Chúng ta được kêu gọi tiếp tục hoạt động
chữa lành và cứu độ của Chúa Cứu Thế
Ðức Thánh cha: Chúng ta được kêu gọi tiếp tục hoạt động chữa lành và cứu độ của Chúa Cứu Thế.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 05-08-2020) - Sau năm tuần tạm ngưng để nghỉ hè từ ngày 25 tháng 6 năm 2020, lúc gần 9 giờ 30 sáng thứ Tư, 5 tháng 8 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã mở lại buổi tiếp kiến trực tuyến lần thứ 16, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa.
Ðại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều nơi, nhiều nước còn bị phong tỏa, nhất là ngoài Âu châu, nên tương đối có ít du khách và tín hữu hành hương đến Roma, và vì thế các buổi tiếp kiến bình thường với sự hiện diện của mọi người vẫn chưa thể mở lại.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Tông tòa, có một số linh mục thuộc phủ Quốc vụ khanh thông dịch viên, Ðức ông Sapienza, quyền chủ tịch phủ Giáo hoàng và một giám chức người Argentina phụ giúp Ðức Thánh cha.
Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc trích từ Tin mừng theo thánh Marco, đoạn hai (2,1-5.10-11) kể lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại trong lúc ngài giảng tại thành Capharnaum. Qua phép lạ này, Ðức Thánh cha nhấn mạnh đến sự chữa lành của Chúa Giêsu, không những về mặt thể lý nhưng cả về tinh thần. Và Giáo hội, các tín hữu, cũng được mời gọi tiếp tục sứ mạng chữa lành của Chúa Cứu Thế.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha bắt đầu một loạt bài mới về giáo huấn xã hội Công giáo, liên hệ đến tình trạng đại dịch hiện nay của nhân loại. Ngài nói:
"Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Ðại dịch đang tiếp tục tạo nên những vết thương sâu đậm, vạch rõ tình trạng dễ bị tổn thương của chúng ta. Nhiều người đã từ trần, rất nhiều người bị bệnh dịch trong mọi đại lục. Bao nhiêu cá nhân và gia đình sống trong thời kỳ bấp bênh, vì những vấn đề kinh tế xã hội đặc biệt xảy ra cho những người nghèo nhất."
Ba nhân đức tin, cậy, mến
"Vì thế chúng ta cần vững tâm nhìn lên Chúa Giêsu (xc. Dt 12,2), và với niềm tin ấy chúng ta bám lấy niềm hy vọng Nước Thiên Chúa mà chính Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta (xc. Mc 1,5; Mt 4,17, GLHTCG 2816). Một Nước chữa lành và cứu độ đã hiện diện giữa chúng ta (xc. Lc 10,11). Một Nước công chính và an bình được biểu lộ bằng những công trình bác ái, chúng làm gia tăng niềm hy vọng và củng cố đức tin (xc 1 Cor 13,13). Theo truyền thống Kitô, tin, cậy, mến không phải chỉ là những tâm tình hoặc thái độ. Ðó là những nhân đức được ơn Chúa Thánh Linh phó vào trong chúng ta (xc GLHTCG, 1812-1813): những ơn ấy chữa lành và làm cho chúng ta trở thành những người chữa lành, mở cho chúng ta những chân trời mới, cả trong lúc chúng ta tiến qua vùng biển khó khăn của thời đại ngày nay.
"Cuộc gặp gỡ với Tin mừng, đức tin, cậy, mến mời gọi chúng ta đón nhận một tinh thần sáng tạo và đổi mới. Qua cách thức đó, chúng ta có thể biến đổi những căn cội yếu đuối thể lý, tinh thần và xã hội của chúng ta. Chúng ta có thể chữa trị trong chiều sâu, những cơ cấu bất công và những lối thực hành phá hoại làm cho chúng ta xa cách nhau, đe dọa gia đình nhân loại và trái đất của chúng ta.
Sứ vụ chữa lành
"Sứ vụ của Chúa Giêsu, có nhiều thí dụ về sự chữa lành. Khi Chúa chữa lành những người bị sốt nặng (xc. Mc 1,29-34), những người bị phong cùi (xc. Mc 1,40-45), bị bất toại (xc. Mc 2,1-12); khi Chúa cho người mù được thấy (xc. Mc 8,22-26; Ga 9,1-7), cho người câm điếc nghe và nói được (xc. Mc 7,31-37), trong thực tế, không những Chúa chỉ chữa bệnh phần xác, nhưng Ngài chữa toàn diện con người. Qua cách thức ấy, Chúa đưa họ trở lại cộng đoàn, giải thoát họ khỏi tình trạng cô lập."
Phép lạ Chúa chữa người bất toại
"Chúng ta hãy nghĩ đến trình thuật rất hay về việc chữa lành người bất toại ở thành Capharnaum (xc. Mc 2,1-12). Trong khi Chúa Giêsu giảng ở cửa nhà, thì có bốn người mang người bạn của họ bị bất toại đến trước Chúa Giêsu, và vì không thể vào nhà, họ làm một lỗ hổng trên mái và thả cái cáng người bệnh xuống trước mặt Ngài. "Khi thấy niềm tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại: Hỡi con, các tội của con đã được tha" (v.5). Và rồi, như một dấu chỉ cụ thể, Ngài nói thêm: "Con hãy đứng lên, vác chõng của con và về nhà" (v.11).
Chúa chữa trị cả tâm linh
"Thật là một thí dụ tuyệt vời về sự chữa lành! Hành động của Chúa Giêsu là câu trả lời trực tiếp cho niềm tin của những người ấy, niềm hy vọng mà họ đặt nơi Ngài, tình yêu mà họ chứng tỏ cho nhau. Và thế là Chúa chữa lành, nhưng không phải chỉ chữa lành bệnh bất toại: Ngài còn tha thứ, đổi mới cuộc sống của người bất toại và những bạn hữu của ông. Một sự chữa lành thể lý và tinh thần, thành quả một cuộc gặp gỡ về mặt bản thân và xã hội. Chúng ta tưởng tượng được tình bạn ấy, và niềm tin của tất cả những người hiện diện trong nhà ấy, được tăng trưởng nhờ cử chỉ của Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ chữa lành với Chúa Giêsu!"
Sứ mạng chữa lành của chúng ta
"Vậy chúng ta tự hỏi: chúng ta có thể giúp chữa lành thế giới chúng ta ngày nay? Trong tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, vị lương y của các linh hồn và thân xác, chúng ta được kêu gọi tiếp tục "hoạt động chữa lành và cứu độ của Chúa" (GLHTCG 1421), về mặt thể lý, xã hội và tinh thần."
Sứ mạng đặc thù của Giáo hội
"Giáo hội, mặc dù quản lý ơn thánh chữa lành của Chúa Kitô qua các bí tích, và tuy cũng cung cấp các dịch vụ y tế nơi những góc trời xa xăm nhất của trái đất, nhưng Giáo hội không phải là chuyên gia trong việc phòng ngừa và chữa trị đại dịch. Và Giáo hội cũng không đưa ra những chỉ dẫn chuyên biệt về mặt xã hội - chính trị (Xc S. Phaolô 6, Tông thư "Octogesima adveniens, 14-5-1971,4). Ðây là những điều thuộc về nghĩa vụ của các vị lãnh đạo chính trị và xã hội. Tuy nhiên, qua dòng lịch sử, dưới ánh sáng Tin mừng, Giáo hội đã phát triển một số nguyên tắc xã hội cơ bản (xc. Toát yếu đạo lý xã hội của Hội Thánh, 168-208), những nguyên tắc ấy có thể giúp chúng ta tiến bước, để chuẩn bị cho tương lai chúng ta đang cần. Tôi trưng dẫn các nguyên tắc, có liên hệ mật thiết với nhau, đó là: phẩm giá con người, công ích, chọn lựa ưu tiên đứng về phía người nghèo, của cải là mưu ích chung cho mọi người, tình liên đới, nguyên tắc phụ đới, sự chăm sóc căn nhà chung của chúng ta. Tất cả các nguyên tắc ấy biểu lộ, qua nhiều cách thức khác nhau, các nhân đức tin, cậy và mến."
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Trong những tuần lễ tới đây, tôi mời gọi anh chị em cùng cứu xét những vấn đề cấp thiết mà đại dịch nêu bật, nhất là các căn bệnh xã hội. Và tôi sẽ làm điều này dưới ánh sáng Tin mừng, các nhân đức hướng thần và các nguyên tắc của đạo lý xã hội Công giáo. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem truyền thống xã hội Công giáo có thể trợ giúp gia đình nhân loại thế nào trong việc chữa lành thế giới này, đang bị những căn bệnh nặng. Ước muốn của tôi là chúng ta cùng nhau suy tư và hoạt động, trong tư cách là các môn đệ của Chúa Giêsu, Ðấng chữa lành, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đầy hy vọng cho các thế hệ tương lai." (xc. Tông huấn Evangelii gaudium, 24-11-2013, 183).
Chào thăm các tín hữu
Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Arập, Ba Lan.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói: "Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy luôn nhìn đến tôn nhan rạng ngời của Thiên Chúa, mà phụng vụ ngày mai 6/8 mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong Chúa Kitô hiển dung trên núi Tabor. Chúa là ánh sáng soi sáng các biến cố hằng ngày."
Và Ðức Thánh cha nói thêm: "Tôi nghĩ đến những người già, các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc tín thác nơi Chúa, xác tín rằng Chúa sẽ hướng dẫn anh chị em bằng ơn thánh của Ngài, qua mọi bước đường trong cuộc sống của anh chị em."
Buổi tiếp kiến trực tuyến dài 45 phút, kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Ðức Thánh cha trên mọi người.