Các bệnh viện tâm thần

của dòng Tu huynh Bác ái ở Bỉ

không còn là cơ sở Công giáo

 

Các bệnh viện tâm thần của dòng Tu huynh Bác ái ở Bỉ không còn là cơ sở Công giáo.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 1-07-2020) - Hôm 30 tháng 06 năm 2020, báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh đã đăng nguyên văn lá thư của Ðức Hồng y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, gửi cho Tu huynh René Stockman, Bề trên Tổng quyền dòng các Tu huynh Bác ái ở Bỉ, quyết định rằng các bệnh viện của dòng các Tu huynh Bác ái không còn là những thực thể Công giáo nữa, bởi vì các cơ sở trong mạng lưới y tế của dòng, chuyên chữa trị cho các bệnh nhân tâm thần, đã thực hành euthanasia, "an tử", làm cho chết êm dịu, trái với đạo lý Công giáo.

Tại Bỉ, từ năm 2002, "an tử", "cái chết êm dịu" được dùng như là một "phương thuốc" cho những người bệnh nặng không có hy vọng chữa lành. Và vào tháng 03 năm 2017, các bệnh viện của dòng Tu huynh Bác ái, một dòng được thành lập vào cuối thế kỷ XIX, cũng đã áp dụng an tử cho các bệnh nhân của mình. Sau 3 năm gặp gỡ, trao đổi với các Thánh Bộ của Tòa Thánh, Hiệp hội điều hành các bệnh viện, với ban điều hành đa số là giáo dân, đã không thay đổi việc thực hành an tử. Do đó, Bộ Giáo lý Ðức tin đã đưa ra quyết định: "Dù vô cùng đau buồn, chúng tôi thông báo với anh em rằng các bệnh viện tâm thần được quản lý bởi Hiệp hội của tỉnh dòng Tu huynh Bác ái ở Bỉ sẽ không còn có thể coi mình là các thực thể Công giáo".

Khởi đầu sự việc

Trong lá thư được ký vào ngày 30 tháng 03 năm 2020, Ðức Hồng y Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, và Ðức tổng giám mục Giacomo Morandi, Tổng Thư ký của Bộ, nhắc lại nguồn gốc của sự việc: Vào tháng 03 năm 2017, trên trang web của chi nhánh của dòng các "Tu huynh Bác ái" ở Bỉ có đăng một tài liệu cho phép thực hành "an tử", với một số điều kiện, tại một bệnh viện Công giáo.

Ðức Hồng y Ladaria giải thích: Việc thực hành này, được Hiệp hội Tỉnh dòng Tu huynh Bác ái ủng hộ, về cơ bản dựa trên ba tiêu chí: sự bất khả xâm phạm của sự sống, quyền tự chủ của bệnh nhân và mối quan hệ chữa trị. Tài liệu đó thật ra không đề cập đến Thiên Chúa cũng như Kinh Thánh, cũng không đề cập đến quan điểm Kitô giáo về con người. Bộ Giáo lý Ðức tin đã viết thư cho Bề trên Tổng quyền và yêu cầu làm rõ vấn đề.

Ðức Hồng y cho biết: Từ ngày 27 tháng 06 năm 2017 đến nay, các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ đã diễn ra giữa Bộ Giáo lý Ðức tin, Bộ Tu sĩ, Phủ Quốc vụ khanh, Ðại diện của các Tu huynh và Hiệp hội cấp tỉnh của các Tu huynh, cũng như các Ðại diện của Hội đồng Giám mục Bỉ, nhắm đưa ra các cơ hội và không gian để đối thoại về một vấn đề cực kỳ tế nhị và như thế, theo tinh thần Giáo hội chân thành, nhắm tìm ra một sự đồng thuận về Giáo lý Công giáo về vấn đề này.

Không thay đổi suy nghĩ

Trong cuộc gặp gỡ mở rộng tại Roma ngày 21 tháng 03 năm 2018, Phủ Quốc vụ khanh và các Tổng trưởng các Bộ Giáo lý Ðức tin và Bộ Tu sĩ đã yêu cầu đại diện của các Tu huynh và của Hiệp hội tỉnh dòng của các Tu huynh khẳng định bằng văn bản và dứt khoát việc họ tuân thủ các nguyên tắc về sự thánh thiêng của sự sống con người và không chấp nhận cái chết êm dịu, và do đó, từ chối tuyệt đối thực hiện "an tử" trong các tổ chức thuộc họ. Nhưng "thật không may, các câu trả lời nhận được không đảm bảo về những điểm này."

Giáo huấn của các Giáo hoàng về "an tử"

An tử vi phạm lề luật Thiên Chúa

Lá thư của Bộ Giáo lý Ðức tin trưng dẫn giáo huấn của các vị Giáo hoàng trong những thập niên gần đây và xác định: An tử vẫn là một hành động không thể chấp nhận, ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng, bởi vì "đó là vi phạm nghiêm trọng lề luật của Thiên Chúa, xét như nó là việc giết chết một con người cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý. Ðạo lý này được dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và trên lời của Thiên Chúa đã được viết ra: Nó được truyền thống Giáo Hội truyền lại và được quyền giáo huấn thông thường và phổ quát giảng dạy" (Gioan Phaolô II, Tin mừng Sự sống, 65).

Nền văn hóa loại bỏ

Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng "bối cảnh văn hóa xã hội hiện tại đang dần ăn mòn nhận thức về những gì làm cho cuộc sống của con người trở nên quý giá. Trên thực tế, nó ngày càng được đánh giá dựa trên hiệu quả và tính hữu dụng của nó, đến mức xem những sự sống không đáp ứng tiêu chí này là 'sực sống bị vất bỏ hay 'sự sống không xứng đáng'. Trong hoàn cảnh các giá trị đích thực này bị đánh mất, các nghĩa vụ bắt buộc của tình liên đới và huynh đệ của con người và Kitô giáo cũng bị giảm đi. Trong thực tế, một xã hội xứng đáng với phẩm chất 'văn minh' nếu nó phát triển kháng thể chống lại văn hóa loại bỏ; nếu nó nhận ra giá trị vô hình của cuộc sống con người; nếu tình liên đới được tích cực thực hành và bảo vệ như là nền tảng của sự chung sống " (ÐTC Phanxicô, Diễn văn trong Hội nghị toàn thể của Bộ Giáo lý Ðức tin, 30/01/2020).

Sự sống con người có giá trị trong mọi điều kiện

Ngài cũng nhắc lại rằng "cách tiếp cận tương quan với bệnh nhân, được xem xét trong tính duy nhất và tính toàn vẹn của con người, đưa ra nghĩa vụ không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai bị bệnh không thể chữa lành. Sự sống của con người, vì đích đến vĩnh cửu của nó, có tất cả giá trị và phẩm giá của nó trong mọi điều kiện, bao gồm cả sự bấp bênh và mong manh, và luôn xứng đáng được quan tâm hết sức"(ibidem).

An tử là một thứ "thương hại sai lầm"

Thánh Bộ nhận định thêm: Trong những lời cuối cùng này, Ðức Thánh Cha Phanxicô nói đến chủ đề 'lòng trắc ẩn', ngày càng được dư luận viện dẫn để biện minh cho cái chết êm dịu. Chính thánh Gioan Phaolô II đã nói rõ cách dứt khoát rằng việc làm chết êm dịu là một thứ "thương hại sai lầm", hơn thế, nó còn là sự "suy đồi" đáng e ngại đối với lòng thương xót: quả vậy, lòng "cảm thương"chân thực khiến ta liên đới với nỗi đau của tha nhân, nhưng nó không triệt tiêu kẻ đang gặp nỗi đau khổ mà chính mình cũng không thể chịu được. Hành vi chịu làm chết êm dịu càng tỏ ra độc ác, khi nó được thực hiện bởi chính những người - như là người trong gia đình lẽ ra phải nâng đỡ người thân của mình một cách kiên nhẫn và yêu thương, hay bởi những người, vì nghề nghiệp của họ, như các y sĩ, đúng ra phải chăm sóc bệnh nhân, cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất khi họ sắp chết. (Tin Mừng Sự Sống, 66).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page