Các Giám mục Việt Nam kêu gọi

giúp đỡ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

 

Các Giám mục Việt Nam kêu gọi giúp đỡ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hồng Thủy

Sàigòn (Vatican News 10-04-2020) - Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi các tín hữu Công giáo và mọi thành phần xã hội quảng đại, làm mọi điều có thể để giúp đỡ những người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong thư đề ngày thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng 04 năm 2020 gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam và bạn bè thân hữu gần xa, Ðức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam nhắc lại truyền thống lạc quyên hàng năm vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh để giúp quỹ bác ái của Hội đồng Giám mục, theo gương hy sinh vì tha nhân của Ðức Kitô. Năm nay cuộc lạc quyên được dời đến ngày 13/09, do bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Ðức cha Chủ tịch lưu ý có một nhu cầu khẩn thiết cần được thực hiện, đó là "giúp đỡ những người đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19".

Những thành phần đáng thương

Bên cạnh những tổn thất về sinh mạng, virus corona còn gây ra những tổn thất về kinh tế, xã hội và tôn giáo. Mọi nơi phải đóng cửa, các hoạt động bị đình trệ... Toàn thể nhân loại đã trở thành nạn nhân của loại virus này. Nhưng những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người nghèo. Trong thư Ðức cha Giuse viết: "Thành phần đáng thương hơn cả là những người làm nghề thu nhập thấp như bán hàng rong, vé số, ve chai, tài xế, xe ôm, công nhân... Họ sẽ sống thế nào trong thời gian chờ đợi thấp thỏm, không biết đến khi nào trận 'đại hồng thủy Covid-19' mới trả lại cuộc sống bình yên".

Giải pháp tình thương và các sáng kiến

Ngoài cuộc chiến tiêu diệt virus, còn có cuộc chiến quan trọng là bảo vệ các nạn nhân của đại dịch, mà theo Ðức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, "chỉ có giải pháp tình thương mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh và đem lại niềm hy vọng chiến thắng." Do đó, Ðức cha kêu gọi các tín hữu và mọi thành phần xã hội Việt Nam "hãy làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người đang gặp thử thách gian nan vì trận đại dịch đầy thách đố này." Ðức cha mời gọi hãy liên kết với nhau, với mọi người, không phân biệt thành phần xã hội và tôn giáo, để với các sáng kiến yêu thương, "Việt nam sẽ trở thành một đất nước quê hương của tình nhân ái, nghĩa đồng bào."

 

Thư của Ðức cha Chủ tịch (tại trang web của Hội đồng giám mục Việt Nam - Website HÐGMVN 10/04/2020)

 

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 10/04/2020

Thư Kêu Gọi

Kính Gửi

Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam

Và Bạn Bè Thân Hữu Xa Gần

 

Thưa quý ông bà và anh chị em,

Theo truyền thống đã có từ lâu, hằng năm, giáo hội Công giáo dành ngày thứ sáu Tuần Thánh để lạc quyên cho quỹ bác ái của Hội đồng Giám mục. Qua cái chết của Ngài, Ðức Kitô đã hiến mạng sống cho nhân loại. Theo gương Ngài, những ai yêu mến và tin vào Ngài cũng hy sinh cuộc đời cho tha nhân.

Năm nay, 2020, trong bối cảnh khắp nơi đang phòng chống dịch bệnh Covid-19, cuộc lạc quyên nói trên đã được chuyển vào ngày 13/09/2020. Nhưng trước mắt, chúng ta có một món nợ phải thanh toán tức khắc: đỡ đần những ai đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ðại dịch này đã đạt đến đỉnh điểm bùng phát và lây lan. Nhanh như chớp, nó đi khắp nơi trên thế giới mà không cần hộ chiếu, xâm nhập bất cứ thành phần nào, từ lãnh đạo, nguyên thủ, y bác sỹ, khách du lịch, cho đến chức sắc, tu sỹ, sinh viên, học sinh, doanh nhân, công nhân và nông dân# Toàn thể nhân loại đã trở thành nạn nhân của loại virus hung dữ này: hàng vạn người tử vong, hàng triệu người bị lây nhiễm, hàng tỉ người, thậm chí quá nửa nhân loại bị cô lập. Mặc dù đâu đâu cũng khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến và vận dụng các loại cơ sở làm trung tâm cách ly, nhưng tất cả đều lâm vào tình trạng quá tải. Y bác sỹ, nhân viên y tế nhiều nơi chết vì kiệt lực do số bệnh nhân quá đông.

Hậu quả là hoạt động sản xuất, kinh doanh, hãng xưởng, công ty, ngân hàng, vận chuyển# hết thảy đều bị ngưng trệ hoặc tê liệt. Trường học, cơ sở đào tạo, khu giải trí, sinh hoạt tôn giáo, hàng quán#phải đóng cửa, hạn chế hoặc đình chỉ. Hàng triệu người mất công ăn việc làm, chìm đắm trong lo âu, sợ hãi. Thành phần đáng thương hơn cả là những người làm nghề thu nhập thấp như bán hàng rong, vé số, ve chai, tài xế, xe ôm, công nhân# Họ sẽ sống thế nào trong thời gian chờ đợi thấp thỏm, không biết đến khi nào trận "đại hồng thuỷ Covid-19" mới trả lại cuộc sống bình yên.

May một điều là trong cơn hoạn nạn thử thách, con người vẫn còn nghĩ đến nhau. Khắp nơi trên thế giới và tại Việt nam, mọi thành phần xã hội đều đã vào cuộc để cứu nạn. Toàn bộ hệ thống chính trị, các tôn giáo, các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ đã hết lòng tận tuỵ chia sẻ sự mất mát đau thương của những người đang gian nan khốn khó.

Nhưng "chiếu đâu mà trải cho hết". Kể cả những siêu cường kinh tế cũng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu mênh mông như đại dương. Chúng ta tri ân các nhà khoa học, y bác sỹ, các nhà lãnh đạo, các vị ân nhân và tất cả những ai, dưới muôn ngàn phương cách khác nhau, đã tham dự cuộc chiến chống Covid-19 một cách anh dũng từ khi nó khởi phát từ Vũ Hán. Nhưng cuộc chiến đó không chỉ là cuộc chiến tiêu diệt Covid-19. Cuộc chiến sinh mệnh còn rộng lớn hơn, đó là chiến lược bảo vệ các nạn nhân của đại dịch Covid-19. Chỉ có giải pháp tình thương mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh và mới đem lại niềm hy vọng chiến thắng.

Trong tinh thần đó, tôi kêu gọi tất cả tín hữu Công giáo Việt Nam, tôi cũng ước mong mọi thành phần xã hội Việt Nam, hãy làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người đang gặp thử thách gian nan vì trận đại dịch đầy thách đố này. Gần chỗ bạn, bao nhiêu người khốn khổ đang chờ. Hãy bắt chước người hảo tâm ở Sài Gòn dựng "cây ATM" phát 1.5 ký gạo miễn phí 24/24 giờ cho bất kỳ ai (nguồn: https://vnexpress.net/cay-atm-gao-cho-nguoi-ngheo-4081050.html).

Hãy làm như anh Nguyễn Phan Huy Khôi ở Hà Nội, gói sẵn quà để trước nhà với thông điệp khiêm tốn "nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác" (nguồn: https://haiquanonline.com.vn/nguoi-ha-noi-giup-nhau-vuot-qua-covid-19-124073.html).

Mỗi người một sáng kiến như thế, Việt nam sẽ trở thành một đất nước quê hương của tình nhân ái, nghĩa đồng bào. Hãy liên kết với nhau, với tôn giáo, với tổ chức từ thiện, với bạn hữu, với mọi người không phân biệt phương vị. Hãy đến với bất kỳ ai không phân biệt thành phần xã hội hay niềm tin tôn giáo.

"Không ai có thể cho cái mình không có". May mắn là cũng "không ai nghèo đến độ không có gì để cho". Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, tha nhân là chính Chúa: Mỗi lần các bạn làm như thế cho một trong những người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các bạn đã làm cho chính Ta vậy (x. Mt. 25,40).

Tôi cầu chúc người Công giáo tìm thấy niềm vui và sự bình an trong Tam Nhật Thánh và mùa Phục Sinh qua việc dấn thân phục vụ người nghèo. Tôi cầu chúc mọi người thành công trong chiến dịch biến đại dịch thành mùa xuân yêu thương.

Kính chào thân ái và đoàn kết.

TM. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

(Ðã ký)

+ Giuse Nguyễn Chí Linh

Tổng Giám mục TGP. Huế

Chủ tịch

(Nguồn: Văn phòng HÐGMVN)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page