Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ

tố giác chiến tranh và khủng bố

 

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tố giác chiến tranh và khủng bố.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Roma (RVA News 27-06-2020) - Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tố giác rằng mặc dù cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 và tình trạng giới nghiêm tại nhiều nước, chiến tranh và khủng bố vẫn tiếp tục tại nhiều miền, và đây là một sự uổng phí cơ may hòa bình.

Trước tình trạng trên đây, trong thông cáo công bố hôm 25 tháng 6 năm 2020, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ kêu gọi thực thi một cuộc đình chiến trên thế giới, như lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc và Ðức Giáo hoàng Phanxicô.

Thí dụ điển hình được Ðức Tổng giám mục Andrew Nkea Fuanya, người Camerun, kể lại với tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, là: "Tại đây, các cuộc xung đột vẫn tiếp tục. Từ bốn năm nay, miền nói tiếng Anh của Camerun tiếp tục là nơi diễn ra các cuộc xung đột võ trang, làm cho hàng ngàn người chết và hơn nửa triệu người phải di tản. Các thành phần ly khai nói tiếng Anh chiến đấu để đạt tới một "Cộng hòa Amazzonia", độc lập với miền nói tiếng Pháp. Giáo hội Công giáo tại nước này làm trung gian giữa các phe lâm chiến."

Một thí dụ khác, là miền Hassake ở mạn bắc Siria, nơi mà các máy bay chiến đấu tiếp tục tấn công từ trên không. Cha Nidal Thomas, Tổng đại diện của Giáo hội Công giáo Canđê, ở mạn đông bắc Siria cho biết như trên và nói rằng: "Từ khi có đại dịch Covid-19, chúng tôi chỉ được hai, ba ngày yên ổn".

Ðại dịch xảy ra trong năm thứ chín của chiến tranh ở Siria, tình trạng y tế của nước này rất suy nhược. Siria đã mất 60% các bác sĩ, hoặc họ chết tại chiến trường, hoặc bị bắt cóc hay phải tị nạn đi nơi khác. Chỉ có một phần bốn số nhà thương tại nước này còn hoạt động. Ngoài ra, Siria cũng bị thương tổn vì cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh tại Liban láng giềng. Nhiều người Siria gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng Liban bị mất tài sản. Siria cũng phải chịu đau khổ vì các biện pháp cấm vận của Mỹ và Liên hiệp Âu châu.

Tổ chức Trợ giúp Giáo hội đau khổ cũng than phiền vì dư luận thế giới không quan tâm gì xung đột vẫn tiếp diễn tại miền Donbass, ở mạn đông Ucraina, giáp giới với Nga. Ðức cha Pawlo Honczaruk, từ miền Charkiv cho biết giáo phận của ngài cũng bao trùm vùng có giao tranh. Ðại dịch Covid-19 chứng tỏ hệ thống y tế của Ucraina bị suy yếu đến mức độ nào, nhất là tại miền quê. Ðại dịch vạch trần nạn tham nhũng nơi giới lãnh đạo chính trị và sự đánh mất tình liên đới, gây nguy hiểm đặc biệt cho những người nghèo nhất tại Ucraina.

(KNA 25-6-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page