Không thể tham dự thánh lễ mà không dấn thân

trong một tình huynh đệ chân thành

 

Ðức Thánh cha: Không thể tham dự thánh lễ mà không dấn thân trong một tình huynh đệ chân thành.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 15-06-2020) - Sau khi dâng thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, lúc 9 giờ 45, sáng Chúa nhật 14 tháng 6 năm 2020 bên trong đền thờ thánh Phêrô, vào lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong căn hộ Giáo hoàng, ở lầu ba dinh Tông tòa để chủ sự kinh Truyền tin, với khoảng hơn 1,000 tín hữu, tụ tập cách quảng nhau tại Quảng trường thánh Phêrô bên dưới.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa lễ kính Mình Máu Thánh Chúa và nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tại Italia và các nước khác có cử hành lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Corpus Domini. Trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay, thánh Phaolô mô tả việc cử hành thánh lễ (Xc 1 Cr 10,16-17). Ngài nhấn mạnh hai công hiệu của chén thánh được chia sẻ và bánh được bẻ ra: công hiệu thần bí và công hiệu cộng đoàn.

Công hiệu thần bí

Trước tiên, thánh Tông Ðồ khẳng định rằng: "Chén chúc tụng mà chúng ta làm phép chẳng phải là hiệp thông với Máu Chúa Kitô sao? Và Bánh chúng ta bẻ ra, chẳng phải là hiệp thông với mình Chúa Kitô sao?" (v.16). Những lời này diễn tả công hiệu thần bí hoặc thiêng liêng của Thánh Thể: công hiệu này liên hệ tới sự kết hiệp với Chúa Kitô, Ðấng hiến mình trong bánh và rượu để cứu độ tất cả mọi người. Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể để làm lương thực nuôi sống chúng ta, để được hấp thụ và trở nên sức mạnh đổi mới trong chúng ta, mang lại năng lực và ước muốn tái lên đường, sau mỗi chặng dừng lại hoặc sa ngã. Nhưng điều này đòi phải có sự đồng thuận của chúng ta, sự sẵn sàng của chúng ta để cho mình được biến đổi, cả cách thức suy tư và hành động của chúng ta; nếu không vậy, các buổi cử hành thánh lễ mà chúng ta tham dự chỉ là những lễ nghi trống rỗng và hình thức.

Công hiệu cộng đoàn

Công hiệu thứ hai là công hiệu cộng đoàn, được thánh Phaolô diễn tả qua những lời này: "Vì chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, chúng ta là một thân thể duy nhất" (v.17). Ðây là sự hiệp thông hỗ tương của những người tham dự thánh lễ, đến độ họ trở thành một thân thể duy nhất, như bánh duy nhất được bẻ ra và phân phát. Sự hiệp thông với Mình Chúa Kitô là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiệp nhất, hiệp thông và chia sẻ. Ta không thể tham dự thánh lễ mà không dấn thân trong một tình huynh đệ chân thành với nhau. Nhưng Chúa biết rõ rằng sức riêng của loài người không đủ để đạt tới điều ấy. Ðúng ra, Chúa biết rằng giữa các môn đệ của Ngài luôn có cám dỗ cạnh tranh nhau, ghen tương, thành kiến, chia rẽ nhau.. Cũng vì thế, Chúa đã để lại cho chúng ta Bí tích Sự Hiện Diện thực sự của Ngài, cụ thể và trường tồn, đến độ khi hiệp nhất với Ngài, chúng ta luôn luôn có thể lãnh nhận hồng ân tình yêu thương huynh đệ. "Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy" (Ga 15,9), Chúa nói như thế với các bạn hữu của Ngài; và đó là điều có thể nhờ Thánh Thể.

Thánh Thể đổi mới Giáo hội

Hai thành quả này của Thánh Thể: sự kết hiệp với Chúa Kitô và tình hiệp thông giữa những người được nuôi dưỡng bằng chính Ngài, sinh ra và liên tục đổi mới cộng đoàn Kitô. Thực vậy, Công đồng chung Vatican II, trong đoạn đầu của Hiến chế về Giáo hội, khẳng định rằng: "khi ở trong Chúa Kitô, có thể nói, Giáo hội là bí tích, tức là dấu chỉ và là dụng cụ sự kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại" (Lumen gentium, 1). Vì thế, điều rất đúng là Giáo hội làm nên Thánh Thể, nhưng điều quan trọng hơn nữa, đó là Thánh Thể làm nên Giáo hội, và làm cho Giáo hội trở thành sứ mạng của Thánh Thể, trước khi hoàn thành Thánh Thể.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Xin Ðức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngày càng kinh ngạc và với lòng biết ơn, đón nhận hồng ân cao cả mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi để lại cho chúng ta Bí tích Mình và Máu Thánh Ngài".

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nói thêm rằng:

Anh chị em thân mến,

Tôi lo âu theo dõi tình trạng thê thảm tại Libia. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho Libia những ngày này. Tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế và những người có trách nhiệm chính trị và quân sự, với xác tín và quyết liệt, tái đẩy mạnh việc tìm kiếm một con đường tiến đến sự chấm dứt bạo lực, mang lại hòa bình, ổn định và hiệp nhất đất nước. Tôi cũng cầu nguyện cho hàng ngàn người di dân, tị nạn, những người xin tị nạn và tản cư nội địa tại Libia. Tình trạng y tế càng làm cho tình cảnh bấp bênh của họ trầm trọng thêm, khiến họ dễ bị tổn thương, vì những hình thức bóc lột và bạo hành. Tôi mời gọi cộng đồng quốc tế hãy quan tâm đến số phận của họ, xác định những hành trình và cung cấp các phương tiện để đảm bảo cho họ sự bảo vệ họ đang cần, một hoàn cảnh xứng đáng và một tương lai hy vọng.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Hôm nay là Ngày Thế giới của người hiến máu". Ðây là dịp thúc đẩy xã hội liên đới và nhạy cảm đối với những người đang cần được máu. Tôi chào thăm những người thiện nguyện hiện diện tại đây và đánh giá cao tất cả những người đang thực hiện cử chỉ đơn sơ này, nhưng rất quan trọng để giúp đỡ tha nhân.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương hiện diện. Ngài nói: Tôi cầu chúc anh chị em và những người đang theo dõi qua các phương tiện truyền thông một Chúa nhật tốt đẹp, và xin anh chị em vui lòng: đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Về tình hình Libia mà Ðức Thánh cha bày tỏ lo âu

Libia có gần bảy triệu dân cư. Từ sau khi chế độ của nhà độc tài Gheddafi bị lật độ hồi cuối tháng 10 năm 2011, nước này liên tục ở trong tình trạng xáo trộn do dự tranh giành của các phe nhóm và bộ tộc. Gần đây căng thẳng giữa hai phe chính, là phe chính phủ được quốc tế công nhận và phe của thống chế Haftar, trở nên trầm trọng hơn, trước sự dửng dưng của dư luận thế giới.

Phe chính phủ ở thủ đô Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi phe của tướng Haftar được Liên minh Emirati và Nga hỗ trợ. Phe này muốn tiến chiếm thủ đô Tripoli nhưng không thành công. Ðằng sau cuộc chiến giữa các lãnh chúa chiến tranh ở Libia, có sự xung đột giữa các nước mạnh ở miền đông Ðịa trung Hải, và người ta sợ rằng căng thẳng sẽ trở thành cuộc khủng hoảng công khai trong vùng. Trong khi đó, những tay buôn người lợi dụng tình thế để đưa các nhóm di dân vượt biên sang Âu châu. Ngoài ra, ngày 28/5 mới đây, có 30 người di dân bị giết và 11 người bị thương, ở thành phố Mizdah, cách thủ đô Tripoli 160 cây số về hướng tây nam, trong số những người bị giết có 26 người di dân Bangladesh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page