Các tu sĩ Sa-lê-diêng ở Mauritius:
đưa những người trẻ thoát cảnh sống đường phố
Các tu sĩ Sa-lê-diêng ở Mauritius: đưa những người trẻ thoát cảnh sống đường phố.
Hồng Thủy
Port Louis (Vatican News 27-08-2020) - Tại hòn đảo Mauritius xinh đẹp, nhiều trẻ em không được đến trường, bị rơi vào các băng đảng tội phạm. Các tu sĩ dòng Sa-lê-diêng đã thành lập một Trung tâm Chuyên nghiệp, giáo dục các em cả về nhân bản và nghề nghiệp để giúp các em thoát cảnh đường phố và tội phạm.
Cộng đồng dòng Sa-lê-diêng ở thành phố Port Louis, thủ đô của Mauritius, có bốn tu sĩ. Ðầu tiên là cha Maurizio Rossi, đến đây từ tháng 10 năm 2018; trước đó cha đã truyền giáo tại Madagascar 28 năm. Tiếp đến là các tu sĩ Marcellin, Heriberto và Patrick.
Giấc mơ của các tu sĩ
Cha Rossi kể: "Một ngày nọ, khi trò chuyện với giám mục của chúng tôi, Ðức Hồng y Maurice Piat, chúng tôi tự nhủ rằng chúng tôi sẽ gõ cửa nhiều nơi ở châu Âu và trên thế giới. Và, nếu cần, chúng tôi cũng sẽ đến gặp Ðức Thánh Cha Phanxicô để thực hiện một ước mơ: đào tạo nhân bản, tôn giáo và nghề nghiệp, cung cấp công việc và mang lại phẩm giá cho những người trẻ, những người là thành phần đẹp nhất của hòn đảo này, nhưng chỉ có một khuyết điểm: họ bị từ chối và bị gạt ra ngoài lề xã hội vì họ là người sắc tộc Creoles và là con cái của những gia đình nghèo".
Ðào tạo những công dân trung thực và có năng lực
Cha Rossi là giám đốc và quản lý của cộng đoàn dòng Sa-lê-diêng và cũng là giám đốc của Trung tâm Chuyên nghiệp, Học viện Kỹ thuật Saint Gabriel. Ðây là trường chuyên nghiệp Công giáo duy nhất, có thể đón nhận và giáo dục cho 200 sinh viên. Các khóa học bao gồm từ cơ khí đến nấu ăn, cung cấp nền giáo dục toàn diện cho những người trẻ tuổi: từ giáo dục đến đào tạo kỹ thuật với việc thực tập trong công ty. Cha Rossi chia sẻ: "Mục tiêu của trung tâm là đào tạo những công dân trung thực và có năng lực và thông qua việc giáo dục, đào tạo những người được nuôi dưỡng bởi các giá trị nhân văn và tôn giáo: huấn luyện, chất lượng và giáo dục". Hầu hết các giáo viên và học sinh là người Creoles; đối với các khóa học họ sử dụng ngôn ngữ Creole và tiếng Pháp. Những sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ngay. Ðây là điều không đến nỗi tồi tệ ở một đất nước mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng.
Ở đây, nơi mà "những tòa nhà mọc lên vào ban đêm, các trẻ em vẫn lớn lên trong những ngôi nhà bằng thiếc han gỉ, không điện và không nước uống." Trường Cao đẳng Kỹ thuật St. Gabriel hiện có 200 sinh viên. Ước mơ của các tu sĩ Sa-lê-diêng và Ðức giám mục là tạo ra một trường Trung học Chuyên nghiệp lớn (lên đến 1.200 học sinh) với nhiều khóa học để nhận trẻ em từ 14-16 tuổi, nếu không, các em này sẽ sống lang thang trên đường phố. Tại nhiều khu vực, các cơ sở hạ tầng tồi tệ, đầy những người thất nghiệp và phạm pháp.
Khuôn mặt ẩn giấu của Mauritius
Ðây là khuôn mặt ẩn giấu của Mauritius, của hòn đảo đẹp như thiên đường. Trong lá thư mục vụ có tựa đề: "Chúng ta cùng nhau xây dựng một nền hòa bình lâu dài", Ðức Hồng Y Piat mô tả nhiều bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, đồng thời kêu gọi trách nhiệm cá nhân của các Kitô hữu khi đối mặt với bạo lực và xung đột. Ða số người trẻ tập trung thành các băng đảng nhỏ. Cha Rossi giải thích: "Thật không may, những đứa trẻ được đánh giá dựa trên nguồn gốc hoặc màu da của chúng. Và họ khó tìm được một công việc ổn định. Nhiều người trong số các em sợ bị phân biệt đối xử khi đi xin việc".
Không phải ai cũng có thể hoạt động trong lĩnh vực công cộng. Và tỷ lệ thất nghiệp nơi những người trẻ tuổi không được đào tạo kỹ thuật thì cao hơn. Tình trạng này khiến nhiều người phạm tội. Cha Rossi nói: "Với sự kém phát triển, bị ảnh hưởng bởi đồng tiền dễ dàng ngày càng trở nên cám dỗ, với những hậu quả tai hại." Người Creoles vất vả để theo chương trình giáo dục bằng tiếng Anh. Họ giỏi nghề thủ công, nhưng ít trường dạy nghề. Ðiều nghịch lý là quốc gia này phải nhập khẩu kỹ thuật viên từ các quốc gia khác. Một bộ phận dân cư sống trong điều kiện khắc nghiệt. Trong các gia đình nghèo, cha mẹ bắt con bỏ học từ năm 13 tuổi, mặc dù giáo dục bắt buộc đến 16 tuổi.
Mauritius là nơi sinh sống của con cháu của những thực dân (Hà Lan, Pháp và Anh), nô lệ, công nhân và thương nhân. Giáo dục không phải là một ưu tiên. Cha Rossi cho biết: "Nhiều bậc cha mẹ đã không truyền cho con cái ý tưởng rằng chúng có thể ước mơ và biến ước mơ của mình thành hiện thực". Họ tìm kiếm những cách có thu nhập dễ dàng. Một phần tốt của thị trường bị chiếm lĩnh bởi các loại ma túy "thiết kế riêng" như "Spice", một hỗn hợp trà thảo mộc ngâm trong chất ma túy tổng hợp. Nó dễ dàng mua (một liều có giá dưới nửa đô la), nhưng có thể gây chết người trong lần sử dụng đầu tiên. Nhiều người bị ở tù, ở đó các tu sĩ dòng Sa-lê-diêng mang lại cho họ sự an ủi của đức tin.
Cần củng cố các giá trị gia đình
Giáo hội đã thành lập hai trung tâm phục hồi cho người nghiện ma túy, nhưng vẫn chưa đủ. Trước những đau khổ, các nhà truyền giáo không từ bỏ sự dấn thân của mình. Cha Rossi nói: "Hy vọng luôn luôn hiện diện. Ðã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và đánh thức lương tri: việc củng cố các giá trị gia đình là cần thiết hơn bao giờ hết. Trẻ em và thanh niên là gia tài lớn nhất. Chúng ta phải giúp họ xây dựng bản thân trong việc lắng nghe, đối thoại và liên đới. Họ phải tìm ra cội nguồn của mình và được củng cố; họ phải biết lịch sử của họ và hiểu thực tế để sau đó đảm nhận trách nhiệm của họ". (La Stampa 27/07/2020)