Chúa Kitô là nguồn mạch nước hằng sống

 

Ðức Thánh cha: Chúa Kitô là nguồn mạch nước hằng sống.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 15-03-2020) - Trưa Chúa nhật, 15 tháng 3 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin trực tuyến lần thứ hai, không có các tín hữu tham dự trực tiếp. Tình hình dịch Corona, hay cũng gọi là Covid-19 trở nên trầm trọng hơn trên thế giới, và tổ chức sức khỏe OMS coi là nạn dịch hoàn cầu, nên Quảng trường thánh Phêrô bị đóng hẳn, không có các tín hữu tham dự tại đó qua hai màn hình khổng lồ như Chúa nhật tuần trước, ngày 8/3, và những ai muốn tham dự, hiệp ý với Ðức Thánh cha, đều qua các phương tiện truyền thông.

Ðức Thánh cha chủ sự buổi đọc kinh tại Thư viện ở lầu 3 dinh Giáo hoàng với một số cộng sự viên.

Mở đầu, Ðức Thánh cha nhắc đến thánh lễ Ðức Tổng Giám mục Mario Delpini của Giáo phận Milano cử hành Chúa nhật này, cho các nhân viên y tế của Milano và ngài cũng nhắc đến hình ảnh Ðức Tổng Giám mục Delpini cầu nguyện một mình, trên nóc Nhà thờ Chính tòa trước ảnh Ðức Mẹ trên một ngọn tháp, cho các bệnh nhân. Ðức Thánh cha nhiệt liệt cám ơn các linh mục, đã nghĩ ra nhiều cách để nâng đỡ tinh thần của đoàn dân Chúa trong nạn dịch hoàn cầu hiện nay.

Miền Lombardi, bắc Italia, là nơi bị dịch nặng nhất nước: hôm 14 tháng 3 năm 2020, số người bệnh tăng thêm 18.6% so với hôm trước đó, tức là thêm gần 2,800 người, và số người chết là 76 người, so với 146 người hôm trước đó. Tổng số người dịch tại miền Lombardi gần 10,000, chiếm 1 nửa tổng số người bị dịch ở Italia.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng Chúa nhật thứ III Mùa chay, thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria.

Ðức Thánh cha nói:

"Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ðoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thứ III Mùa chay, kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một phụ nữ xứ Samaria (Xc Ga 4,5-42). Chúa đang đi với các môn đệ và dừng lại gần một giếng nước ở miền Samaria. Người dân xứ Samaria, vốn bị người Do thái coi là những người lạc giáo và rất khinh rẻ. Chúa Giêsu mệt và khát. Có một phụ nữ đến kín nước và Chúa nói với bà ấy: "Xin cho tôi uống" (v.7). Thế là, vượt qua mọi hàng rào, Chúa bắt đầu cuộc đối thoại, qua đó Ngài tỏ lộ cho phụ nữ ấy 'mầu nhiệm nước hằng sống', nghĩa là mầu nhiệm Thánh Linh, hồng ân của Thiên Chúa. Thực vậy, trước phản ứng ngạc nhiên của phụ nữ ấy, Chúa Giêsu đáp: "Giả sử bà biết hồng ân của Thiên Chúa và ai là người nói với bà: "Xin hãy cho tôi uống!", thì bà sẽ xin người ấy và người sẽ cho bà nước hằng sống" (v.10).

Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Nơi trọng tâm cuộc đối thoại này là nước. Một đàng, nước như một yếu tố thiết yếu, thỏa mãn cơn khát của thân thể và nâng đỡ sự sống. Ðàng khác, nước như biểu tượng ơn thánh của Chúa, ban sự sống đời đời. Trong truyền thống Kinh thánh, Thiên Chúa là nguồn mạch nước hằng sống: vì thế xa lìa Chúa và Luật của Ngài sẽ dẫn tới sự khô cằn tệ hại. Ðó là kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc. Trên con đường tiến về tự do, dân Chúa khát nước, phản đối chống Môisê và chống Thiên Chúa vì không có nước. Bấy giờ, tuân theo ý của Thiên Chúa, Môisê làm cho nước chảy ra từ một tảng đá, như dấu hiệu sự quan phòng của Thiên Chúa đối với dân của Ngài và ban cho họ sự sống (Xc Xh 17,1-7).

Giải thích của thánh Phaolô

Và thánh Phaolô Tông đồ giải thích, tảng đá đó như biểu tượng Chúa Kitô, đúng hơn, như một hình ảnh huyền nhiệm về sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài đang lữ hành (Xc. 1 Cr 10,4). Thực vậy, theo thị kiến của các ngôn sứ, Chúa Kitô là Ðền Thờ, từ đó nảy sinh Thánh Linh, Ðấng thanh tẩy và ban sự sống. Ai khao khát ơn cứu độ thì có thể kín múc nhưng không nơi Chúa Giêsu và, nơi họ, Thánh Linh sẽ trở thành một nguồn sống sung mãn và vĩnh cửu. Lời hứa nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria trở thành thực tại trong cuộc phục sinh của Ngài: từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Ngài có "máu và nước chảy ra" (Ga 19,34). Chúa Kitô, Chiên bị sát tế và sống lại, chính là nguồn mạch từ đó nảy sinh Thánh Linh, Ðấng tha thứ tội lỗi và tái sinh vào một đời sống mới.

Làm chứng nhân đáp lại hồng ân

Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Hồng ân này cũng là nguồn mạch việc làm chứng tá. Như phụ nữ xứ Samaria, hễ ai đích thân được gặp Chúa Giêsu hằng sống thì cũng cảm thấy cần kể lại điều ấy với những người khác, để tất cả được tuyên xưng rằng Chúa Giêsu "thực là Ðấng Cứu Ðộ trần gian" (Gv 4,42), như những người đồng hương của người phụ nữ ấy đã nói. Cả chúng ta, sau khi được sinh vào một cuộc sống mới nhờ Phép rửa, chúng ta cũng được kêu gọi làm chứng về sự sống và niềm hy vọng nơi chúng ta. Nếu cuộc tìm kiếm và khao khát của chúng ta được hoàn toàn thỏa mãn nơi Chúa Kitô, thì chúng ta hãy tỏ cho thấy rằng ơn cứu độ không hệ tại nơi "những sự vật" trần thế này, nhưng ở nơi Ðấng đã và mãi mãi yêu thương chúng ta: đó là Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Xin Mẹ Maria cực thánh giúp chúng con vun trồng ước muốn Chúa Kitô, là nguồn nước hằng sống, là Ðấng duy nhất có thể thỏa mãn lòng khao khát sự sống và tình thương trong tâm hồn chúng con".

Nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Anh chị em thân mến, trong những ngày này Quảng trường thánh Phêrô bị đóng, vì thế tôi trực tiếp gửi lời chào đến anh chị em được nối qua các phương tiện truyền thông."

"Trong tình trạng dịch tễ này làm cho chúng ta phải sống phần nào cô lập, chúng ta được mời gọi tái khám phá và đào sâu giá trị của tình hiệp thông, liên kết tất cả các chi thể của Giáo hội. Khi kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ bị lẻ loi, nhưng họp thành một Thân Mình duy nhất, với Chúa là Ðầu. Ðó là một sự kết hiệp được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, cũng như bằng sự rước lễ thiêng liêng, một thói quen rất được cổ võ khi không thể rước Mình Thánh Chúa. Tôi nói điều này với tất cả mọi người, nhất là những người sống lẻ loi."

"Tôi tái bày tỏ sự gần gũi với tất cả các bệnh nhân và những người chăm sóc họ. Cũng như với bao nhiêu nhân viên và những người thiện nguyện giúp đỡ những người không thể ra khỏi nhà, và những người đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất và không có gia cư.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Tôi cám ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho tôi nhân dịp kỷ niệm bảy năm tôi được bầu làm người Kế nhiệm thánh Phêrô. Xin cám ơn và xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em Chúa nhật tốt đẹp!"

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page