Không có đụng độ

tại Sudan nhờ đại dịch

 

Không có đụng độ tại Sudan nhờ đại dịch.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Sudan (RVA News 02-05-2020) - Vì đại dịch Covid-19 và nhờ đối thoại, hiện nay không có các cuộc xung đột và đố kỵ tại Sudan.

Ðức cha Tombe Trille, Giám mục giáo phận El Obeid, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sudan và Nam Sudan, tuyên bố như trên với hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 28 tháng 4 năm 2020. Ðức cha cũng nói rằng: "với tình trạng y tế bấp bênh và xã hội kinh tế mong manh sau những năm độc tài, Sudan vừa bước vào giai đoạn mới về chính trị, và kinh hãi nhìn thấy coronavirus lan tràn. Ðã có hơn 240,000 bị lây nhiễm và 21 người chết. Chính phủ đã yêu cầu dân chúng tránh tụ họp, đồng thời ra lệnh cách ly hoàn toàn tại bang Khartum từ giữa tháng Tư năm 2020. Chúng tôi đã cử hành Tuần Thánh với số tín hữu giới hạn: tối đa là 50 người."

Ðức cha Trille cũng cho biết: "Nếu tình thế trở nên trầm trọng hơn và không có an ninh, chúng tôi sẽ đóng cửa nhà thờ. Chúng tôi cũng lo âu cho các trại tị nạn và tình hình nói chung, vì không thể bảo đảm sự hiện diện liên tục của chúng tôi về mặt mục vụ và xã hội..."

Cách đây hơn một năm, ngày 11 tháng 4 năm 2019, nhà độc tài Omar al-Bashir tại Sudan đã bị truất phế sau 30 năm lên cầm quyền (1989), nhờ cuộc đảo chánh với sự hỗ trợ của các thành phần Hồi giáo cực đoan.

Theo Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sudan, tuy có rất nhiều thách đố về mặt chính trị, xã hội và kinh tế, trường hợp Sudan là một tin vui đối với Phi châu. Báo Economist, Kinh tế gia, đã nâng Sudan lên 8 bậc: từ bậc chót lên hàng thứ 147, giữa các nước về mặt dân chủ.

Còn tại Nam Sudan, quốc gia tách khỏi Sudan ở miền bắc hồi năm 2011, tình hình Giáo hội cũng khá yên ổn. Sau khi Ðức cha Stephen Ameyu Mulla, nhận chức tân Tổng giám mục giáo phận thủ đô Juba, hôm 22 tháng 3 năm 2020, những chống đối ngài không còn nữa. Trước đó, có những nhóm linh mục và giáo dân mạnh mẽ phản đối việc bổ nhiệm Ðức cha vì lý do bộ tộc và những lời vu khống khác. Tòa Thánh đã cho mở cuộc điều tra và tái khẳng định việc bổ nhiệm.

Mặt khác, sau nhiều năm trời nội chiến và nhiều tháng chậm trễ, sau khi ký hiệp định hồi năm 2018, chính phủ lâm thời đoàn kết quốc gia Nam Sudan được thành lập hồi giữa tháng Ba vừa qua, tuy rằng tình trạng đất nước vẫn còn bấp bênh với bao nhiêu vấn đề cần giải quyết, như tình trạng một triệu 500 người tản cư nội địa trong đó có gần 200,000 người sống trong các trại do Liên Hiệp Quốc quản lý.

(Fides 28-4-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page