Huấn thị của Bộ giáo sĩ về các giáo xứ
Huấn thị của Bộ giáo sĩ về các giáo xứ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 20-07-2020) - Hôm 20 tháng 7 năm 2020, Bộ giáo sĩ đã công bố Huấn thị về các giáo xứ, với tựa đề: "Hoán cải mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo hội".
Huấn thị được Ðức Thánh cha Phanxicô phê chuẩn ngày 27 tháng 6 năm 2020, và mang chữ ký của Ðức Hồng y Tổng trưởng Beniamino Stella, cùng với hai vị Tổng thư ký, là Ðức Tổng giám mục Joel Mercier và Ðức Tổng giám mục Jorge Carlos Patrón Wong (đặc trách về các chủng viện), và Ðức ông Phó Tổng thư ký Andrea Ripa.
Nội dung tổng quát
Ngoài phần nhập đề và kết luận, Huấn thị dài 63 trang, chia làm 11 chương với tổng cộng 124 đoạn, lần lượt bàn tới sự hoán cải mục vụ (I), Giáo xứ trong bối cảnh hiện thời (II), Giá trị của giáo xứ ngày nay (III), Sứ mạng truyền giáo, tiêu chuẩn hướng dẫn để canh tân (IV), "Cộng đoàn của các cộng đoàn": giáo xứ bao gồm, loan báo Tin mừng và quan tâm đến người nghèo (V), Từ sự hoán cải con người đến hoán cải các cơ cấu (VI), Giáo xứ và các phân chia nội bộ khác trong giáo phận (VII).
Trong các chương trên đây, Huấn thị nhắc đến nhu cầu cần canh tân các cơ cấu truyền thống của giáo xứ, đáp ứng những hoàn cảnh mới của xã hội, để đẩy mạnh sứ vụ truyền giáo: "Trọng tâm việc hoán cải mục vụ phải đề cập tới việc loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích, chứng tá bác ái, tức là những lãnh vực thiết yếu, trong đó giáo xứ tăng trưởng và phù hợp với mầu nhiệm mà giáo xứ tin tưởng" (n.20).
Chương 7 tương đối dài, lần lượt đề cập đến cách thức tiến hành việc gộp các giáo xứ (VII,a), giáo hạt (VII,b), đơn vị mục vụ (VII,c), vùng mục vụ (VII,d).
Chương 8 bàn đến các hình thức thông thường và ngoại thường ủy thác việc chăm sóc mục vụ cộng đoàn giáo xứ, và lần lượt đề cập đến cha sở (VIII,a), vị giám quản giáo xứ (VIII,b), việc ủy thác một số giáo xứ cho một toán linh mục (Viii,c), cha phó (VIII,d), các phó tế (VIII,e), những người thánh hiến (VIII,f), giáo dân (VIII,g), những hình thức khác trong việc ủy thác săn sóc mục vụ (VIII,h).
Chương 9 của Huấn thị đề cập đến các trách vụ và thừa tác vụ giáo xứ; Chương 10 nói về các tổ chức đồng trách nhiệm Giáo hội, như Hội đồng kinh tế của giáo xứ (X,a), Hội đồng mục vụ giáo xứ (X.b), Các hình thức đồng trách nhiệm trong việc săn sóc mục vụ (X,c). Sau cùng, Chương 11 bàn về các tiền dâng cúng để cử hành các bí tích.
Chủ đích của Huấn thị
Huấn thị mới của Bộ giáo sĩ không chứa đựng các qui luật mới, nhưng trình bày các chỉ dẫn để áp dụng đúng đắn và nghiêm túc hơn các qui luật hiện hành về giáo xứ, để tạo điều kiện cho việc thực thi tinh thần đồng trách nhiệm của các tín hữu, đồng thời thăng tiến một nền mục vụ gần gũi và cộng tác giữa các giáo xứ.
Sáu chương đầu tiên trình bày một suy tư rộng rãi về việc hoán cải mục vụ, ý thức truyền giáo và giá trị của các giáo xứ trong bối cảnh hiện nay.
Năm chương kế tiếp có tính chất thực hành hơn, và chỉ dẫn về cách thức đúng đắn để gộp các giáo xứ, hoặc ủy thác một nhóm giáo xứ cho một toán các linh mục cùng phụ trách, đặc biệt là do tình trạng thiếu linh mục tại một số nước, hoặc vì những lý do địa lý, xã hội khác.
Sửa sai một số lạm dụng
Huấn thị tái khẳng định giáo luật hiện hành và sửa sai một số lạm dụng đang bắt đầu xảy ra tại một vài nước, như báo chí nói đến, như một giáo xứ, vì không có linh mục, được ủy thác cho một giáo dân coi sóc, và họ được gọi là "cha sở". Huấn thị nhấn mạnh rằng cha sở phải là người đã lãnh nhận chức linh mục, mọi khả thể khác đều bị loại trừ.
Cha sở, "chủ chăn của cộng đoàn"
"Vị mục tử, quảng đại phục vụ đoàn chiên, phải huấn luyện các tín hữu, để mỗi phần tử của cộng đoàn cảm thấy có trách nhiệm trực tiếp can dự vào việc cung ứng các nhu cầu của Giáo hội, qua những hình thức khác nhau trong việc trợ giúp và liên đới mà giáo xứ cần để thi hành công tác mục vụ của mình trong tự do và hiệu năng" (n.40)
Cha sở cần được bổ nhiệm theo thời hạn không được xác định, vì thiện ích của các linh hồn đòi hỏi sự ổn định bền vững và bao hàm sự hiểu biết rõ về cộng đoàn và những gì liên hệ. Tuy nhiên, Huấn thị nhắc lại rằng tại nơi nào một Hội đồng Giám mục đã ấn định bằng sắc luật, thì một giám mục có thể bổ nhiệm một cha sở với thời hạn được ấn định, miễn là không dưới năm năm. Ngoài ra, khi tròn 75 tuổi, cha sở có nghĩa vụ tinh thần phải đệ đơn từ chức, nhưng việc từ chức này chỉ có hiệu lực khi Ðức giám mục chấp nhận và thông báo trên giấy tờ.
[Với Huấn thị này, những trường hợp như vụ giáo phận Trier ở Ðức gộp 887 giáo xứ thành 35 giáo xứ lớn, hoặc tổng giáo phận Freiburg ở nam Ðức đang tiến hành việc gộp 1,000 giáo xứ thành 40 giáo xứ lớn, mặc dù giáo phận này có tới 1,000 linh mục, đó là những giải pháp khó lòng chấp nhận được.]
Các tu sĩ nam nữ
Huấn thị cũng bàn đến những người thánh hiến, các tu sĩ nam nữ hiện diện trong giáo xứ. Ðiều cốt yếu đối với họ không phải là "làm việc" cho bằng là "những chứng nhân về sự quyết liệt theo Chúa Kitô".
Giáo dân
Huấn thị nhấn mạnh sự tham gia của giáo dân vào hoạt động loan báo Tin mừng của Giáo hội và kêu gọi sự dấn thân quảng đại của họ, làm chứng tá bằng một cuộc sống phù hợp với Tin mừng và phục vụ cộng đoàn giáo xứ.
Các giáo dân có thể được ủy thác thừa tác vụ đọc Sách thánh và giúp lễ một cách lâu bền, qua nghi thức thích hợp, với điều kiện hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, được huấn luyện thích hợp và có đời sống bản thân, mục vụ, gương mẫu. Họ có thể được giám mục ủy thác nhiệm vụ cử hành Phụng vụ Lời Chúa và nghi thức an táng, cử hành bí tích rửa tội, chứng hôn, với phép của Tòa Thánh, và giảng trong một thánh đường hay nhà nguyện trong trường hợp cần thiết. Nhưng giáo dân không thể giảng trong thánh lễ (omelia).
Hội đồng kinh tế giáo xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ
Hội đồng kinh tế có tính chất tư vấn, do cha sở chủ tọa và có ít là ba thành viên. Hội đồng này là cần thiết, vì việc quản trị tài sản của một giáo xứ là "điều quan trọng trong việc loan báo Tin mừng và làm chứng tá Phúc âm đối với Giáo hội và xã hội dân sự". Các tài sản là của giáo xứ chứ không phải của cha sở. Vì thế, nghĩa vụ của Hội đồng kinh tế là làm tăng trưởng "văn hóa đồng trách nhiệm, quản trị minh bạch và chu cấp các nhu cầu của Giáo hội".
Hội đồng mục vụ giáo xứ được Huấn thị nồng nhiệt cổ võ thành lập: đây không phải là một cơ quan "hành chánh bàn giấy", nhưng hội đồng này phải tạo nên một tinh thần hiệp thông, đặt Dân Chúa ở vị trí trung tâm như một tác nhân tích cực trong việc loan báo Tin mừng. Chức năng chính yếu của Hội đồng mục vụ là tìm kiếm và nghiên cứu các đề nghị thực hành để đưa ra những sáng kiến mục vụ và bác ái của giáo xứ, phù hợp với đường hướng của giáo phận. Ðể có giá trị thực hành, các đề nghị của Hội đồng mục vụ phải được cha xứ chấp nhận.
Tiền xin lễ và các bí tích
Tiền dâng cúng để cử hành các bí tích. Huấn thị nhấn mạnh rằng việc dâng cúng này phải là một "hành vi tự do" từ phía người dâng cúng và không thể đòi hỏi như một sự áp đặt hoặc như tiền thuế. Ðời sống bí tích không được "thương mại hóa" và việc cử hành thánh lễ, cũng như các hoạt động thừa tác vụ khác, không thể qui định theo giá biểu, hợp đồng hoặc mua bán. Huấn thị khuyên các linh mục hãy nêu gương về việc sử dụng tiền bạc, qua một cuộc sống điều độ và quản lý minh bạch các tài sản của giáo xứ. Nhờ đó, các linh mục có thể nêu gương cho giáo dân, giúp họ ý thức và tự nguyện góp phần đáp ứng các nhu cầu của giáo xứ cũng là nhà của họ.
Hai Huấn thị trước đây của Bộ giáo sĩ
Huấn thị liên bộ năm 1997, với tựa đề "Giáo hội mầu nhiệm, về một số vấn đề liên quan đến sự cộng tác giữa giáo dân và sứ vụ linh mục"
Huấn thị năm 2002 về: "Linh mục như mục tử và hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ".
(Rei 19-7-2020)