế hệ với nhau. Trong khi chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu, nhóm tại Glasgow, thuộc Vương quốc Anh (COP), tôi mời gọi mỗi nước hãy chấp nhận những mục tiêu rộng lớn nhất để giảm bớt thán khí..."
"Chúng ta bó buộc phải sửa chữa [trái đất] theo đức công bằng, đảm bảo cho những người đã cư ngụ trên một trái đất, qua bao thế hệ, có thể phục hồi hoàn toàn việc sử dụng nó. Cần bảo vệ các cộng đoàn thổ dân khỏi các công ty, đặc biệt các công ty đa quốc. Các công ty này, gây thiệt hại qua việc khai thác nhiên liệu phiến thạch, khoáng sản, gỗ và các sản phẩm kỹ nghệ nông nghiệp, "họ đang thực hiện tại các nước kém phát triển, điều mà họ không thể làm tại các nước đóng góp tiền đầu tư cho các công ty ấy" (LS 51).
(Rei 1-9-2020)