Ðức Thánh cha nhắc đến lễ Âu châu

và kỷ niệm chấm dứt thế chiến thứ hai

 

Ðức Thánh cha nhắc đến lễ Âu châu và kỷ niệm chấm dứt thế chiến thứ hai.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 11-05-2020) - Trong lời dẫn nhập đầu thánh lễ Chúa nhật V sau Phục sinh, 10 tháng 5 năm 2020, tại nhà nguyện thánh Marta, vào lúc bảy giờ sáng, Ðức Thánh cha Phanxicô nhắc đến lễ Âu châu và kỷ niệm chấm dứt thế chiến thứ hai. Ngài mời gọi hàng trăm ngàn tín hữu các nơi, tham dự thánh lễ trực tuyến này hãy cầu nguyện để Âu châu được tăng trưởng hiệp nhất trong sự khác biệt. Và trong bài giảng, Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng cầu nguyện là đến cùng Chúa Cha: cần có can đảm cầu nguyện và tin tưởng nơi sự toàn năng của lời cầu nguyện.

Ðức Thánh cha nói: "Trong hai ngày qua, đã có hai cuộc kỷ niệm: 70 năm tuyên ngôn của ông Robert Schuman, khởi đầu Liên hiệp Âu châu, và kỷ niệm thế chiến thứ hai chấm dứt. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Âu châu ngày nay được lớn lên trong sự hiệp nhất huynh đệ, làm cho mọi dân tộc tăng trưởng trong sự hiệp nhất giữa những khác biệt."

Bài giảng

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha diễn giải bài Tin mừng theo thánh Gioan (Ga 14,1-14), kể lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng ai tin nơi Ngài, thì họ cũng sẽ làm những công việc Ngài đang thực hiện, và còn làm những điều lớn lao hơn nữa, vì Ngài về cùng Cha. Chúa Giêsu quả quyết: "Bất kỳ các con xin điều gì nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, để Cha được tôn vinh nơi Con".

Ðức Thánh cha nói: "Chúng ta có thể nói rằng đoạn Tin mừng theo thánh Gioan đây là tuyên ngôn về việc đến cùng Chúa Cha. Chúa Cha luôn hiện diện trong đời sống của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu dạy rằng Chúa Cha chăm sóc chúng ta và các thụ tạo của Chúa. Và khi các môn đệ xin Ngài dạy cách cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy kinh "Lạy Cha". Chúa Giêsu "luôn đi tới cùng Chúa Cha" và như thể Chúa Giêsu nói: "Thầy ở với Cha: các con hãy xin và Thầy sẽ làm tất cả. Vì Cha sẽ làm điều đó với Thầy... Ðây là niềm tín thác ấy nơi Chúa Cha là Ðấng có thể làm mọi sự."

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến lòng can đảm khi cầu nguyện: "Lòng can đảm của tổ phụ Abraham, mặc cả với Chúa khi cầu nguyện, can đảm chiến đấu trong kinh nguyện, vì cầu nguyện là chiến đấu, chiến đấu với Thiên Chúa" ... Cầu nguyện là cùng với Chúa Giêsu đến cùng Chúa Cha, Ðấng sẽ ban cho chúng ta tất cả. Can đảm khi cầu nguyện, mạnh dạn khi cầu nguyện. Ðó cũng là điều chúng ta cần trong khi giảng thuyết."

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha cũng diễn giải đoạn sách Tông đồ Công vụ kể lại việc các tông đồ thiết lập các phó tế, chọn và đặt tay cho bảy phó tế đầu tiên để họ chăm lo việc phục vụ. Thánh Phêrô đã đưa ra quyết định ấy để các tông đồ có thêm giờ chăm lo cầu nguyện và loan báo Lời Chúa. Từ sự kiện ấy, Ðức Thánh cha nói: "Ðó cũng là nhiệm vụ của giám mục: cầu nguyện và rao giảng. Giám mục là người đầu tiên đến cùng Chúa Cha, với lòng tín thác mà Chúa Giêsu đã ban, với lòng can đảm, mạnh dạn, chiến đấu cho dân mình. Nghĩa vụ đầu tiên của giám mục là cầu nguyện".

Về điểm này, Ðức Thánh cha nhắc đến một linh mục kia, một cha sở thánh thiện, tốt lành, khi gặp một giám mục, cha ấy luôn đặt câu hỏi: "Thưa Ðức cha, Ðức cha cầu nguyện bao nhiêu giờ mỗi ngày?", và cha ấy luôn nói: "Vì nhiệm vụ đầu tiên của giám mục là cầu nguyện, vì đó là lời cầu nguyện của vị thủ lãnh cộng đoàn cho cộng đoàn, cầu xin Chúa Cha để Ngài giữ gìn dân..." Và Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Thật là buồn khi thấy những giám mục giỏi, những người tốt lành, nhưng phải làm bao nhiêu việc, kinh tế, và việc này việc kia... Nhưng kinh nguyện phải chiếm chỗ đầu tiên. Khi những điều khác chiếm chỗ của kinh nguyện, thì có cái gì không ổn".

Và Ðức Thánh cha kết luận: "Giáo hội phải tiến bước như vậy, với kinh nguyện, với sự can đảm cầu nguyện, vì Giáo hội biết rằng nếu không đến cùng Chúa Cha như thế thì Giáo hội không thể tồn tại".

Cuối thánh lễ, như thường lệ có phần chầu Mình Thánh Chúa và Ðức Thánh cha đọc kinh giúp các tín hữu dự lễ trực tuyến được rước lễ thiêng liêng.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page