Trong những ngày này,

chúng ta hãy suy niệm về Thánh giá

 

Ðức Thánh cha: Trong những ngày này, chúng ta hãy suy niệm về Thánh giá.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 08-04-2020) - Lúc 9 giờ 30 sáng ngày 08 tháng 4 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến trực tuyến thứ năm, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa.

Hôm 08 tháng 4 năm 2020 là kỷ niệm đúng một tháng chính phủ Italia ban hành lệnh cách ly toàn quốc vì đại dịch Covid-19. Tính đến chiều ngày 07 tháng 4 năm 2020, đã có hơn một triệu 430 ngàn người bị nhiễm coronavirus trên thế giới, đứng đầu là nước Mỹ, hơn 82,000 người chết, nhưng cũng có hơn 303,000 người được khỏi bệnh. Ðại dịch tiếp tục gia tăng nhanh trên hoàn cầu.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Giáo hoàng, ngoài Ðức Thánh cha và hai giám chức thuộc Phủ Giáo hoàng, có tám linh mục thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Ðức Thánh cha ra các sinh ngữ chính. Các vị giữ một khoảng cách an toàn đối với nhau để tránh lây nhiễm. Và như thường lệ, các cơ quan truyền thông Vatican Vatican News và Vatican Media, cũng đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng Giám mục Italia trực tiếp truyền đi.

Trong phần tôn vinh Lời Chúa đầu buổi tiếp kiến, tám linh mục đã đọc một đoạn ngắn, trích từ đoạn 15 trong Tin mừng theo thánh Marco (15,34-39), thuật lại cuộc sinh thì của Chúa Giêsu trên thập giá. Sau khi Chúa Giêsu kêu lớn tiếng và tắt thở, bức màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới và viên đại đội trưởng La Mã, đứng đối diện với Chúa Giêsu, thấy Ngài tắt thở như vậy, liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa".

Bài giáo lý của Ðức Thánh cha

Mở đầu bài huấn giáo, Ðức Thánh cha nói:

"Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những tuần lễ lo sợ vì đại dịch này đang làm cho thế giới đau khổ, trong số bao nhiêu vấn nạn chúng ta tự hỏi, cũng có thể có những thắc mắc về Thiên Chúa: Chúa làm gì trước đau khổ của chúng ta? Chúa ở đâu khi mọi sự bất ổn như vậy? Tại sao Ngài không mau lẹ giải quyết các vấn đề?"

"Trình thuật về cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu trong những ngày thánh này thật hữu ích cho chúng ta. Thực vậy, cả trong trình thuật ấy cũng cô đọng bao nhiêu vấn nạn. Sau khi đón tiếp Chúa Giêsu hiển vinh vào thành Jerusalem, dân chúng tự hỏi không biết Chúa có giải thoát dân khỏi những kẻ thù hay không (Xc Lc 24,21). Họ mong đợi một Ðức Messia thiên sai quyền năng và chiến thắng bằng gươm giáo. Nhưng nay lại đến đây một vị hiền lành và khiêm nhường trong lòng, kêu gọi hoán cải và từ bi thương xót. Và cũng chính đám đông dân chúng đã tung hô Chúa trước đó, nay hô lớn: "Ðóng đanh nó vào thập giá!" (Mt 27,23). Những người theo Chúa, hoang mang và kinh hãi, bỏ rơi Ngài. Họ nghĩ: nếu số phận của Ðức Giêsu là như vậy, thì Người không phải là Ðức Messia thiên sai, vì Thiên Chúa là Ðấng hùng mạnh và vô địch."

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Nhưng nếu chúng ta đọc tiếp trình thuật về cuộc Khổ nạn, chúng ta thấy một sự kiện gây ngạc nhiên. Khi Chúa Giêsu chết, viên đại đội trưởng La Mã, không phải là tín hữu, không phải là Do thái, nhưng là một người ngoại, ông đã thấy Chúa chịu đau khổ trên thập giá, và đã nghe thấy Ngài tha thứ cho tất cả mọi người, ông đã chạm đến tận tay tình thương vô biên của Ngài, nên thốt lên: "Quả thực, người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39). Ông nói ngược với những người khác. Ông nói rằng tại đó thực sự có Thiên Chúa."

Thiên Chúa là ai?

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Ngày nay, chúng ta tự hỏi: Ðâu là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa? Thường thường, chúng ta phóng dội nơi Ngài điều phản ánh thực chất của chúng ta, phóng dội tối đa: thành công của chúng ta, cảm thức công lý của chúng ta và cả sự phẫn nộ của chúng ta. Nhưng Tin mừng nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa không như thế. Ngài khác và chúng ta không thể nhận biết Ngài với sức lực của chúng ta. Vì thế, Ngài trở nên gần gũi. Chúa đến gặp chúng ta và chính vào lễ Vượt Qua, Chúa tự biểu lộ hoàn toàn. Biểu lộ ở đâu? Thưa, ở trên thập giá. Tại đó, chúng ta học được những nét trên khuôn mặt của Thiên Chúa. Vì thập giá là ngai tòa của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đứng im lặng nhìn Ðấng Chịu Ðóng Ðinh và xem ai là Chúa chúng ta: là Ðấng không chỉ tay chống lại ai, nhưng mở rộng vòng tay đón nhận tất cả mọi người; Ngài không đè bẹp chúng ta bằng vinh quang của Ngài, nhưng để cho mình bị lột áo vì chúng ta; Ngài không yêu thương chúng ta bằng lời nói, nhưng âm thầm hiến mạng sống vì chúng ta; Chúa không cưỡng bách chúng ta, nhưng giải thoát chúng ta; Ngài không đối xử với chúng ta như người xa lạ, nhưng gánh lấy sự ác, mang lấy tội lỗi của chúng ta. Ðể được giải thoát khỏi những thành kiến về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn Ðấng Chịu Ðóng Ðinh. Và rồi chúng ta hãy mở sách Tin mừng. Trong những ngày này, tất cả bị cách ly trong nhà, chúng ta hãy cầm lấy Thánh giá, và mở sách Tin mừng, như thể đây là phụng vụ lớn tại gia."

Chúa Giêsu tránh quan niệm sai về Ngài

"Trong Tin mừng, chúng ta đọc thấy rằng khi dân chúng đến gặp Chúa Giêsu để tôn Ngài làm vua, ví dụ sau khi Ngài làm phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa lánh đi nơi khác (Xc Ga 6,15). Và khi ma quỷ muốn tiết lộ Ngài là Thiên Chúa, Ngài buộc chúng im tiếng (Xc Mc 1,24-25). Tại sao? Thưa, vì Chúa Giêsu không muốn bị hiểu lầm; Ngài không muốn dân chúng lẫn lộn Thiên Chúa thật, là tình thương khiêm tốn, với một vị thần giả, một thần minh trần trục biểu dương và áp đặt bằng võ lực. Vậy khi nào trong Tin mừng căn tính của Chúa Giêsu được long trọng công bố? Thưa, khi viên đại đội trưởng La Mã nói: "Quả thực, người này là Con Thiên Chúa". Câu ấy được nói lên, vừa sau khi Chúa hiến mạng trên thập giá, vì ta không thể lầm lẫn được nữa: chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Ðấng toàn năng trong tình thương, chứ không bằng phương thế khác. Ðó là bản tính của Ngài, Ngài như thế. Ngài là Tình Thương."

Ảnh hưởng đối với chúng ta

"Có thể có người vặn lại: "Tôi làm gì với một Thiên Chúa yếu nhược như thế? Tôi thích một vị thần mạnh mẽ và quyền năng!". Nhưng quyền lực của trần thế này qua đi, trong khi tình yêu tồn tại. Chỉ có tình yêu bảo tồn sự sống của chúng ta, vì ôm lấy những giòn mỏng yếu đuối của chúng ta và biến đổi chúng. Ðó là tình thương của Thiên Chúa, trong cuộc Vượt Qua, chữa lành tội lỗi chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài, làm cho chúng ta đi từ sự chết tiến sang cuộc sống, tình thương ấy đã biến đổi sự sợ hãi của chúng ta thành tin tưởng, biến lo âu của chúng ta thành hy vọng. Lễ Phục sinh - hay Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu - nói với chúng ta rằng Thiên Chúa có thể biến tất cả thành điều tốt lành. Phục sinh cũng nói rằng, cùng với Chúa, chúng ta thực sự có thể tín thác mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Chính vì thế, sáng ngày Phục sinh, chúng ta được dặn dò: "Các con đừng sợ!" (Xc. Mt 28,5). Và những câu hỏi lo âu về sự ác không đột nhiên biến tan, nhưng tìm được nơi Ðấng Phục Sinh nền tảng vững chắc giúp chúng ta không bị chìm đắm."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng:

"Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã biến đổi lịch sử, bằng cách trở nên gần gũi chúng ta và biến nó thành lịch sử cứu độ, dù nó vẫn còn dấu tích của sự ác. Khi hiến mạng sống trên thập giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả sự chết. Từ con tim mở toang của Ðấng Chịu Ðóng Ðanh, tình thương của Thiên Chúa đi tới mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi lịch sử của mình bằng cách tiến lại gần Chúa, đón nhận ơn cứu độ Chúa ban. Chúng ta hãy cởi mở tâm hồn cho Chúa trong kinh nguyện. Hãy để Chúa nhìn chúng ta và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng ta không lẻ loi cô độc, nhưng được yêu thương, vì Chúa không bỏ rơi chúng ta, và không bao giờ quên chúng ta."

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha, qua các sinh ngữ khác nhau.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói: "Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi đặc biệt nghĩ đến những nhóm, lẽ ra có mặt tại buổi tiếp kiến ngày hôm nay, trong đó có các sinh viên đại học thuộc nhiều quốc gia đang tham dự qua Internet cuộc gặp gỡ Univ 2020. Các sinh viên thân mến, tôi cầu mong rằng Tuần thánh này là một cơ hội Chúa Quan Phòng ban, để tất cả các bạn củng cố tương quan bản thân với Chúa Giêsu và niềm tin của các bạn nơi Chúa đã chịu đóng đanh và sống lại."

Trong Tuần thánh hằng năm, Giám hạt tòng nhân Opus Dei vẫn tổ chức đại hội các sinh viên, với sự tham dự trung bình từ bốn đến năm ngàn người, đến từ nhiều quốc gia, nhưng năm nay, vì đại dịch Covid-19, đại hội này không tiến hành được.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Tôi chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi tân hôn. Ước gì cuộc Khổ nạn của Chúa, đạt tới tột định trong chiến thắng vinh hiển của lễ Phục sinh, là nguồn mạch hy vọng và an ủi cho mỗi người trong anh chị em trong thời điểm thử thách này. Tôi thân ái ban phép lành cho tất cả anh chị em."

Buổi tiếp kiến của Ðức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và phép lành của ngài cho các tín hữu theo dõi qua các phương tiện truyền thông.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page