Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định
biến đền thờ sự Khôn ngoan Thiên Chúa
thành đền thờ Hồi giáo
Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định biến đền thờ sự Khôn ngoan Thiên Chúa thành đền thờ Hồi giáo.
Hồng Thủy
Istanbul (Vatican News11-07-2020) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký sắc lệnh chuyển đổi Hagia Sophia - nguyên là nhà thờ chính tòa sự Khôn ngoan của Thiên Chúa - thành một đền thờ Hồi giáo. Ðền thờ Hồi giáo Ayasofya, như được biết đến trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây sẽ nằm dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị tôn giáo của chính phủ.
Hagia Sophia nguyên là nhà thờ chính tòa Byzantine, được khánh thành năm 537 dưới thời Hoàng đế Giustiniano, sau đó bị biến thành đền thờ Hồi giáo, khi Ottoman chinh phục Constantinople năm 1453 và đổi tên thành thành phố Istanbul. Vào năm 1934, với sắc lệnh của Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đền thờ được chuyển đổi thành một bảo tàng.
Buổi cầu nguyện đầu tiên của Hồi giáo trong đền thờ Hagia Sophia vào ngày 24/07/2020
Ngày 10 tháng 07 năm 2020, một sắc lệnh của Tổng thống Erdogan, đã được đưa ra ngay sau quyết định của Hội đồng Nhà nước về việc hủy bỏ quyết định của Ataturk, chuyển giao quyền quản lý địa điểm này từ Bộ Văn hóa sang Phận bộ Tôn giáo vụ, chuyển đổi nó thành đền thờ Hồi giáo Hagia Sophia. Với bài phát biểu trước quốc gia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng buổi cầu nguyện đầu tiên ở Hagia Sophia sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 07 năm 2020.
Cảnh báo của Ðức Thượng phụ Bartolomeo
Trong những ngày gần đây, Ðức Thượng phụ Bartolomeo của Constantinople đã tố cáo những rủi ro của một quyết định theo nghĩa này: "Nó sẽ đẩy hàng triệu Kitô hữu trên khắp thế giới chống lại Hồi giáo". Nhờ sự thánh thiêng của nó, Hagia Sophia, là một trung tâm của cuộc sống, "trong đó Ðông và Tây ôm lấy nhau", và việc chuyển đổi thành nơi thờ phượng Hồi giáo "sẽ gây ra một cuộc chia rẽ giữa hai thế giới này". Trong thế kỷ 21, thật là "vô lý và có hại khi Hagia Sophia, từ một nơi cho phép hai dân tộc chúng ta gặp nhau và chiêm ngắm sự vĩ đại của nó, một lần nữa có thể trở thành lý do cho sự phản đối và đối đầu".
Phản ứng của chính quyền Hy Lạp
Chính quyền Hy Lạp đã miêu tả quyết định của tòa án Thổ Nhĩ Kỳ là "khiêu khích thế giới văn minh". Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Lina tuyên bố: "Chủ nghĩa dân tộc được thể hiện bởi việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa đất nước của ông trở lại sáu thế kỷ trước".
Phản ứng của Giáo hội Chính Thống Nga
Phát ngôn viên của Giáo hội Chính thống Nga, Vladimir Legoida, nói với hãng tin Interfax: "Mối quan tâm của hàng triệu Kitô hữu đã không được lắng nghe." Ðối với linh mục trưởng Nikolai Balashov, Phó Trưởng phòng quan hệ đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga, "đây là một sự kiện có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ nền văn minh nhân loại".
Unesco kêu gọi: Hagia Sophia tiếp tục là biểu tượng của đối thoại
Liên quan đến quyết định sử dụng Hagia Sophia như đền thờ Hồi giáo, tổ chức Unesco kêu gọi chính quyền Ankara tránh thay đổi "giá trị hoàn vũ đặc biệt" của địa điểm. Tổ chức khẳng định: "Một quốc gia phải đảm bảo rằng không có sửa đổi nào làm giảm giá trị hoàn vũ phi thường của một địa điểm tại nước đó có tên trong danh sách của Unesco. Mọi thay đổi phải được quốc gia thông báo cho Unesco và được Ủy ban di sản thế giới xác minh."