Các tội oán ghét chống Kitô hữu tại Ấn Ðộ
tăng hơn 40% trong thời kỳ đại dịch
Các tội oán ghét chống Kitô hữu tại Ấn Ðộ tăng hơn 40% trong thời kỳ đại dịch.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Jharkhand (RVA News 31-07-2020) - Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay tại Ấn Ðộ, các tội ác oán ghét chống các tín hữu Kitô tại nước này gia tăng hơn 40%, theo phúc trình thường niên của tổ chức "Persecution Relief", Cứu trợ Bách hại, công bố hôm 28 tháng 7 năm 2020. Tổng số các vụ xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 2020 là 293 vụ.
Ðây là một tổ chức đại kết, từ nhiều năm nay vẫn theo dõi và tố giác những hành vi bạo lực chống các Kitô hữu tại Ấn Ðộ. Các nhà nghiên cứu và soạn các phúc trình này cho biết, những vụ được ghi nhận có bằng chứng chỉ là một phần nhỏ so với thực trạng bạo hành chống các tín hữu Kitô tại Ấn. Ông Shibu Thomas, sáng lập viên tổ chức Cứu trợ Bách hại nói rằng: "Sự tàn ác của những tội phạm đó cho thấy não trạng sa đọa và thái độ cực đoan cuồng tín trong thời đại ngày nay."
Ấn Ðộ hiện nay đang do đảng Ấn giáo BJP cầm quyền, trong đó có phe cực đoan, vốn chủ trương đạt tới một quốc gia Ấn giáo, nơi mà các tôn giáo khác không được quyền có chỗ đứng.
Phúc trình khẳng định những điều đã được các tổ chức nhân quyền khác tố giác về sự chèn ép tôn giáo thiểu số tại Ấn Ðộ. Trong bảy năm qua, Ấn Ðộ được liệt vào danh sách của tổ chức Open Doors, Những cánh cửa mở, về các nước cần bị canh chừng, theo đó Ấn Ðộ từ vị trí 31 nhảy lên vị trí thứ 10 trong danh sách các nước bách hại tín hữu Kitô.
Ba bang bị coi là nguy hiểm nhất đối với các tín hữu Kitô tại Ấn Ðộ, là Jharkhand ở miền đông bắc, Odisha và Chhattisgard, là những nơi có sáu Kitô hữu bị giết trong sáu tháng đầu năm 2020. Trong số các nạn nhân, có hai phụ nữ Kitô bị hãm hiếp và bị giết vì đức tin. Ba người khác, gồm hai nữ tín hữu và một bé gái 10 tuổi bị hiếp vì từ chối không bỏ đạo Kitô họ mới theo.
Phúc trình năm 2020 của Ủy ban thuộc Bộ ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế, đã xếp Ấn Ðộ cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn vào số những nước cần được chú ý đặc biệt về vấn đề hạn chế tự do tôn giáo.
(KNA 29-7-2020)