Ðức Hồng Y Bo kêu gọi đối thoại
tại Hội nghị Panglong thế kỷ 21 ở Myanmar
Ðức Hồng Y Bo kêu gọi đối thoại tại Hội nghị Panglong thế kỷ 21 ở Myanmar.
Ngọc Yến
Naypyitaw (Vatican News 12-08-2020) - Từ 19 đến 21 tháng 8 năm 2020, phiên thứ tư Hội nghị Panglong thế kỷ 21, tại Naypyitaw sẽ diễn ra. Nhân dịp này, Ðức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon kêu gọi sự thống nhất quốc gia nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa các dân tộc trong nước.
Theo tường thuật của Hãng tin UCA, hôm 11 tháng 8 năm 2020, Ðức Hồng y Bo đã tuyên bố: "Không có cách nào khác hơn là đối thoại. Ðối thoại bắt nguồn từ những con tim và khối óc rộng mở, từ sự say mê sự thật. Không có sự thật, xã hội sẽ tan rã".
Hội nghị đã đưa tất cả các nhóm dân tộc có vũ trang lên bàn đàm phán, ngoại trừ Quân đội Arakan, bị coi là tổ chức khủng bố. Ðây là vòng đàm phán hòa bình cuối cùng dưới thời chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, trước cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11 năm 2020.
Ðức Hồng y Bo nhắc lại cái nhìn của các vị tử đạo Myanmar, các anh hùng độc lập của đất nước, trong đó có tướng Aung San, những người mơ về "một quốc gia thống nhất mới" sau thực dân Anh và sự xâm lược Nhật Bản. Ðức Hồng y khẳng định: "Tầm nhìn của các vị là xây dựng trên những khác biệt quan trọng và sự phong phú của chúng ta, và do đó hình thành một dân tộc tự hào và hợp nhất". Ðức Hồng y nói thêm: "Chúng ta tôn vinh những hy sinh của họ, khiêm tốn dấn thân vì một dân tộc hiệp nhất". Ðức Hồng y giải thích rằng việc tàn sát tàn nhẫn các vị tử đạo cách đây 73 năm ngày 19 tháng 7 năm 1947, đánh dấu sự khởi đầu của nhiều thập kỷ chia rẽ, xung đột và tăm tối cho người dân Myanmar. Ðức Hồng y chỉ rõ: "Hành động phản bội đó đã mở ra một kỷ nguyên tang thương, với việc anh chị em chống đối nhau một cách không cần thiết".
"Giờ đây, những nhân vật chính của các cuộc đàm phán hòa bình có cơ hội thay đổi lịch sử chết chóc và đau khổ này, đi theo con đường dân chủ, xây dựng một nhà nước liên bang, với một chính phủ biết quan tâm đến tất cả công dân, từ bỏ các giải pháp quân sự vì phản tác dụng và thúc đẩy sự hợp tác, văn minh và sự tinh tế".
Ðức Tổng Giám mục Yangon giải thích rằng "một quân đội là đủ cho bất kỳ quốc gia nào; một quân đội hoạt động vì công lý và hòa bình; một quân đội bao gồm tất cả các nhóm dân tộc, không có bất kỳ sự phân biệt nào" và quân đội này dần dần phải thuộc quyền của một tổng thống được bầu cử dân chủ.
Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám mục Á châu (FABC) khẳng định: "Một nhà nước có quyền tự trang bị vũ khí và sử dụng các lực lượng vũ trang để bảo vệ, nhưng vũ khí mạnh nhất của nền dân chủ là hòa giải và công lý - những công cụ có ảnh hưởng. Thể hiện sự tôn trọng đối với dân chúng, cung cấp các mạng lưới an toàn ngay cả cho người nghèo nhất".
Ðức Hồng y kết luận: Myanmar sẽ có thể khẳng định vị trí của mình ở châu Á cũng như trên thế giới và tiến gần hơn đến hòa bình. "Hòa bình là có thể. Hòa bình có nghĩa là phát triển. Hòa bình là số phận của chúng ta". (CSR_5845_2020)