Bài giảng của Ðức Thánh Cha
trong Chúa Nhật Lễ Lá 05/04/2020
Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Chúa Nhật Lễ Lá 05/04/2020.
J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 05-04-2020) - Lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 5 tháng Tư năm 2020, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.
Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này không giống như bất cứ ngày lễ nào trong những ngày Chúa Nhật Lễ Lá mà chúng ta đã trải qua trong đời. Tại Vatican cũng vậy, thay cho những đám đông dân chúng đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, quý vị và anh chị em đang thấy Ðức Thánh Cha cử hành thánh lễ một cách lặng lẽ với các cộng sự viên gần gũi với ngài tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Ðó là một bàn thờ nhỏ nơi đã từng xảy ra nghi thức tưởng niệm Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Ðọc do Ðức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự.
Trong khoảnh khắc khi những nghi ngờ và sợ hãi tràn ngập trái tim chúng ta, điều quan trọng là chúng ta hướng mắt lên cầu nguyện cùng Chúa. Kinh Thánh không bỏ qua kinh nghiệm của con người về sự sợ hãi. Ðức Thánh Cha lưu ý rằng Ápraham, Giacóp, Môise, Thánh Phêrô, các Tông Ðồ khác và cả chính Chúa Giêsu đã từng trải qua những nỗi sợ hãi và đau đớn.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng cụm từ "Ðừng sợ" được lặp lại đến 365 lần trong Kinh Thánh, "như thể nói với chúng ta rằng Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi, mỗi ngày trong năm".
Dù chỉ có vài người, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem
Mở đầu bài giảng, Ðức Thánh Cha nói:
Chúa Giêsu "hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ" (Phil 2: 7). Chúng ta hãy để những lời này của Tông đồ Phaolô dẫn chúng ta vào những ngày thánh thiêng này, như một điệp khúc mô tả Chúa Giêsu như một người tôi tớ: vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Ngài được mô tả là người tôi tớ rửa chân cho các môn đệ; vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài được giới thiệu là người đầy tớ đau khổ và chiến thắng (x. Is 52:13); và ngày mai chúng ta sẽ nghe lời tiên tri Isaia nói về Ngài rằng: "Ðây là người tôi trung Ta nâng đỡ" (Is 42: 1). Chúa đã cứu chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những người phục vụ Chúa. Không, chính Ngài là người tự do lựa chọn phục vụ chúng ta, vì Chúa yêu mến chúng ta trước. Thật khó để yêu mà không được yêu lại. Và còn khó hơn để phục vụ nếu chúng ta không để cho Chúa phục vụ mình.
Nhưng Chúa đã phục vụ chúng ta như thế nào? Thưa: bằng cách hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta. Chúng ta rất quý giá đối với Chúa; Chúa phải trả giá đắt vì chúng ta. Thánh Angela Foligno cho biết thánh nữ từng nghe Chúa Giêsu nói: "Tình yêu Ta dành cho con không phải là trò đùa". Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta đã khiến Ngài hy sinh bản thân và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Ðiều này làm chúng ta ngạc nhiên: Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng cách tự mình gánh chịu mọi hình phạt vì tội lỗi của chúng ta. Không phàn nàn, nhưng với sự khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng lời của một người tôi tớ, và hoàn toàn là vì yêu. Và Chúa Cha đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong sự phục vụ của Ngài. Ngài không lấy đi cái ác đã nghiền nát Chúa Giêsu, nhưng củng cố Chúa Giêsu trong đau khổ để cái ác của chúng ta có thể được vượt qua bởi sự thiện, bởi một tình yêu cho đến tận cùng.
Chúa phục vụ chúng ta đến mức trải qua những tình huống đau đớn nhất của những người yêu thương: đó là bị phản bội và bỏ rơi.
Phản bội. Chúa Giêsu đã chịu sự phản bội bởi người môn đệ đã bán Ngài và người môn đệ khác đã chối Ngài. Chúa bị phản bội bởi những người hát Hosanna với Ngài và sau đó hét lên: "Ðóng đinh hắn đi!" (Mt 27:22). Ngài đã bị phản bội bởi tổ chức tôn giáo đã lên án Ngài một cách bất công và bởi thể chế chính trị đã rửa tay đối với Ngài. Chúng ta có thể nghĩ về tất cả những sự phản bội lớn nhỏ mà chúng ta phải chịu trong cuộc sống. Thật là khủng khiếp khi phát hiện ra rằng một niềm tin được đặt vững chắc đã bị phản bội. Từ sâu thẳm trong tim chúng ta một nỗi thất vọng dâng lên thậm chí có thể khiến cuộc sống dường như vô nghĩa. Ðiều này xảy ra bởi vì chúng ta được sinh ra để yêu và được yêu, và điều đau khổ nhất là bị phản bội bởi một người hứa sẽ trung thành và gần gũi với chúng ta. Chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được Thiên Chúa, Ðấng là tình yêu, đã đau đớn như thế nào.
Chúng ta hãy nhìn vào nội tâm mình. Nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ thấy những bất trung của mình. Bao nhiêu những giả dối, giả hình và những trò ăn ở hai lòng! Bao nhiêu những ý tốt lành bị phản bội! Bao nhiêu những thất hứa! Bao nhiêu những quyết tâm dở dang! Chúa biết lòng chúng ta hơn cả chúng ta. Ngài biết chúng ta yếu đuối và nửa vời như thế nào, chúng ta ngã bao nhiêu lần, khó khăn như thế nào để chúng ta đứng dậy và cam go ra sao để chữa lành một vết thương nhất định. Và Ngài đã làm gì để đến giúp chúng ta và phục vụ chúng ta? Ngài nói với chúng ta qua lời Tiên Tri: "Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình" (Hos 14: 5). Ngài đã chữa lành chúng ta bằng cách gánh lấy sự bất trung của chúng ta và bằng cách lấy đi từ chúng ta sự phản bội. Thay vì chán nản vì sợ thất bại, giờ đây chúng ta có thể nhìn vào cây thánh giá, cảm nhận cái ôm của Ngài và nói: "Này đây là sự bất trung của con, Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gánh lấy lên mình Chúa. Chúa mở rộng vòng tay của Chúa ra với con, Chúa phục vụ con với tình yêu của Chúa, Chúa tiếp tục nâng đỡ con... Và vì thế con sẽ tiếp tục tiến bước".
Bỏ rơi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thốt lên từ trên Thập Giá, một điều này riêng một mình: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27:46). Ðây là những từ mạnh mẽ. Chính Chúa Giêsu đã phải chịu sự bỏ rơi của các môn đệ, những người đã chạy trốn. Nhưng Chúa Cha vẫn ở bên Ngài. Bây giờ, trong vực thẳm của sự cô đơn, lần đầu tiên Chúa Giêsu gọi Chúa Cha bằng danh xưng chung "Thiên Chúa". Và "lớn tiếng", Ngài hỏi câu hỏi đớn đau nhất "tại sao": "Sao Ngài lại bỏ rơi con?". Những lời này thực ra là những lời trong một Thánh Vịnh (x 22: 2); những lời ấy nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu cũng mang kinh nghiệm về sự cô đơn tột cùng vào lời cầu nguyện của Ngài. Nhưng sự thật vẫn là chính Người đã trải qua sự cô độc đó: Người đã trải qua sự ruồng bỏ tận cùng, mà các Tin Mừng đã làm chứng bằng cách trích dẫn chính những lời của Người: Eli, Eli, lama sabachthani?
Tại sao tất cả điều này diễn ra? Một lần nữa, những điều ấy đã được thực hiện vì thiện ích của chúng ta, để phục vụ chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta bị dồn vào chân tường, khi chúng ta thấy mình ở một con đường cùng, không có ánh sáng và không lối thoát, khi dường như chính Chúa không đáp lại, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không cô đơn. Chúa Giêsu đã từng trải qua tình trạng bị ruồng bỏ hoàn toàn trong một tình huống mà trước đây Người chưa từng trải qua để nên một với chúng ta trong mọi thứ. Chúa đã làm điều đó vì tôi, vì anh chị em, để nói với chúng ta rằng: "Ðừng sợ, con không cô đơn đâu. Thầy đã trải qua tất cả sự cô độc của con để có thể gần gũi con hơn bao giờ. Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta đến mức đó: Người rơi xuống vực thẳm của những khổ đau cay đắng nhất của chúng ta, đến tận đỉnh điểm của sự phản bội và bị ruồng bỏ. Hôm nay, trong thảm kịch của một đại dịch, trước nhiều thứ an ninh giả tạo đã sụp đổ, trước cơ man những hy vọng bị phản bội, trong cảm thức bị bỏ rơi đang đè nặng lên trái tim chúng ta, Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta: "Hãy can đảm, mở cửa trái tim của con cho tình yêu của Thầy. Con sẽ cảm nhận được sự an ủi của Thiên Chúa, Ðấng nâng đỡ con."
Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì khi so sánh với Chúa, Ðấng đã phục vụ chúng ta thậm chí đến mức bị phản bội và bỏ rơi? Chúng ta có thể từ nay đừng phản bội Người, vì chúng ta được tạo dựng cho Người; và đừng từ bỏ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được đưa vào thế giới này để yêu Chúa và những người lân cận của chúng ta. Mọi thứ khác sẽ qua đi, chỉ còn lại điều này. Bi kịch chúng ta đang trải qua hiệu triệu chúng ta đánh giá nghiêm chỉnh những gì là quan yếu, và không bị cuốn vào những điều tầm thường; nó mời gọi chúng ta tái khám phá rằng cuộc sống chẳng có ích gì nếu không được dùng để phục vụ người khác. Vì cuộc sống được đo lường bằng tình yêu. Vì vậy, trong những ngày thánh thiêng này, trong nhà của chúng ta, chúng ta hãy đứng trước Ðấng bị đóng đinh, là thước đo đầy đủ nhất về tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, và trước mặt Chúa, là Ðấng phục vụ chúng ta đến độ thí mạng mình vì chúng ta, và chúng ta hãy xin ân sủng sống để phục vụ. Xin cho chúng ta có thể vươn ra với những người đang đau khổ và những người cần giúp đỡ nhất. Cầu xin cho chúng ta đừng quan tâm đến những gì chúng ta thiếu, nhưng lo lắng về những việc lành phúc đức chúng ta có thể làm cho những người khác.
Này là tôi trung Ta, người mà Ta nâng đỡ. Chúa Cha, Ðấng đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài cũng nâng đỡ chúng ta trong nỗ lực phục vụ. Yêu thương, cầu nguyện, tha thứ, chăm sóc người khác, trong gia đình và ngoài xã hội: tất cả những điều này chắc chắn có thể khó khăn. Ðiều đó có thể được cảm nhận như đàng thánh giá. Nhưng con đường phục vụ là con đường chiến thắng và là con đường trao ban sự sống mà qua đó chúng ta đã được cứu độ. Tôi muốn nói điều này đặc biệt với những người trẻ tuổi, vào Ngày này là ngày đã được dành riêng cho họ trong suốt ba mươi lăm năm qua. Các bạn thân mến, hãy nhìn vào những anh hùng thực sự được đưa ra ánh sáng trong những ngày này: họ không phải là những người nổi tiếng, giàu có và thành đạt; trái lại, họ là những người đang cống hiến hết mình để phục vụ người khác. Hãy cảm thấy chính mình được gọi để đứng trên tuyến đầu. Ðừng ngại cống hiến cuộc đời của bạn cho Chúa và cho người khác; nó đáng giá! Vì cuộc sống là một ân sủng chúng ta chỉ nhận được khi chúng ta cho đi, và niềm vui sâu sắc nhất của chúng ta đến từ việc nói vâng với tình yêu, không có nhưng nhị gì cả. Như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta.
Lời nguyện giáo dân
Trong phần lời nguyện giáo dân, Ðức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu, là Chúa vinh quang và cũng là người tôi tớ đau khổ, chúng ta hãy vững dạ thành tâm dâng lên Chúa lời cầu xin của chúng ta với Chúa, Ðấng là Cha nhân hậu và quan phòng của chúng ta.
1. Lạy Chúa là Cha toàn năng xin tuôn đổ ơn khôn ngoan trên Ðức Thánh Cha và các Ðức Giám Mục của chúng con để các ngài can đảm rao giảng sự điên rồ của thập tự giá. Trong số những lo lắng về thế giới này, xin cho các ngài hăng say loan báo cho mọi người biết Chúa Giêsu, là con chiên bất tử, là Ðấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và cái chết.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
2. Lạy Cha xin hãy nhìn với lòng từ ái trên những người cai trị các dân nước và tất cả các dân tộc trên trái đất. Trong giờ thử thách này, xin cho họ được trải nghiệm sức mạnh tình yêu của Chúa, Ðấng giải thoát con người khỏi sự xấu xa và mọi nghịch cảnh.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
3. Lạy Chúa là Cha từ nhân xin cho ân sủng Cha chạm đến trái tim của những người tội lỗi và những người không tin, để họ có thể khám phá trong máu Chúa Giêsu, tuôn ra trên thập tự giá, ơn thanh tẩy thực sự đang mở ra cho nhân loại cuộc sống và hy vọng.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
4. Lạy Chúa là Cha toàn năng xin cho lời mời gọi đầy ủi an của Cha vang lên trong tâm hồn những người trẻ để họ tìm được sức mạnh để đứng dậy và sống trong sự hân hoan vâng phục theo thánh ý Cha.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
5. Lạy Chúa là Cha từ nhân xin nâng đỡ và ban sức mạnh cho những Kitô hữu bị sỉ nhục và bắt bớ vì danh Cha để họ không chùn bước trước các gian truân và bách hại.
Xin Chúa nhậm lời chúng con
Ðức Thánh Cha đã kết thúc các lời nguyện với lời cầu sau đây:
Lạy Cha, xin đoái thương lắng nghe những lời cầu nguyện nghèo nàn của chúng con và nhận ra trong đó tiếng kêu của Chúa Giêsu, Ðấng đã hiến mạng sống cho tình yêu và cho sự cứu rỗi của chúng con. Người là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
(Source: Libreria Editrice Vaticana HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS St Peter's Basilica 35th World Youth Day Sunday, 5 April 2020)