Bauleni Diego Cassinelli,
từ một người thợ làm bánh trở thành
người đứng đầu một tổ chức
phi chính phủ ở châu Phi
Bauleni Diego Cassinelli, từ một người thợ làm bánh trở thành người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ ở châu Phi.
Ngọc Yến
Zambia (Vatican News 29-04-2020) - Bauleni Diego Cassinelli được biết đến là một người Ý, sinh ra và lớn lên ở Milan. Nhưng rồi trong một lần đến Zambia, châu Phi anh cảm thấy yêu thích nơi này và quyết định lập gia đình và cống hiến cuộc đời cho người dân ở đây. Cụ thể, anh đã cùng gia đình thành lập "In&Out of the Ghetto", một tổ chức phi chính phủ, nhằm tạo ra một cộng đoàn gắn kết và hiện nay chống đại dịch một cách hiệu quả.
Anh chia sẻ về cơ duyên đã đưa anh từ một người châu Âu,một người Ý đã để lại tất cả để đến sống tại đại lục này như sau: "Trước khi đến đây tôi sống ở Milan, tôi từng là một người làm bánh ngọt, tôi có việc làm và một cuộc sống ổn định. Tôi có những kỳ nghỉ hè và những lần mua sắm đắt tiền. Milan là một thành phố náo nhiệt, dễ làm cho người ta bị lôi cuốn tiến lên hơn nữa, vượt qua người khác. Một ngày kia, khi thức dậy, tôi tự hỏi: Cuộc sống thực sự chỉ như vậy thôi sao? Và một khúc rẽ cuộc đời bắt đầu từ đây".
Từ lúc đó Diego bước vào một cuộc khủng hoảng, và chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn anh tới châu Phi làm tình nguyện viên. Tại châu Phi, anh gặp các nhà truyền giáo Comboni, và sau nhiều năm phân định và được huấn luyện anh đã quyết định ở lại đây. Hiện nay, sau 15 năm, Diego cùng với gia đình đã thành lập một tổ chức phi chính phủ "In&Out of the Ghetto", qua tổ chức này anh đã mở một nhà hàng trong khu ổ chuột. Nhà hàng có tên gọi "La bottega" một nửa Ý và một nửa Zambia. Ðây là nguồn lực chính để anh mở ra các hoạt động khác cho người nghèo: Một trường mẫu giáo cho 40 trẻ nghèo trong vùng, một phòng khám cho các trường hợp khẩn cấp, các khóa học sân khấu và võ thuật và các khóa âm nhạc. Ngoài ra còn có khóa dạy chuyên ngành khách sạn ngay tại nhà hàng và một nhà nghỉ để các tình nguyện viên khi đến đây có thể trải nghiệm thực tế.
Trong thời gian này, cũng như các nơi khác trên thế giới, vì virus corona các hoạt động của tổ chức phải tạm ngưng. Khi được hỏi anh và các cộng tác viên phải ứng phó thế nào trước tình trạng nguy cấp này, anh trả lời mạnh mẽ: "Ðây không chỉ là vấn đề về không gian, nhưng là sự sống còn: ở nhà có nghĩa là sẽ chết. Người ta không thể làm như thế đối với một khu ổ chuột. Nếu bắt buộc cách ly xã hội, có nghĩa nhiều người sẽ chết. Vì những người phải đi ra ngoài mỗi ngày để đảm bảo sự sống còn cho chính họ và gia đình. Ðối với tôi, nếu phải lựa chọn ở nhà hay đi ra ngoài. Một câu hỏi được đặt ra: chết vì đói hay chết vì virus corona? Tôi nghĩ nếu tôi không có gì ăn, 100% tôi sẽ chết, nếu tôi đi ra ngoài tôi có thể bị nhiễm bệnh, và như thế tôi chọn điều ít xấu hơn. Cần phải thay đổi cái nhìn, phải đặt mình vào vị trí của người khác. Ở Zambia, khả năng kinh tế của dân chúng khác nhau".
"Tôi nghĩ rằng đại dịch thế giới này dạy chúng ta phải dừng lại cảm giác mình là trung tâm của thế giới, và bắt đầu nghĩ chúng ta không phải là những cư dân duy nhất của hành tinh này, theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều liên kết với nhau. Những lời của cha Raniero Cantalamessa trong cử hành phụng vụ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ trì vang lên trong tâm trí tôi: Ðại dịch virus corona đã đột ngột đánh thức chúng ta khỏi mối nguy hiểm lớn hơn mà các cá nhân và nhân loại luôn phải chạy, đó là ảo tưởng về sự toàn năng".
Diego tiếp tục: "Chúng tôi cần các biện pháp sáng tạo khác do cộng đoàn đề xuất. Chúng tôi đã quen với dịch bệnh. Năm ngoái phòng khám của chúng tôi đã trở thành trung tâm của bệnh tả. Chúng tôi đã xử lý nó bằng các biện pháp vệ sinh, và cuối cùng tất cả chúng tôi đã có thể đi ra ngoài làm việc. Trong trường hợp này thì khác, chúng tôi phải tìm ra những cách mới. Việc cách ly khỏi cộng đồng sẽ là cái chết thực sự. Bạn không thể tự cô lập mình. Ngay cả khi nó được chấp nhận về mặt văn hóa, nó cũng không thể thực hiện được".
"Ở đây, ý thức cộng đồng của người dân Bauleni là khái niệm 'Tôi vì mọi người' có nguồn gốc từ các ngôi làng trong quá khứ. Nhưng giờ đây chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn, chúng ta phải giáo dục lại chính mình, trở lại văn hóa của tổ tiên như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói 'Chúng ta phải cùng nhau cứu chúng ta'. Trở về để cảm thấy mình có trách nhiệm với người khác, tôi nghĩ đây là một trong những chìa khóa cơ bản của đại dịch này. Tái khám phá ý nghĩa nhân loại chung, nền tảng của Kitô giáo, không lệ thuộc vào nơi chúng ta hiện diện, nơi chúng ta được sinh ra. Cần phải hướng cái nhìn ra bên ngoài".
Trong số các biện pháp ứng phó với virus, Diego đã biến Trung tâm Xã hội thành một trung tâm thông tin và nhận thức về virus corona. Cụ thể anh tập hợp các nhóm thanh thiếu niên để dạy các em tuân giữ các nguyên tắc phòng ngừa trách lây lan bệnh. Ngoài ra với tất cả khả năng anh chuẩn bị một số đồ bảo hộ cho mọi người.
Khi được hỏi tâm tình cầu nguyện đặc biệt nào anh hướng về Chúa trong thời gian này, anh trả lời: "Chắc chắn lời cầu nguyện của tôi trong thời điểm này dành cho cả thế giới, nhưng có lẽ một chút mạnh mẽ hơn cho châu Phi. Vì như Ðức nguyên Giáo Hoàng Biển Ðức XVI trong một lần viếng thăm đại lục này đã nói 'châu Phi là lá phổi tinh thần của thế giới', vì thế đại lục này không thể ngừng cung cấp oxy tinh thần cho thế giới đương đại. Chúng ta phải hiểu rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với người khác. Không ai có thể tự cứu mình".