Ðức Thánh cha cử hành
lễ thánh Phêrô và Phaolô
Ðức Thánh cha cử hành lễ thánh Phêrô và Phaolô.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 29-06-2020) - Sáng hôm 29 tháng 6 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ và làm phép dây Pallium cho Ðức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn và 54 vị Tổng giám mục chính tòa, trong đó có Ðức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục giáo phận Sàigòn.
Mọi năm, thánh lễ này có sự đích thân hiện diện của các vị Tổng giám mục chính tòa sẽ nhận dây Pallium, biểu tượng chức vụ đặc biệt hoặc quyền của vị Tổng giám mục đứng đầu giáo tỉnh, đồng thời nói lên sự hiệp nhất với Ðấng Kế vị thánh Phêrô, nhưng năm 2020 vì đại dịch, nên các vị không về Roma được, ngoại trừ sự hiện diện của Ðức Hồng y Giovanni Battista Re, 86 tuổi, và hai vị Tổng giám mục người Ý. 52 vị Tổng giám mục còn lại thuộc 33 quốc tịch: Hoa kỳ và Colombia mỗi nước có năm vị, sau đó là bốn vị người Brazil và ba vị người Pháp.
Các vị sẽ được các Ðức Tổng giám mục Sứ thần hoặc Khâm sứ Tòa Thánh tại quốc gia liên hệ trao dây Pallium trong buổi lễ ở địa phương.
Thánh lễ
Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ lúc 9 giờ 30, tại bàn thờ Ngai tòa, phía đầu của đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng 100 tín hữu. Khi tiến vào thánh đường, ngài đến kính viếng tượng đồng thánh Phêrô, rồi xuống mộ thánh nhân dưới bàn thờ chính, bàn thờ Tuyên xưng đức tin, để cầu nguyện.
Năm 2020, vì đại dịch, lần đầu tiên không có sự hiện diện của phái đoàn Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople Thổ Nhĩ kỳ tại buổi lễ ở đền thờ thánh Phêrô.
Hiện diện trong gian cung thánh cũng có mười vị hồng y, giám mục đồng tế, đứng đầu là Ðức Hồng y Giovanni Battista Re, 86 tuổi, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám mục và hiện là niên trưởng Hồng y đoàn.
Nghi thức làm phép và trao Pallium
Nghi thức làm phép dây Pallium diễn ra vào đầu thánh lễ. Hai đĩa đựng dây Pallium được hai linh mục mang từ mộ thánh Phêrô đến trước Ðức Thánh cha.
Ngài đọc lời nguyện làm phép, rồi Ðức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn, tuyên thệ luôn luôn trung thành và vâng phục Ðức Thánh cha và các đấng kế vị, trước khi Ðức Thánh cha đọc kinh choàng dây Pallium quanh cổ và vai của Ðức Hồng y. Dây làm bằng lông chiên màu trắng có sáu thánh giá màu đen, tượng trưng vị mục tử vác chiên trên vai.
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha đã nói về hai ý tưởng nổi bật, là hiệp nhất và sứ vụ ngôn sứ.
Hiệp nhất
Hai thánh Phêrô và Phaolô, tuy rất khác nhau, nhưng hiệp nhất với nhau như anh em trong một gia đình. Cộng đồng Kitô tiên khởi hiệp nhất với nhau trong kinh nguyện, giữa những bách hại. Từ kinh nguyện, họ kín múc can đảm, sự hiệp nhất đến từ kinh nguyện mạnh mẽ hơn bất kỳ đe dọa nào.
Ðức Thánh cha nhận xét rằng trong những lúc bi thảm ấy, không ai than vãn vì bất hạnh, bách hại của vua Hêrôđê. Ngài nói: "Thật là điều bất hạnh, và nhàm chán, khi các Kitô hữu phí phạm thời giờ than vãn về thế giới, về xã hội, về những gì không ổn. Những lời than vãn chẳng thay đổi gì cả. Các tín hữu Kitô thời ấy không trách cứ ai, nhưng họ cầu nguyện... Và ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi: "Chúng ta có giữ sự hiệp nhất bằng kinh nguyện hay không? Chúng ta có cầu nguyện cho nhau hay không? Ðiều gì sẽ xảy ra nếu ta cầu nguyện nhiều hơn và bớt lẩm bẩm hơn?"
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Dây Pallium nhắc nhớ sự hiệp nhất giữa đoàn chiên với vị mục tử, giống như Chúa Giêsu vác chiên lên vai và không bao giờ xa rời chiên. Và hôm nay, theo một truyền thống tốt lành, chúng ta hiệp nhau một cách đặc biệt với Tòa Thượng phụ chung ở Constantinople. Phêrô và Anrê là hai anh em, và khi có thể, chúng ta trao đổi các cuộc viếng thăm huynh đệ trong các lễ của nhau: không phải chỉ vì lịch sử, nhưng để đồng hành tiến đến mục tiêu Chúa chỉ cho chúng ta, đó là sự hiệp nhất trọn vẹn".
Sứ vụ ngôn sứ
Sang đến lời thứ hai về sứ vụ ngôn sứ, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Ngày nay, chúng ta cần ngôn sứ đích thực, không phải là những kẻ rậm lời hứa hẹn điều không thể được, chúng ta cần những lời chứng rằng Tin mừng là điều có thể. Những biểu dương lạ lùng chẳng ích gì, nhưng là những cuộc sống biểu lộ phép lạ tình thương của Thiên Chúa. Không cần quyền lực, nhưng là cuộc sống nhất quán (coerente). Không cần lời nói, nhưng cần cầu nguyện. Không cần những lời tuyên bố nhưng là phục vụ. Không cần lý thuyết, nhưng cần chứng tá... Thánh Phêrô và Phaolô đã loan báo Chúa Giêsu như những người say mê Chúa."
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã tiên báo với Phêrô: "Con là đá và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy". Ðối với chúng ta, cũng có một lời tiên báo tương tự, đó là câu ở cuối Kinh thánh, nơi mà Chúa Giêsu hứa với các chứng nhân trung thành rằng họ là "một viên đá trắng trên đó có viết một tên mới" (Kh 2,17). Như Chúa Giêsu đã biến ông Simon thành Phêrô, Chúa cũng kêu gọi mỗi người chúng ta, để biến chúng ta thành những viên đá sống động nhờ đó, Chúa xây dựng một Giáo Hội và một nhân loại được đổi mới".
Kinh Truyền tin
Lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 500 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Nhân dịp này, ngài nhắn nhủ các tín hữu đừng chỉ cầu xin Chúa những ơn nhất thời, đáp ứng các nhu cầu trong lúc này, nhưng cần cầu xin cả ơn trọn cuộc sống. Ðức Thánh cha nói:
"Hôm nay, trước các thánh tông đồ, chúng ta có thể tự hỏi: "Phần tôi, tôi thiết định cuộc sống như thế nào? Phải chăng tôi chỉ nghĩ đến những nhu cầu trong lúc này, hay tôi tin rằng nhu cầu thực sự của tôi là Chúa Giêsu, Ðấng biến tôi thành một hồng ân? Và tôi xây dựng cuộc sống như thế nào, trên khả năng của tôi hay là dựa trên Thiên Chúa hằng sống? Xin Mẹ Maria là Ðấng đã hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, giúp chúng ta đặt Chúa làm nền tảng cuộc sống mỗi ngày của chúng ta".
(Sala Stampa 29-6-2020)