Ðức cha Bizzeti hy vọng tín hữu Kitô

có thể cầu nguyện tại Hagia Sophia

 

Ðức cha Bizzeti hy vọng tín hữu Kitô có thể cầu nguyện tại Hagia Sophia.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Anatolia (RVA News 15-07-2020) - Ðức cha Paolo Bizzeti, Ðại diện Tông tòa giáo phận Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ sự cảm thông với việc biến đền thờ Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo, nhưng ngài hy vọng trong tương lai các tín hữu Kitô cũng có thể cầu nguyện trong thánh đường này.

Ðức cha Bizzeti, người Italia và thuộc dòng Tên. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia, hôm 13 tháng 7 năm 2020, Ðức cha chia sẻ đau buồn của Ðức Thánh cha Phanxicô cũng như bao nhiêu vị lãnh đạo khác, đạo cũng như đời, về vụ đền thờ Hagia Sophia bị chính phủ Thổ biến thành đền thờ Hồi giáo. Nhưng Ðức cha nhắc lại rằng khoảng 70% dân Thổ ủng hộ quyết định của tổng thống Erdogan, chứ không phải là một quyết định đột xuất. Trong diễn văn ngày 10/7, tổng thống nói rằng Hagia Sophia sẽ được mở cho tất cả mọi người và sẽ không phải trả tiền vào cửa. Vấn đề là đợi xem đền thờ này sẽ được bố trí như thế nào và có một khu vực được dành riêng trước các bức tranh khảm Kitô hay không.

Ðức cha Bizzeti nói: "Trong diễn văn của tổng thống Erdogan, có nói đến đức tin và việc cầu nguyện làm tôi hy vọng có thể đến đó cầu nguyện cho những người tị nạn Kitô, và cũng hy vọng nhà nước cho mở các nhà nguyện trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Với tư cách là người có tín ngưỡng và tôn giáo, tổng thống có thể cho các tín hữu Kitô, không ở Istanbul được có các nơi thờ phượng. Tại Istanbul, có nhiều nhà thờ, trong khi tại các nơi khác không có nhà nguyện, dù là nhỏ bé. Các Kitô hữu cần có nơi để họp nhau cầu nguyện, cử hành thánh lễ và gặp gỡ nhau. Một nơi do chính quyền sở hữu, giữ an ninh và sạch sẽ. Chúng tôi có nhiều vấn đề khi muốn mở các nơi thờ phượng mới. Người ta còn tuân giữ Hiệp ước Lausanne, ký kết cách đây một thế kỷ, và chúng tôi hy vọng các điều khoản trong hiệp ước này được xét lại, vì chúng gây thiệt hại rất nhiều cho một số cộng đoàn Kitô. Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn sàng duyệt lại hiệp ước này."

Ðức cha Bizzeti giải thích rằng: "Dưới thời Ataturk, nhà nước Thổ theo đuổi một chủ trương duy đời thái quá và ít có khoảng trống cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Và vấn đề nhìn nhận Giáo hội Công giáo về mặt pháp lý cũng là điều khó khăn. Dầu sao tôi nghĩ rằng vượt lên trên các dữ kiện pháp lý, điều quan trọng là cho phép mỗi người thuộc các tín hữu và tôn giáo có thể biểu lộ tín ngưỡng của họ".

(Sir 13-7-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page