Người xây dựng hòa bình đích thực

luôn tìm kiếm sự hòa giải

 

Ðức Thánh cha: Người xây dựng hòa bình đích thực luôn tìm kiếm sự hòa giải.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 15-04-2020) - Lúc 9 giờ 30, sáng thứ Tư, 15 tháng 4 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến thứ sáu, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa, không có tín hữu tham dự, vì nước Ý và nhiều nơi vẫn còn ở trong thời kỳ giới nghiêm vì đại dịch.

Thực vậy, trong một tuần qua, đại dịch tiếp tục lan nhanh trên thế giới. Tính đến chiều ngày 14 tháng 4 năm 2020, số người bị nhiễm coronavirus trên hoàn cầu lên tới 2 triệu người, tức là tăng thêm 570,000 người trong bảy ngày, 127,000 người chết, tăng thêm 45,000 người, nhưng cũng đã có 479,000 người khỏi bệnh.

Cũng như những lần trước đây, hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Giáo hoàng, ngoài Ðức Thánh cha và hai giám chức thuộc Phủ Giáo hoàng, có tám linh mục thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Ðức Thánh cha ra các sinh ngữ chính. Các vị giữ một khoảng cách an toàn đối với nhau để tránh lây nhiễm. Các cơ quan truyền thông Vatican- Vatican News và Vatican Media, cũng đài truyền hình TV2000 của Hội đồng Giám mục Italia trực tiếp truyền đi buổi tiếp kiến.

Trong phần tôn vinh Lời Chúa mở đầu, tám linh mục đã lần lượt đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô (2,14 tt): "Chính Ðức Kitô là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên: Do Thái và dân ngoại thành một; Người đã hy sinh bản thân để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét...".

Liền đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Tám Mối Phúc Thật và ngài diễn giải Mối Phúc thứ bảy, về những người xây dựng hòa bình.

Mở đầu bài huấn giáo, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

"Bài giáo lý hôm nay nói về Mối Phúc thứ bảy, Phúc thật của "những người xây dựng hòa bình", họ được gọi là con cái Thiên Chúa. Tôi vui mừng vì phúc thật này được bàn đến ngay sau lễ Phục sinh, vì hòa bình của Chúa Kitô là kết quả cái chết và sự sống lại của Ngài, như chúng ta nghe trong đoạn thư thánh Phaolô. Ðể hiểu mối phúc này, cần giải thích ý nghĩa của từ "hòa bình", một từ có thể bị hiểu lầm hoặc bị coi thường.

Ý nghĩa từ "hòa bình"

"Chúng ta phải định hướng giữa hai ý tưởng về hòa bình: ý tưởng thứ nhất là ý tưởng Kinh thánh, trong đó có xuất hiện từ "Shalòm", diễn tả sự phong phú, triển nở, an sinh. Trong tiếng Do Thái, khi cầu chúc Shalòm, ta chúc cho tha nhân được một cuộc sống tươi đẹp, sung mãn, thịnh vượng, và một cuộc sống theo chân lý và công lý, sẽ được viên mãn trong Ðức Messia, Ðấng Thiên Sai, là Vua Hòa Bình (Xc Is 9,6; Mic 5,4-5).

"Rồi cũng có một nghĩa khác, thông dụng hơn, qua đó từ "hòa bình" được hiểu như một thứ an bình nội tâm; đây là một ý tưởng tân thời, tâm lý và chủ quan hơn. Người ta thường nghĩ rằng hòa bình là yên hàn, hòa hợp, quân bình nội tâm. Ý nghĩa thứ hai này là bất toàn và không thể được tuyệt đối hóa, vì trong cuộc sống, sự lo âu có thể là một lúc quan trọng để tăng trưởng, trong khi đó có thể xảy ra là sự yên hàn nội tâm tương ứng với một lương tâm đã bị thuần hóa, chứ không đương ứng với một sự cứu thoát tâm linh đích thực. Bao nhiêu lần Chúa đã phải là "dấu chỉ mâu thuẫn" (Xc. Lc 2,34-35), phá vỡ sự an ninh giả tạo của chúng ta, để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Về điểm này chúng ta phải nhớ rằng Chúa hiểu "hòa bình" của Ngài khác với thứ hoà bình phàm nhân, khi Ngài nói: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Không như hòa bình thế gian ban, nhưng là hòa bình Thầy ban cho các con" (Ga 14,27).

Chúa ban hòa bình thế nào?

Ðức Thánh cha nói tiếp: "Chúng ta tự hỏi: làm sao Chúa ban hòa bình cho thế giới? Nếu chúng ta nghĩ đến các cuộc xung đột, thông thường chiến tranh kết thúc bằng hai cách: hoặc với sự thất trận của một trong hai bên, hoặc bằng những hiệp định hòa bình. Chúng ta chỉ có thể mong ước và cầu nguyện để người ta luôn đi vào con đường thứ hai này; nhưng chúng ta cũng phải nhận xét rằng lịch sử là một chuỗi vô tận những hiệp định hòa bình bị bác bỏ bằng những cuộc chiến kế tiếp, hoặc do sự biến hình của cùng những chiến tranh ấy theo một thể thức hoặc tại các nơi khác. Thời nay cũng vậy, một cuộc chiến tranh "từng mảnh" đang diễn ra trong nhiều bối cảnh và trong các thể thức khác nhau. Ít nhất chúng ta phải nghi ngờ rằng trong khuôn khổ một sự hoàn cầu hóa, nhất là vì những lợi lộc kinh tế, từ "hòa bình" của một số người này tương ứng với "chiến tranh" của những người khác. Ðó không phải là hòa bình của Chúa Kitô!

"Vậy, Chúa Giêsu ban hòa bình của Ngài như thế nào? Chúng ta đã nghe thánh Phaolô nói rằng hòa bình của Chúa Kitô là "biến hai bên thành một" (Xc. Ep 2,14), xóa bỏ sự hận thù và hòa giải. Và con đường để thực hiện công trình hòa bình ấy chính là thân mình của Ngài. Thực vậy, Chúa đã hòa giải mọi sự và đặt hòa bình với máu từ thập giá của Ngài, như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu thành Côlôsê (1,20)."

Những người xây dựng hòa bình

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Vậy, ai là những người "xây dựng hòa bình"? Mối phúc thứ bảy là mối phúc tích cực nhất, đòi nỗ lực hoạt động; động từ diễn tả ở đây tương tự với thành ngữ được dùng trong câu thứ nhất của Kinh thánh về sự sáng tạo và chỉ sáng kiến và sự cần cù làm việc. Tình yêu, tự bản chất, có tính chất sáng tạo và tìm kiếm sự hòa giải với bất kỳ giá nào. Ðược gọi là con cái Thiên Chúa, những người đã học nghệ thuật hòa bình và thực thi hòa bình, họ biết rằng không có hòa giải nếu không có sự hiến tặng chính mạng sống của mình, và hòa bình cần phải được luôn luôn tìm kiếm ở mọi nơi. Luôn luôn và khắp nơi! Hòa bình này không phải là một công trình tự lập, kết quả khả năng riêng của mình, nhưng là biểu hiện ơn thánh nhận lãnh từ Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Shalòm chân thực và sự quân bình nội tâm đích thực, nảy sinh từ hòa bình của Chúa Kitô, đến từ Thập giá của Chúa và sinh ra một nhân loại mới, được thể hiện qua đoàn ngũ vô tận các thánh nam nữ, những người có tinh thần sáng tạo, có sáng kiến, họ đã sáng nghĩ ra những con đường luôn luôn mới mẻ để yêu mến. Cuộc sống này như con cái Thiên Chúa, nhờ Máu Chúa Kitô, họ tìm kiếm và tìm lại các anh chị em của mình, đó là hạnh phúc đích thực.

"Một lần nữa, tôi cầu chúc tất cả anh chị em Mùa Phục sinh tốt đẹp, trong an bình của Chúa Kitô!"

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói: "Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi cầu chúc tất cả sống trọn vẹn sứ điệp Phục sinh, trong sự trung thành với phép Rửa tội đã lãnh nhận, để trở thành những chứng nhân vui tươi của Chúa Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta."

"Sau cùng, tôi chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi tân hôn. Anh chị em rất thân mến, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy luôn hướng nhìn Chúa Giêsu, Ðấng đã chiến thắng sự chết và Ngài giúp chúng ta đón nhận những đau khổ và thử thách trong cuộc sống, như cơ hội để được cứu chuộc và cứu độ. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ Maria bảo vệ anh chị em!"

Buổi tiếp kiến của Ðức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và phép lành của ngài cho các tín hữu theo dõi qua các phương tiện truyền thông.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page