Các lãnh đạo Kitô giáo ở Thánh Ðịa
tố cáo kế hoạch
thôn tính "đơn phương" của Israel
Các lãnh đạo Kitô giáo ở Thánh Ðịa tố cáo kế hoạch thôn tính "đơn phương" của Israel.
Ngọc Yến
Jerusalem (Vatican News 9-05-2020) - Trước tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine ngày càng gia tăng, hôm 08 tháng 5 năm 2020, các vị lãnh đạo Kitô giáo ở Thánh Ðịa đã đưa ra một thông cáo, kêu gọi Israel kiềm chế việc sáp nhập đơn phương các khu vực Bờ Tây và thúc giục sáng kiến hòa bình phù hợp với luật quốc tế.
Bản thông cáo có chữ ký của cha Francesco Patton, bề trên dòng Phanxicô; Ðức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông toà Toà Thượng phụ Latin ở Giêrusalem; Ðức Thượng Phụ Teofilo III của Giáo Hội Chính Thống Hy lạp.
Kế hoạch thôn tính "đơn phương" của Israel liên quan đến các phần của Bờ Tây, đặc biệt các khu định cư của người Do Thái và thung lũng Giordano, là những phần có trong kế hoạch hòa bình cho khu vực do chính quyền tổng thống Trump thúc đẩy. Kế hoạch này đã làm dấy lên những câu hỏi về tính khả thi của các thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine kéo dài hàng thập kỷ, làm nhiều người vô tội phải trả giá. Tình hình hiện nay như một vòng luẩn quẩn của bi kịch và sự bất công của con người.
Theo các vị lãnh đạo Kitô giáo, kế hoạch thôn tính đơn phương này chủ yếu được các đảng cánh hữu của Israel hỗ trợ. Do đó, các vị lãnh đạo kêu gọi Nhà nước Israel kiềm chế các động thái đơn phương, vì nếu không, mọi hy vọng cho sự thành công của tiến trình hòa bình sẽ không còn; đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ, châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Nga ứng phó với kế hoạch thôn tính đơn phương này bằng một sáng kiến hòa bình từng bước, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc. Tất cả nhằm đảm bảo hòa bình trọn vẹn, chính đáng và bền lâu cho nơi được coi là thánh thiêng của ba tôn giáo khởi nguồn từ Abraham.
Hội đồng các lãnh đạo các Giáo hội cũng kêu gọi Tổ chức giải phóng Palestine (Olp), "Ðại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine" giải quyết tranh chấp nội bộ và các xung đột với các phe phái khác không thuộc Tổ chức, nhằm đưa ra một mặt trận thống nhất, cam kết đạt được hòa bình và xây dựng một nhà nước dựa trên chủ nghĩa đa nguyên và các giá trị dân chủ. (Sir. 08/5/2020)