Ba Ngôi là Tình Yêu,

cứu độ và tái tạo trần thế

 

Ðức Thánh cha: Ba Ngôi là Tình Yêu, cứu độ và tái tạo trần thế.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 07-06-2020) - Trưa Chúa nhật, 07 tháng 6 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Ðây là buổi đọc kinh thứ hai của ngài với các tín hữu, tụ tập ở quảng trường sau nhiều tuần lễ đọc kinh trực tuyến vì đại dịch Covid-19.

Lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong căn hộ Giáo hoàng, ở lầu ba của dinh Tông Tòa để chủ sự kinh Truyền tin với khoảng 500 tín hữu tụ tập cách quãng nhau tại Quảng trường thánh Phêrô bên dưới.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa Lễ kính Chúa Ba Ngôi chí thánh và nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (Xc Ga 3,16-18), Lễ Chúa Ba Ngôi cực thánh, qua ngôn ngữ cô đọng của thánh Gioan, tỏ cho thấy mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với trần thế do Ngài sáng tạo. Trong cuộc đối thoại ngắn với ông Nicođêmô, Chúa Giêsu tự giới thiệu như Vị chu toàn kế hoạch cứu độ của Chúa Cha cho thế giới. Chúa Giêsu khẳng định rằng: "Thiên Chúa đã yêu thương trần thế đến nỗi đã ban Con duy nhất của Người" (v. 16). Những lời này nhắm chứng tỏ rằng hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa - Cha, Con và Thánh Thần - là một kế hoạch yêu thương duy nhất cứu độ nhân loại và thế giới.

Thiên Chúa yêu thương con người dù họ là người tội lỗi

"Thế giới mang dấu vết sự ác và hư hỏng, loài người chúng ta là những kẻ tội lỗi; vì thế, Thiên Chúa có thể can thiệp để phán xét thế gian, để hủy diệt sự ác và trừng phạt kẻ có tội. Nhưng Chúa yêu thương thế gian, mặc dù thế gian tội lỗi; Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, cả khi chúng ta sai lỗi và lìa xa Chúa. Thiên Chúa Cha yêu thương trần thế đến độ, để cứu vớt trần thế, Ngài đã ban điều quý giá nhất đối với Ngài, đó là Con duy nhất của Ngài, Ðấng đã hiến mạng sống vì loài người, sống lại, trở về cùng Cha và cùng với Ngài, sai Chúa Thánh Thần đến. Vì thế, Ba Ngôi là Tình Yêu, hoàn toàn phục vụ trần thế, mà Ngài muốn cứu độ và tái tạo.

Tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa

Khi Chúa Giêsu quả quyết rằng Chúa Cha đã ban Con duy nhất của Ngài, tự nhiên chúng ta nghĩ đến Abraham và sự hiến dâng con là Isaac, mà sách Sáng thế đã nói đến (Xc 22,1-14): đó là tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng nghĩ đến cách thức Thiên Chúa tỏ mình ra cho Môisê: đầy dịu dàng, thương xót và cảm thương, chậm giận, đầy ân sủng và trung tín. Cuộc gặp gỡ với vị Thiên Chúa ấy đã khích lệ Môisê, như sách Xuất hành kể lại, ông không sợ đặt mình làm trung gian giữa dân và Chúa, khi thưa với Chúa: "đúng thế, đó là một dân cứng cổ, nhưng Chúa tha thứ tội lỗi chúng con: xin Chúa biến chúng con thành gia sản của Chúa" (34,9).

Ðáp lại tình thương của Chúa

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Anh chị em thân mến, đại lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy tái để cho mình được vẻ đẹp của Thiên Chúa thu hút; vẻ đẹp, lòng từ nhân và chân lý khôn cùng. Nhưng Chúa cũng khiêm tốn, gần gũi, nhập thể làm người để đi vào cuộc sống, lịch sử của chúng ta, để mỗi người nam nữ có thể gặp Ngài và được sự sống đời đời. Và tin là đón nhận Thiên Chúa - Tình Thương hiến thân trong Ðức Kitô, để cho mình được Ngài gặp gỡ và tín thác nơi Ngài."

"Chúng ta sống niềm tin nơi Chúa Kitô, khi lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, qua đó Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa. Qua các bí tích, chúng ta có thể ở lại trong tương quan liên lỷ với Các Ngôi Vị Thiên Chúa, chúng ta được khích lệ làm chứng về đức bác ái theo tinh thần Tin mừng, được nâng đỡ trong nỗ lực sống hiệp nhất và an bình, để tất cả làm vinh danh Chúa Ba Ngôi cực thánh, Thiên Chúa - Tình Thương."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng "Xin Ðức Trinh Nữ Maria, là Ðền thờ của Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta đón nhận tình thương của Thiên Chúa với con tim rộng mở, làm cho chúng ta tràn đầy vui mừng và mang lại ý nghĩa cho hành trình của chúng ta trên trần thế này, luôn hướng về mục tiêu là trời cao."

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nói thêm rằng:

Anh chị em thân mến,

"Tôi chào thăm tất cả anh chị em, người Roma và các tín hữu hành hương: mỗi tín hữu, các gia đình và cộng đoàn dòng tu. Sự hiện diện của anh chị em tại quảng trường này là dấu hiệu cho thấy tại Italia, giai đoạn cấp tính của đại dịch đã qua rồi, cho dù vẫn còn phải cẩn thận tuân theo các qui luật hiện hành. Nhưng rất tiếc là tại các nước khác, nhất là tại Mỹ châu Latinh, virus đang còn gây ra nhiều nạn nhân. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với các dân tộc ấy, với các bệnh nhân và gia đình họ, và tất cả những người chăm sóc họ."

Ðức Thánh cha cũng nói rằng:

"Tháng Sáu là tháng biệt kính Thánh Tâm Chúa Kitô, lòng sùng kính này liên kết nhiều vị tôn sư về linh đạo, với những người thường trong dân Chúa. Thực vậy, Trái Tim nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu là nguồn mạch, nơi chúng ta luôn luôn có thể kín múc lòng thương xót, ơn tha thứ và sự dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm như vậy bằng cách dừng lại ở mỗi đoạn Tin mừng, cảm thấy rằng nơi trọng tâm của mỗi cử chỉ, lời nói của Chúa Giêsu đều có tình yêu, tình thương của Chúa Cha. Và chúng ta cũng có thể làm như thế khi chầu Thánh Thể, nơi mà tình yêu Chúa hiện diện trong bí tích. Khi ấy, cả tâm hồn chúng ta, dần dần cũng sẽ trở nên kiên nhẫn, quảng đại và từ bi hơn."

"Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt đẹp. Và xin anh chị em vui lòng: đừng quên cầu nguyện cho tôi".

Tình hình đại dịch Covid-19, như Ðức Thánh cha vừa nhắc đến: tại Vatican, không còn ai bị lây nhiễm và tại Italia, hôm 06 tháng 6 năm 2020, chỉ có 72 người chết và 272 ca nhiễm mới, nhưng trên thế giới tính đến thứ bảy 6 tháng 6 năm 2020, số người bị nhiễm và tử vong vẫn còn rất cao, với gần bảy triệu người bị nhiễm và 404,000 người chết, trong số này có hai triệu người bị nhiễm tại Mỹ và 112,000 người chết. Mỹ châu Latinh trở thành những ổ dịch: nặng nhất là Brazil, với 676,500 người bị nhiễm và 36,000 người bị thiệt mạng.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page