Các Giám mục Nam Phi kêu gọi
người dân đăng ký khai sinh cho trẻ em
Các Giám mục Nam Phi kêu gọi người dân đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Ngọc Yến
Pretoria (Vatican News 12-08-2020) - Ngày 10 tháng 8 năm 2020 châu Phi cử hành "Ngày đăng ký hộ tịch và thống kê", được thành lập vào năm 2017. Nhân dịp này, Ðức Tổng Giám mục Buti Tlhagale, phụ trách về người di cư và tị nạn của Hội Ðồng Giám mục đã cho phổ biến một lưu ý, mời gọi các quốc gia "Xác minh việc đăng ký phổ cập khai sinh chính xác và độc lập với quốc tịch hoặc địa vị pháp lý cha mẹ" của trẻ em.
Ðức Tổng Giám mục cho biết, ở nhiều nước châu Phi việc đăng ký khai sinh không phải là một thực hành phổ biến. Ngài trích dẫn Báo cáo Unicef 2019: "166 triệu trẻ em dưới 5 tuổi không được đăng ký tại thời điểm sinh. 87% trong số đó sống ở Nam Á và châu Phi cận Sahara". Ðây là một thực tế đáng lo ngại, bởi vì nó khiến trẻ vị thành niên có nguy cơ bị xem như không có mặt trên đời này và dễ bị tổn thương, bị mất quyền trước pháp luật do thiếu giấy tờ. Theo Ðức Tổng Giám mục, quyền này phải được bảo vệ và thúc đẩy một cách mạnh mẽ vì chúng bảo vệ nguyên tắc cơ bản phẩm giá con người.
Tiếp theo, nhìn vào bối cảnh của Nam Phi, Ðức Tổng Giám mục bày tỏ lo ngại vì mặc dù hiến pháp cho phép tất cả trẻ em được đi học, nhiều học sinh trong nước vẫn gặp trở ngại trong việc tiếp cận giáo dục tiểu học do thiếu giấy tờ, một tình trạng rất thường xuyên xảy ra ở trẻ em di cư và tị nạn. Vì lý do này, Giáo hội Nam Phi mời tất cả các quốc gia xác minh việc đăng ký phổ cập chính xác về việc khai sinh, bất kể quốc tịch hoặc tình trạng pháp lý của cha mẹ của trẻ vị thành niên. Ðức Tổng Giám mục Tlhagale nhắc lại: "Không thể từ chối trẻ em được tiếp cận với giáo dục, bởi vì đây là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của con người. Hơn nữa, đây là Mục tiêu Phát triển Bền vững, cung cấp cho mọi người tư cách pháp nhân, nhằm thúc đẩy phát triển đầy đủ".
Ðức Tổng Giám mục kết thúc với lời kêu gọi các tiểu bang và chính phủ "tăng cường năng lực của hệ thống đăng ký dân sự, để đảm bảo không ai bị loại trừ khỏi quyền tiếp cận các quyền con người cơ bản".