Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô
trong Thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa 14/06/2020
Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa 14/06/2020.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 14-06-2020) - Lúc 9h45 sáng Chúa Nhật 14 tháng 6 năm 2020, Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ Mình và Máu Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi tại Ðền Thờ Thánh Phêrô.
Ðây là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Cụ thể, trong năm 2020 là ngày thứ Năm 11 tháng Sáu năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục cho phép các Giám Mục bản quyền theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.
Chính vì thế ở 28 quốc gia trên thế giới Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày thứ Năm 11 tháng Sáu năm 2020, trong khi tại Ý và các quốc gia khác lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày Chúa Nhật 14 tháng Sáu năm 2020.
Do vẫn còn phải tuân giữ các biện pháp ngăn chặn đại dịch, nên chỉ có khoảng 50 tín hữu tham dự Thánh lễ.
Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha nói:
"Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi đi qua" (Ðnl 8: 2). Bài đọc Sách thánh hôm nay bắt đầu bằng lệnh này của ông Môisê: "Hãy nhớ!" Ngay sau đó ông Môisê nhắc lại: "Ðừng quên Chúa, Thiên Chúa của ngươi" (c.14). Kinh thánh đã được trao cho chúng ta để chúng ta có thể thắng vượt được sự quên lãng Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, điều này thật là quan trọng biết bao! Một trong những Thánh Vịnh dạy: "Con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, suy tưởng đến những kỳ công thuở trước" (77:12): Tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã làm trong cuộc sống của chúng ta.
Ðiều quan trọng là phải nhớ những điều lành chúng ta đã nhận được. Nếu chúng ta không nhớ nó, chúng ta trở nên xa lạ với chính mình, và chỉ là "kẻ qua đường" trong cõi nhân sinh. Không có ký ức, chúng ta bứng mình khỏi đất nuôi dưỡng chúng ta và để cho mình bị cuốn đi như những chiếc lá trong gió. Trái lại, nếu chúng ta nhớ, chúng ta ràng buộc chính mình một cách mới mẻ với những mối quan hệ mạnh nhất; chúng ta cảm thấy mình là một phần của lịch sử sống động, và là một phần của kinh nghiệm sống động của một dân tộc. Ký ức không phải là một cái gì đó riêng tư; đó là con đường liên kết chúng ta với Chúa và với người khác. Ðây là lý do tại sao trong Kinh thánh, ký ức về Chúa phải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người cha được lệnh phải kể lại câu chuyện này cho con cái của họ, như chúng ta đọc trong đoạn văn thật đẹp này: "Mai ngày khi con ngươi hỏi ngươi rằng: 'Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho chúng ta? ' Ngươi sẽ trả lời cho con ngươi rằng: 'Chúng ta xưa làm nô lệ [Hãy nhớ về toàn bộ lịch sử nô lệ], nhưng Ðức Chúa đã ra tay uy quyền.. trước mắt chúng ta" (Ðnl 6: 20-22). Anh chị em hãy trao ký ức này cho con cái mình.
Nhưng có một vấn đề: nếu chuỗi truyền đạt ký ức này bị gián đoạn thì sao? Và làm thế nào chúng ta có thể nhớ những gì chúng ta chỉ nghe, trừ khi chúng ta cũng đã trải nghiệm điều đó? Chúa biết điều này khó khăn như thế nào, Người biết trí nhớ của chúng ta yếu đến mức nào, và vì thế Người đã thực hiện một điều đáng chú ý: Người để lại cho chúng ta một kỷ niệm. Người không chỉ để lại những lời nói cho chúng ta, vì thật là dễ quên những gì chúng ta đã nghe thấy. Người không chỉ để lại cho chúng ta Kinh thánh, vì thật là dễ quên những gì chúng ta đã đọc được. Người không chỉ để lại cho chúng ta những biểu tượng, vì chúng ta có thể quên ngay cả những gì chúng ta từng thấy. Người để lại cho chúng ta Phần Lương, vì không dễ để quên một thứ mà chúng ta đã thực sự nếm thử. Người đã để lại cho chúng ta Tấm Bánh trong đó Ngài thực sự hiện diện, sống động và chân thực, với tất cả hương vị của tình yêu. Khi đón nhận Ngài, chúng ta có thể nói: "Ngài là Chúa; Ngài nhớ đến tôi!" Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (1 Cor 11:24). Hãy làm! Bí tích Thánh Thể không chỉ đơn giản là một hành động tưởng nhớ; đó là một thực tế: Lễ Vượt Qua của Chúa được tỏ hiện một lần nữa cho chúng ta. Trong thánh lễ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu được đặt ra trước chúng ta. Hãy làm điều này để nhớ đến Thầy: hãy đến với nhau và cử hành Bí tích Thánh Thể như một cộng đồng, như một dân tộc, như một gia đình, để tưởng nhớ đến Thầy. Chúng ta không thể làm gì nếu không có Bí tích Thánh Thể, vì đó là kỷ niệm về Chúa. Và điều đó chữa lành ký ức bị thương tổn của chúng ta.
Bí tích Thánh Thể đầu tiên chữa lành ký ức mồ côi của chúng ta. Chúng ta đang sống ở thời điểm của một sự mồ côi to lớn. Bí tích Thánh Thể chữa lành ký ức mồ côi. Có biết bao nhiêu người có những ký ức được đánh dấu bởi sự thiếu thốn tình cảm và sự thất vọng cay đắng gây ra bởi những người đáng lẽ phải dành cho họ tình yêu, nhưng lại làm mồ côi trái tim họ. Chúng ta muốn quay lại và thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta không thể. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể chữa lành những vết thương này bằng cách đặt trong trí nhớ của chúng ta một tình yêu lớn hơn: là tình yêu của chính Người. Bí tích Thánh Thể mang đến cho chúng ta tình yêu trung tín của Chúa Cha, giúp chữa lành cảm thức là trẻ mồ côi của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mang đến cho chúng ta tình yêu của Chúa Giêsu, là tình yêu đã biến một ngôi mộ từ điểm kết thúc thành một khởi đầu, và có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta với cùng một cách tương tự. Bí tích ấy lấp đầy trái tim của chúng ta với tình yêu an ủi của Chúa Thánh Thần, Ðấng không bao giờ để chúng ta cô đơn nhưng luôn chữa lành vết thương của chúng ta.
Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa cũng chữa lành ký ức tiêu cực của chúng ta, một sự tiêu cực thường xuyên thấm vào lòng chúng ta. Chúa chữa lành ký ức tiêu cực này, vạch trần những điều đã sai trái, những điều để lại trong ta ý niệm bất hạnh rằng chúng ta chỉ là vô dụng, rằng chúng ta chỉ phạm sai lầm, rằng chính chúng ta là một sai lầm. Chúa Giêsu đến để nói với chúng ta rằng không phải là như thế. Người muốn gần gũi với chúng ta. Mỗi khi chúng ta đón nhận Người, thì Người nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta rất quý giá, rằng chúng ta là những vị khách mà Người đã mời đến bữa tiệc của mình, là những người bạn mà Người muốn cùng dùng bữa chung. Và không chỉ bởi vì Người hào phóng, mà bởi vì Người thực sự yêu mến chúng ta. Người nhìn thấy và yêu mến vẻ đẹp và sự tốt lành mà chúng ta đang có. Chúa biết rằng sự ác và tội lỗi không định hình chúng ta; chúng chỉ là bệnh tật, và những sự lây nhiễm. Và Ngài đến để chữa lành chúng bằng Bí tích Thánh Thể, nơi chất chứa các kháng thể cho trí nhớ tiêu cực của chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể trở nên miễn nhiễm với nỗi buồn. Chúng ta sẽ luôn nhớ đến những thất bại, những gian nan, những vấn nạn ở nhà và tại nơi làm việc, và những giấc mơ chưa thực hiện được của chúng ta. Nhưng sức nặng của chúng sẽ không đè bẹp chúng ta bởi vì Chúa Giêsu hiện diện sâu sắc hơn, và khích lệ chúng ta bằng tình yêu của Người. Ðây là sức mạnh của Bí tích Thánh Thể, là bí tích biến chúng ta thành những người mang Chúa, những người mang trong lòng niềm vui chứ không phải những điều tiêu cực. Chúng ta, những người tham dự Thánh lễ có thể hỏi: chúng ta mang đến cho thế giới những gì? Nỗi buồn và sự cay đắng của chúng ta, hay niềm vui của Chúa? Chúng ta có rước lễ để rồi sau đó tiếp tục phàn nàn, chỉ trích và cảm thấy có lỗi với chính mình không? Ðiều này không cải thiện bất cứ điều gì, trái lại niềm vui của Chúa có thể biến đổi cuộc sống.
Cuối cùng, Bí tích Thánh Thể chữa lành ký ức khép kín của chúng ta. Những vết thương chúng ta giữ bên trong tạo ra những vấn đề không chỉ cho chúng ta, mà còn cho những người khác. Chúng làm cho chúng ta sợ hãi và nghi ngờ. Chúng ta bắt đầu với việc đóng kín, và kết thúc trong hoài nghi và thờ ơ. Những vết thương của chúng ta có thể khiến chúng ta phản ứng với người khác bằng sự tách rời và kiêu ngạo, trong ảo tưởng rằng bằng cách này chúng ta có thể kiểm soát được các tình huống. Tuy nhiên, đó thực sự chỉ là một ảo ảnh, chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành tận gốc nỗi sợ và giải thoát chúng ta khỏi sự tự quy hướng vào chính mình là điều đang giam cầm chúng ta. Và đó là những gì Chúa Giêsu làm. Người tiếp cận chúng ta một cách nhẹ nhàng, trong sự đơn sơ hiền hoà của Tấm Bánh. Ngài đến như Tấm Bánh bẻ ra để phá vỡ những vỏ bọc chung quanh sự ích kỷ của chúng ta. Ngài trao ban chính mình để dạy chúng ta rằng chỉ bằng cách mở rộng trái tim, chúng ta mới có thể thoát khỏi những rào cản bên trong, và vượt thoát sự tê liệt của trái tim.
Khi trao ban chính Ngài cho chúng ta trong sự đơn sơ của Tấm Bánh, Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng lãng phí cuộc sống của mình để theo đuổi vô số ảo tưởng mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì nếu không có chúng, nhưng kỳ thực chỉ làm chúng ta trống rỗng. Bí tích Thánh Thể dập tắt nơi chúng ta lòng khát khao vật chất và khơi lên trong chúng ta ước muốn phục vụ; nâng chúng ta lên khỏi lối sống nhàn nhã lười biếng và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không chỉ lo cho mình được no thỏa mà chúng ta còn phải là đôi tay của Chúa để tha nhân cũng được no thỏa. Lúc này đây, thật cấp bách để chăm lo cho những ai đang đói ăn và đói nhân phẩm, cho những ai đang không có việc làm để duy trì cuộc sống. Và chúng ta cần hành động một cách cụ thể cho điều này, cụ thể như Tấm Bánh mà Chúa Giêsu ban tặng chúng ta. Sự cảm thông thực sự, và những mối giây đích thực của tình liên đới là cần thiết. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến gần chúng ta, cho nên chúng ta cũng đừng xa cách những người chung quanh chúng ta!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cử hành Thánh lễ, nghĩa là cử hành Tưởng niệm chữa lành ký ức của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Thánh lễ là Tưởng niệm chữa lành ký ức của trái tim. Thánh lễ là kho báu cần được chú ý nhất trong Giáo hội và trong cuộc sống của chúng ta. Và chúng ta hãy tái khám phá việc chầu Thánh Thể, là điều tiếp tục công việc của Thánh lễ trong chúng ta. Ðiều này sẽ mang lại cho chúng ta nhiều điều tốt, vì nó chữa lành chúng ta từ bên trong. Ðặc biệt là bây giờ, khi chúng ta có quá nhiều nhu cầu.
(Source: Holy See Press OfficeHOLY MASS ON THE SOLEMNITY OF THE MOST HOLY BODY AND BLOOD OF CHRIST - HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS - Sunday, 14 June 2020)