Ðoàn chủ tịch hai tổ chức
Giám mục Âu châu nhóm họp trực tuyến
Ðoàn chủ tịch hai tổ chức Giám mục Âu châu nhóm họp trực tuyến.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Luxemburg (RVA News 06-06-2020) - Hôm 03 tháng 6 năm 2020, hai đoàn Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu và Ủy ban các giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, đã nhóm hội nghị thường niên qua Video và đã trao đổi về sự dấn thân của Giáo hội trong thời kỳ đại dịch Covid-19 cũng như những đe dọa tự do tôn giáo.
Liên hội đồng Giám mục Âu châu qui tụ các vị chủ tịch của 33 Hội đồng giám mục, thuộc đại lục này và Ủy ban Giám mục Âu châu, COMECE, gồm đại biểu của các giám mục thuộc 26 nước trong Liên hiệp Âu châu. Trong số các vị tham dự cuộc họp có Ðức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu và Ðức Hồng y Jean-Claude Hollerich, người Luxemburg, Chủ tịch Ủy ban COMECE. Ngoài, ra có Ðức Tổng giám mục, Alain Lebeaupin, Sứ thần Tòa Thánh cạnh Liên hiệp Âu Châu.
Trong số các vấn đề được thảo luận có sự kiện một trong những hậu quả của coronavirus là sự giới hạn chặt chẽ quyền tự do tôn giáo, đưa tới sự đóng cửa các nơi thờ phượng và cấm các lễ nghi phụng vụ. Trước tình trạng này, các giám mục kêu gọi tái lập những tương quan bình thường giữa Giáo hội và nhà nước, dựa trên sự đối thoại và tôn trọng các quyền căn bản của con người.
Các giám mục cũng nói đến vai trò trung tâm của gia đình trong thời kỳ đại dịch, nguy cơ cá nhân chủ nghĩa, hoạt động do Giáo hội thực hiện giúp đạt tới một sự phục hồi đúng đắn, và thách đố do các buổi lễ phụng vụ trực tuyến tạo nên.
Các Giám mục Âu châu tái bày tỏ sự gần gũi của Giáo hội đối với tất cả những người đã và đang chiến đấu chống coronavirus, đó là các gia đình, các nạn nhân, các nhân viên y tế. Giáo hội cũng chia sẻ lo âu vì nạn khủng hoảng kinh tế, rất nhiều người bị mất công ăn việc làm, đồng thời cầu mong có sự cộng tác để tái khởi hành sau đại dịch, để không ai bị bỏ lại đằng sau.
Hai đoàn chủ tịch đặc biệt cám ơn các linh mục vì tinh thần phục vụ, đồng thời cũng thảo luận về vai trò các mạng xã hội đối với việc cầu nguyện và cử hành các buổi phụng vụ trực tuyến. Tình trạng này đưa tới vấn đề "những hình thức mới trong việc thực hành tôn giáo, các tương quan, sự hiện diện và chia sẻ đức tin, một hiện tượng mời gọi chúng ta cứu xét xem có thể mang lại một ý nghĩa mới cho đức tin và cho Giáo Hội hay không. Ngoài ra cần làm việc để giúp các tín hữu tái khám phá yếu tố đặc tính bí tích trọn vẹn của các buổi cử hành tôn giáo, bên trong các nơi thờ phượng mà việc sử dụng các kỹ thuật mới không thể bảo đảm được".
(Sir 4-6-2020)