Hội thánh là cộng đoàn được hòa giải

và sẵn sàng thi hành sứ mạng

 

Ðức Thánh cha: Hội thánh là cộng đoàn được hòa giải và sẵn sàng thi hành sứ mạng.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 31-05-2020) - Sau khi cử hành thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa nhật 31 tháng 5 năm 2020, lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong căn hộ Giáo hoàng, ở lầu ba của dinh Tông Tòa để chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, với khoảng 500 tín hữu tụ tập cách quãng nhau, tại Quảng trường thánh Phêrô bên dưới.

Ðây là lần đầu tiên trong gần ba tháng qua, tức là từ khi có sự cách ly vì đại dịch Covid-19, Ðức Thánh cha chủ sự buổi đọc kinh trưa Chúa nhật với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Tại Quảng trường này, nhân viên công lực giúp bảo đảm an ninh và sự giãn cách an toàn giữa các tín hữu, để phòng chống lan lây coronavirus.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta mừng đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, kỷ niệm Chúa Thánh Linh ngự xuống trên động đoàn Kitô tiên khởi. Tin Mừng hôm nay (Xc Ga 20,19-23) đưa chúng ta trở lại buổi chiều tối ngày lễ Phục sinh và tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống lại hiện ra trong Nhà Tiệc Ly, nơi các môn đệ ẩn náu. "Ngài đứng giữa và nói với họ: "Bình an cho các con!" (v. 19). Những lời đầu tiên của Ðấng Phục sinh: "Bình an cho các con", đây không phải chỉ là một lời chào: những lời ấy diễn tả ơn tha thứ được ban cho các môn đệ đã bỏ Chúa. Ðó là những lời hòa giải và tha thứ. Chúa Giêsu ban bình an của Ngài cho các môn đệ đang sợ hãi, khó tin điều mà họ đã thấy, nghĩa là ngôi mộ trống, và coi nhẹ chứng từ của Maria Magdala và của các phụ nữ khác. Chúa Giêsu tha thứ và ban bình an của Ngài cho các bạn hữu. Chúa luôn luôn tha thứ, chỉ có điều là chúng ta mệt mỏi không muốn xin Chúa tha thứ.

Chúa biến đổi các môn đệ thành Hội thánh

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Khi tha thứ và tụ tập các môn đệ quanh mình, Chúa Giêsu biến họ thành Giáo hội của Ngài: một cộng đoàn được hòa giải và sẵn sàng thi hành sứ mạng. Cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đảo lộn cuộc sống của các tông đồ và biến đổi họ thành những chứng nhân can trường. Thực vậy, ngay sau đó, Chúa nói: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con" (v. 21). Những lời này cho ta hiểu rằng các tông đồ được sai đi, kéo dài chính sứ mạng Chúa Cha đã ủy thác cho Chúa Giêsu. "Thầy sai các con": đây không phải là lúc khép kín, nuối tiếc những lúc "tươi đẹp" ở với Thầy. Niềm vui phục sinh thật lớn lao, nhưng đó là một niềm vui lan tỏa, không được giữ lại cho mình. Trong các Chúa nhật mùa Phục sinh, chúng ta đã nghe trước tiên giai thoại ấy, rồi đến cuộc gặp gỡ với các môn đệ trên đường Emmaus, tiếp đến là vị Mục Tử nhân lành, các diễn văn từ biệt và lời hứa Thánh Linh: tất cả đều nhắm củng cố đức tin của các môn đệ - và của chúng ta nữa - để hướng đến sứ mạng.

Chúa Giêsu ban Thánh Thần

"Chính vì để linh hoạt sứ mạng, Chúa Giêsu ban cho các tông đồ Thần Trí của Ngài: "Ngài thổi hơi trên họ và nói: "Các con hãy lãnh nhận Thánh Thần" (v.22). Thánh Thần là lửa thiêu đốt những tội lỗi và kiến tạo những con người mới; là lửa tình yêu qua đó, các môn đệ có thể "đốt cháy" thế giới, tình yêu thương dịu dàng ưu tiên dành cho những người bé nhỏ, nghèo túng, những người bị loại trừ... Qua các bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần với các ơn của Ngài: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa. Ơn kính sợ Chúa là điều ngược với sự sợ hãi làm cho các môn đệ bị tê liệt trước đó: ơn này là lòng yêu mến Chúa, là sự chắc chắn về lòng thương xót và từ nhân của Chúa, là sự tin chắc có thể chuyển động theo chiều hướng Ngài chỉ dẫn, không bao giờ thiếu sự hiện diện và nâng đỡ của Ngài.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống làm cho chúng ta tái ý thức rằng có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ban sự sống trong chúng ta. Ngài cũng ban cho chúng ta can đảm đi ra ngoài những tường thành bảo vệ các "nhà tiệc ly" của chúng ta, không an nghỉ trong cuộc sống yên hàn hoặc khép kín mình trong những tập quán vô ích. Giờ đây, chúng ta hãy nghĩ đến Mẹ Maria rất thánh, là người giữ vai chính cùng với cộng đoàn đầu tiên về kinh nghiệm lạ lùng Lễ Hiện Xuống và chúng ta hãy xin Mẹ cầu cho Giáo hội được tinh thần truyền giáo nhiệt thành."

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến,

Cách đây bảy tháng, Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia đã kết thúc. Hôm nay, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh ban ánh sáng và sức mạnh cho Giáo hội và xã hội tại miền Amazzonia bị thử thách nặng nề vì đại dịch. Bao nhiêu người bị lây nhiễm và nhiều người qua đời, kể cả nơi các thổ dân bản xứ, là những người đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria, Mẹ của miền Amazzonia, tôi cầu nguyện cho những người nghèo túng nhất và vô phương thế tự vệ tại miền quí yêu ấy, và cho cả những người trên toàn thế giới, và tôi kêu gọi làm sao để không một ai không được trợ giúp y tế.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Hôm nay, tại Italia có cử hành Ngày Toàn quốc Thoa dịu, nhắm thăng tiến tình liên đới với các bệnh nhân. Tôi tái bày tỏ lòng quí chuộng đối với những người, đặc biệt trong thời kỳ này, đã và đang làm chứng về sự quan tâm săn sóc tha nhân."

Và sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Tôi cầu chúc tất cả mọi người Chúa nhật Hiện Xuống tốt đẹp. Chúng ta rất cần ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần! Giáo hội cũng đang cần để tiến bước trong hòa hợp và can đảm làm chứng cho Tin mừng. Cả toàn thể gia đình nhân loại cũng đang cần được như vậy để ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, trong sự đoàn kết hơn và không chia rẽ nữa."

Ðức Thánh cha không quên cầu chúc nhân loại, ra khỏi tình trạng đại dịch hiện nay, được tốt đẹp hơn; và Ðức Thánh cha nói: "Xin anh chị em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page