Bài phỏng vấn

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh

 

Bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh.

ANDREA TORNIELLI - tổng biên tập Vatican News

Vatican (Vatican News 16-05-2020) - Vatican không có nguy cơ vỡ nợ, Vatican không phải là một công ty và mọi thứ không thể được đo lường như là sự thâm hụt. Vatican sống nhờ vào sự giúp đỡ của các tín hữu và mỗi năm Vatican phải trả 17 triệu euro tiền thuế cho Ý. Chúng tôi làm việc để tạo nên một hệ thống minh bạch và tập trung đầu tư.

Một vài tháng trước, cha Juan Antonio Guerrero Alves, SJ được Ðức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tài chính kinh tế của Vatican và kêu gọi thực hiện một cuộc cải cách nhằm mục đích minh bạch kinh tế của Tòa thánh và sử dụng ngày càng hiệu quả các tài sản và nguồn tài nguyên, phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Hiện nay, cha Juan Antonio Guerrero Alves đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Ðây là một cuộc phỏng vấn cha không muốn. Lý do cha đưa ra là trong Giáo hội có những điều khác quan trọng hơn cần phải thực hiện. Và cha cũng muốn cần thêm thời gian trước khi nói ra. Nhưng thời gian này là một thách đố cho tất cả mọi người, và dĩ nhiên là cho cả Vatican. Nó đòi hỏi sự rõ ràng:

 

- Thưa cha Guerrero, trong những ngày vừa qua có một cuộc họp liên ngành bàn về tình hình tài chính của Quốc gia Thành Vatican và của Tòa Thánh. Xin Cha cho biết tình hình hiện nay như thế nào?

+ Cả thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng với hai điểm đặc thù: vì tính chất ngoại lệ của nó và không biết khi nào nó kết thúc. Những gì chúng ta đang trải qua là một thời gian có một không hai. Một thời gian khó khăn đòi hỏi chúng tôi phải có trách nhiệm. Chúng tôi phải tìm cách để đảm bảo sứ mạng. Nhưng chúng tôi cũng phải hiểu cái gì là thiết yếu và cái gì không quan trọng. Ðồng thời, không phải mọi thứ có thể được đo lường chỉ như sự thâm hụt, và thậm chí không phải đơn thuần chi phí, trong nền kinh tế của chúng ta.

 

- Theo nghĩa nào thưa cha?

+ Chúng tôi không phải là một công ty hay một doanh nghiệp. Mục đích của chúng tôi không phải là kiếm lợi tức. Mỗi Bộ, mỗi Cơ quan, đều thực hiện một lãnh vực phục vụ. Và mỗi lãnh vực phục vụ đều cần những chi phí. Sự dấn thân của chúng tôi phải có đặc tính tiết chế và minh bạch tối đa. Ngân sách của chúng ta phải là ngân sách của sứ mạng. Nghĩa là, một ngân sách liên quan đến các con số cho sứ mạng của Tòa thánh. Ðây dường như là một tiền đề, là bản chất của vấn đề. Và do đó, không bao giờ được đi ra khỏi tầm nhìn này.

 

- Cha có thể nêu ra vài con số?

+ Về những con số, con số chi thu của Tòa Thánh nhỏ bé hơn nhiều so với nhiều người tưởng tượng. Những con số này nhỏ hơn chi thu của một đại học trung bình ở Mỹ. Và đây cũng là một sự thật thường bị bỏ qua. Trong mọi trường hợp, các tài khoản cho chúng ta biết từ năm 2016 đến 2020, cả thu nhập và chi tiêu đều không đổi. Số thu khoảng 270 triệu. Số chi tiêu trung bình khoảng 320 triệu, tùy theo năm.

Số thu nhập đến từ những tiền dâng cúng và đóng góp, từ tiền cho thuê các bất động sản và tiền lời cho các hoạt động tài chánh của một số cơ quan. Một trong những đóng góp quan trọng đến từ phủ Thống đốc thành Vatican; và nó phụ thuộc phần lớn (nhưng không phải duy nhất) vào thu nhập của Bảo tàng Vatican mà hiện nay bị đóng, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay do sự phục hồi chậm.

Về chi tiêu, nếu chỉ nhìn vào các con số và tỷ lệ phần trăm, tôi có thể nói rằng các khoản được phân bổ ít nhiều như sau: 45% dành để trả lương nhân viên, 45% cho các chi phí hoạt động và quản trị, 7.5% cho các hoạt động bác ái. Hoặc tôi có thể nói rằng trong những năm gần đây sự thiếu hụt (chênh lệch giữa thu và chi) đã dao động trong khoảng từ 60 đến 70 triệu. Nhưng chỉ dựa trên những con số này, một số người có thể nghĩ rằng thiếu hụt là một lỗ hổng do quản lý sai. Hoặc tài chính của Tòa Thánh là một bộ máy quan liêu bất động. Không phải như thế. Ðằng sau những con số này là sứ mạng của Tòa thánh và của Ðức Thánh Cha, đầy sức sống và tinh thần phục vụ của Giáo hội. Không đúng khi nói rằng khoản thiếu hụt được bù đắp bởi Ðồng tiền thánh Phêrô như thể Ðồng tiền thánh Phêrô lấp đầy một lỗ hổng. Ðồng tiền thánh Phêrô là tiền các tín hữu dâng cúng để hỗ trợ sứ mạng của Tòa Thánh, trong đó có cả các hoạt động bác ái của Ðức Thánh Cha, và thường không đủ.

Những con số luôn luôn phải được hiểu. Ðằng sau những con số này là một mục đích. Trong ngân sách có sứ mạng, việc phục vụ mà nhờ các chi phí này có thể thực hiện được. Có lẽ chúng tôi cần giải thích rõ hơn, kể câu chuyện rõ ràng hơn. Chắc chắn chúng tôi phải minh bạch hơn.

 

- Khi nói "ngân sách của sứ mạng", cha muốn nói về điều gì?

+ Tôi muốn giải thích những gì bên trong những con số đó. Ví dụ: truyền tải thông tin những hoạt động và giáo huấn của Ðức Thánh Cha bằng 36 thứ tiếng qua đài phát thanh, TV, web, phương tiện truyền thông xã hội, báo, nhà in, nhà xuất bản, phòng báo chí (v.v.) là một công việc không thể so sánh trên thế giới. Tất nhiên nó cần một chi phí và cũng có thu nhập. Hoạt động của các cơ quan này chiếm khoảng 15% ngân sách và có hơn 500 người làm việc trong lãnh vực này. Tôi không biết có thể làm tốt hơn không. Luôn luôn có thể. Nhưng nếu chúng ta làm một phép so sánh, thì tôi không tin là có những nơi khác tạo ra nhiều sản phẩm truyền thông với một chi phí nhỏ như thế.

10% ngân sách dành cho các Sứ quán của Tòa Thánh. Người ta có thể hỏi để làm gì. Ðó là những sứ quán bé nhỏ nhưng giữ vai trò quan trọng trong các quan hệ quốc tế, bênh vực quyền lợi của người nghèo, thực hiện chính sách đối thoại, những cố gắng kiến tạo hòa bình, chăm sóc trái đất như ngôi nhà chung của chúng ta.

10% khác dành cho các Giáo hội Công giáo Ðông phương, thường bị bách hại. Hoạt động của Bộ Truyền giáo chiếm 8.5%. Sau đó là chi phí cho việc bảo vệ sự hiệp nhất của giáo thuyết và các án phong thánh. Chi tiêu cho việc bảo tồn di sản của nhân loại như Thư viện và Văn khố Tòa Thánh. Và điều cần thiết là bảo trì các toà nhà: khoản này chiếm 10%. Liên quan đến các khoản thuế đối với Ý, chúng tôi trả khoảng 6% ngân sách, nghĩa là 17 triệu.v.v...

 

- Ðây là tình hình trước Covid, còn bây giờ thế nào? Một số giả thuyết đã được đưa ra, một lạc quan hơn và một bi quan hơn: Cha có thể giải thích rõ hơn về cả hai giả thuyết này?

+ Chúng tôi đã thực hiện một số dự đoán, một số đánh giá. Theo dự đoán lạc quan nhất thì thu nhập sẽ giảm khoảng 25% và dự đoán bi quan thì khoảng 45%. Hiện nay, chúng tôi không thể nói liệu việc dâng cúng Ðồng tiền Thánh Phêrô của các tín hữu và những đóng góp của các Giáo phận sẽ giảm hay không.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, bởi vì chúng tôi đã quyết định dựa trên khó khăn chi trả của một số người thuê nhà nên thu nhập từ việc cho thuê các tòa nhà sẽ giảm. Trong việc phê duyệt ngân sách năm nay, chúng tôi đã quyết định giảm chi phí nhằm giảm thâm hụt.

Trường hợp khẩn cấp sau Covid buộc chúng tôi phải làm điều đó với quyết tâm cao hơn. Kịch bản lạc quan hay bi quan phụ thuộc một phần vào chúng tôi (vào khả năng chúng tôi sẽ có thể giảm chi phí) và một phần vào các yếu tố bên ngoài, doanh thu thực sự sẽ giảm bao nhiêu (thu nhập không phụ thuộc vào chúng tôi). Trong mọi trường hợp, nếu không có thu nhập bất thường, hiển nhiên sẽ có gia tăng thâm hụt.

 

- Có phải Vatican đang có nguy cơ vỡ nợ, như ai đó đã viết?

+ Không, tôi không nghĩ vậy. Vatican không có nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi không phải đối diện với khủng hoảng. Chắc chắn trong những năm tới chúng tôi sẽ có những khó khăn. Giáo hội hoàn thành sứ mạng với sự giúp đỡ của các tín hữu. Và chúng tôi không biết các tín hữu sẽ dâng cúng bao nhiêu. Chính vì lý do này mà chúng tôi phải tiết chế và nghiêm khắc. Chúng tôi phải quản lý với sự yêu mến và siêng năng của một người cha trong gia đình. Có ba điều không cần bàn cãi, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng này: tiền lương của nhân viên, trợ giúp cho những người gặp khó khăn và hỗ trợ cho các Giáo hội khó khăn. Tất cả sẽ không bị cắt giảm, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương.

Chúng tôi không sống để tiết kiệm ngân sách. Chúng tôi tin tưởng vào lòng quảng đại của các tín hữu. Nhưng chúng tôi phải cho những người đã cho chúng tôi một phần tiền tiết kiệm của họ được biết, rằng tiền của họ đã được sử dụng đúng. Có nhiều người Công giáo trên thế giới sẵn sàng quyên góp để giúp Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh thực hiện sứ mạng. Chúng tôi có trách nhiệm đối với họ. Và họ có thể chất vấn chúng tôi về điều này.

 

- Tình hình của Vatican không khác tình hình ở nhiều quốc gia khác; do đại dịch phải đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Vatican có kế hoạch cụ thể nào cho tình trạng này?

+ Ðúng là tình hình không có gì khác biệt, nhưng cũng đúng là chúng tôi không có đòn bẩy của chính sách tiền tệ cũng như của chính sách tài khóa. Chúng tôi chỉ có thể tin tưởng vào lòng quảng đại của tín hữu, vào một tài sản nhỏ và khả năng chi tiêu ít hơn. Trái với những gì nhiều người nghĩ, ở đây không có mức lương lớn.

Tin vui là Bộ Kinh tế (SPE), Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA), Phủ Quốc vụ Khanh, Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, Hội đồng Kinh tế và Phủ thống đốc đang cùng nhau làm việc để ứng phó với khủng hoảng và cải cách những gì cần phải làm. Chúng tôi yêu cầu mỗi Cơ quan làm mọi điều có thể để giảm chi tiêu trong khi vẫn phải bảo vệ sự cần thiết của sứ mạng. Ở cấp độ cơ cấu hơn, vì sự thiếu hụt là cơ cấu, chúng tôi sẽ phải tập trung đầu tư tài chính, cải thiện quản lý nhân sự, cải thiện quản lý đấu thầu, mua sắm. Một luật về đấu thầu sắp được phê duyệt chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm. Chúng tôi đang làm việc liên tục kết nối với tất cả các Bộ, kết hợp tính tập trung với sự bổ trợ; tự chủ với giám sát; chuyên môn với ơn gọi.

 

- Việc tập trung vào đầu tư này khi nào bắt đầu và nó sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Về điều này, chúng tôi có một nhóm làm việc, hợp tác trong một bầu khí thanh thản. Nhóm cần một vài tháng. Mục tiêu không chỉ là tập trung mà còn làm cách chuyên nghiệp, không có xung đột lợi ích và với các tiêu chí đạo đức. Chúng tôi không chỉ tránh các khoản đầu tư phi đạo đức, mà còn thúc đẩy các khoản đầu tư liên quan đến một tầm nhìn khác về nền kinh tế, hệ sinh thái tích hợp, bền vững.

 

- Tòa Thánh làm thế nào để có thể đảm bảo cho các việc phục vụ và cung cấp lương cho các nhân viên, mặc dù thu nhập đang giảm?

+ Chúng tôi không phải là một quyền lực lớn. Người ta thảo luận về những khó khăn ở các nước lớn châu Âu. Chúng tôi hình dung về mình và cần phải khiêm tốn. Chúng tôi là một gia đình có một tài sản nhỏ và sự giúp đỡ quảng đại của nhiều người. Chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện, với khả năng quản trị tốt của chúng tôi, với sự giúp đỡ của Chúa và các tín hữu. Toàn thể Giáo hội được hỗ trợ theo cách này.

Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách chia sẻ sự thật của tình hình kinh tế. Ðiều tốt nhất chúng tôi có thể làm là chăm chỉ và minh bạch. Chúng tôi sẽ tính toán dựa theo số tiền chúng tôi có thể dựa vào. Chúng tôi sẽ xây dựng ngân sách cho năm 2021 dựa trên số không. Khởi đi từ sự cần thiết của sứ mạng.

 

- Nhưng làm thế nào để lòng tin của tín hữu tăng lên sau những tin tức năm ngoái về các cuộc điều tra liên quan đến cách thức mà một số khoản đầu tư đã được thực hiện?

+ Niềm tin có được qua sự nghiêm khắc, rõ ràng, tiết chế. Và khiêm tốn thừa nhận những sai lầm trong quá khứ để không lặp lại, và những sai lầm hiện tại, nếu có. Ðôi khi điều đó cũng xảy ra với chúng tôi, ví dụ, đã tin cậy vào những người không xứng đáng với sự tín nhiệm. Về điều này, chúng ta luôn dễ bị tổn thương. Minh bạch hơn, ít bí mật hơn, khiến cho việc phạm sai lầm trở nên khó hơn. Chính vì lý do này mà các khoản đầu tư chúng tôi đặt mục tiêu có một ủy ban nghiêm túc gồm những người cấp cao, không có xung đột lợi ích, điều này sẽ giúp chúng tôi (bao nhiêu có thể) không mắc sai lầm.

 

- Khi nào một ngân sách chính thức tiếp theo sẽ được công bố lần nữa?

+ Tôi muốn năm nay. Ðể giải thích rõ cách chúng tôi sử dụng tiền. Ðể nói rằng tiền trong tay để làm điều tốt và phục vụ Giáo hội. Chúng tôi cần nói điều này, giải thích rõ ràng. Thực tế trong những tháng gần đây tôi đã thấy Tòa Thánh nói về điều này. Chúng ta phải tin tưởng. Sứ mạng rất đẹp này được thực hiện với lòng quảng đại của nhiều người, những người không ai biết đến.

 

- Cha cảm thấy thế nào ở vị trí "Bộ trưởng Bộ Kinh tế"? Trong giai đoạn khó khăn này cha có thể ngủ được không?

+ Tôi ngủ ngon. Cho đến nay không có khó khăn nào đã làm cho tôi mất ngủ. Tôi phó thác vào Chúa Sự sống và tôi biết rằng Cuộc sống luôn kết thúc để mở cho chúng ta con đường. Tôi không cảm thấy mình là Bộ trưởng Kinh tế. Tôi cảm thấy mình là một tu sĩ Dòng Tên và một linh mục đang thực hiện một việc phục vụ cho Giáo hội, có lẽ là một việc phục vụ hậu phương, và cộng tác với những người khác. Bao gồm giúp đỡ Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh thực hiện sứ mạng. Tôi có một nhiệm vụ. Tôi tiếp tục một hành trình. Tôi làm việc trong một nhóm. Tôi lắng nghe lời khuyên. Tôi học. Tôi đang tìm kiếm người có khả năng. Tôi biết những thay đổi không được thực hiện trong một ngày. Và chúng ta không làm điều đó một mình. Mục tiêu là làm việc cùng nhau. Tôi cảm thấy được Ðức Thánh Cha và Giáo triều đón nhận, chưa kể các nhân viên của Bộ Kinh tế, tất cả các chuyên gia xuất sắc và hợp thức. Chúng tôi cam kết đi trên con đường minh bạch, tiết chế, siêng năng, cần kiệm, trong việc thực hiện những gì đang và vẫn là một sứ mạng.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page