Sinh hoạt Công Giáo đó đây

trước nạn dịch Coronavirus

 

Sinh hoạt Công Giáo đó đây trước nạn dịch Coronavirus.

G. Trần Ðức Anh OP

Roma (Vatican News 14-03-2020) - Từ hơn 2 tháng nay, sinh hoạt tại nhiều nước trên thế giới và đặc biệt Giáo Hội Công Giáo bị đảo lộn vì nạn dịch Coronavirus, khiến giáo quyền phải đề ra những biện pháp chưa từng có.

Trường hợp Italia

Italia bị dịch Coronavirus nặng nhất sau Trung Quốc. Cả nước Italia với khoảng 60 triệu tín hữu Công Giáo, các thánh lễ có giáo dân tham dự bị bãi bỏ trên toàn quốc, theo những qui định của chính quyền. Cả Ðức Thánh Cha Phanxicô, nhiều hoạt động của ngài bị bãi bỏ, hoãn lại hoặc được tiến hành dưới dạng trực tuyến. Tại một số nơi như Thánh Ðịa cũng vậy. Mục đích chính là để góp phần ngăn chặn dịch Coronavirus.

Phản ứng phê bình

Có những tín hữu phê bình quyết định của Hội Ðồng Giám Mục Italia, vì đã để chính quyền xen mình vào đời sống Giáo Hội, nhưng Ðức Hồng Y Gualtieri Bassetti, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, trong thông cáo phổ biến chiều ngày 8 tháng 3 năm 2020 cho biết các vị mục tử, các Linh Mục và tín hữu chấp nhận sự hạn chế rất ngặt nghèo này trong sự đau khổ. Giáo Hội chấp nhận biện pháp này của chính phủ chỉ vì muốn góp phần bảo vệ sức khỏe công cộng.

Cũng có nhiều người phê bình quyết định của chính phủ Italia, như giáo sư Andrea Riccardi, cựu Bộ trưởng, Chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio. Ông nói: "Người ta không hiểu tại sao lại cấm việc phụng tự và cầu nguyện nếu được cử hành trong an toàn. Có lẽ không phải tất cả những người quyết định hiểu rõ ý nghĩa đặc biệt của thánh lễ đối với các tín hữu, các vị tử đạo xưa kia đã từng nói: "Sine Dominico non possumus", Chúng tôi không thể sống nếu không có thánh lễ Chúa nhật".

Tại Thánh Ðịa

Tại miền Thánh Ðịa: Palestine có 27 vụ và Israel có 45 vụ tính đến ngày 11 tháng 3 năm 2020 nhưng chính quyền cũng đề ra các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Ðức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản tông tòa Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, chủ chăn của 160 ngàn tín hữu Công Giáo ở Israel, Palestine, Vương quốc Giordani và đảo Cipro, đã thông báo cho các tín hữu về việc ngưng các thánh lễ tại các nhà thờ trong toàn lãnh thổ Palestine, - như qui định của chính quyền, và nhiều biện pháp phòng ngừa khác trên lãnh thổ Israel.

Ðức Tổng Giám Mục không quên nhắc nhở các tín hữu rằng: "Chúng ta đừng để mình bị kinh hãi lo sợ, nhưng ý thức rằng cả trong tình cảnh hiện nay, chúng ta sẽ vượt qua thử thách này. Chúng ta không được nghi ngờ, niềm tin nơi Chúa Giêsu luôn trợ giúp và nâng đỡ chúng ta. Các tín hữu Kitô là những người quyết định sống trong tình yêu chứ không phải trong sợ hãi.Chúng ta hãy hãy bình tĩnh và kiên vững trong hy vọng".

Ba Lan gia tăng thánh lễ

Tại Ba Lan, nạn dịch Corona chưa bành trướng lắm, chỉ có 27 người bị nhiễm. Chính phủ cấm các cuộc hội họp, tụ tập trên 100 người, nên Hội Ðồng Giám Mục kêu gọi tăng cường các thánh lễ để phân tán mỏng số người dự mỗi thánh lễ. Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Gadecki nói: "Trong khi các nhà thương chữa trị bệnh tật thể xác, Giáo Hội cũng hiện diện để chữa trị các bệnh tâm linh."

Ðức Giám Mục giáo phận Ars-Bellay

Tại Pháp, chưa có qui định của chính phủ đòi phải ngưng các thánh lễ có dân chúng tham dự, nhưng dư luận đặc biệt chú ý đến lập trường của Ðức Cha Pascal Roland, Giám Mục giáo phận Ars-Bellay bên Pháp. Ngài phổ biến lá thứ gửi các tín hữu trong giáo phận, qua đó ngài phê bình thái độ hốt hoảng đối với nạn dịch Corona và cho biết ngoài các biện pháp thận trọng phòng ngừa như khi bị bệnh, ngài từ chối không ban hành các biện pháp đặc biệt cho giáo phận thuộc quyền.

Giáo phận Ars-Bellay là nơi có đền thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars.

Phòng ngừa "dịch hốt hoảng"

Trong thư gửi tín hữu trong giáo phận, Ðức Cha Pascal Roland khẳng định rằng "chúng ta phải sợ dịch sợ hãi hơn là dịch Coronavirus! Về phần tôi, tôi từ chối không chiều theo sự hốt hoảng tập thể và tùng phục nguyên tắc thận trọng dường như thúc đẩy các tổ chức dân sự.

"Vì thế, tôi không muốn ban hành những chỉ thị đặc biệt cho giáo phận của tôi: các tín hữu Kitô có ngưng họp nhau để cầu nguyện hay không? Họ có từ khước viếng thăm và giúp đỡ những người đồng loại hay không? Ngoài những biện pháp thận trọng sơ đẳng mà mỗi người tự nhiên đề ra để khỏi lây sang những người khác khi họ bị bệnh, tốt hơn không nên thêm những biện pháp khác".

Tín thác vào Chúa

"Tốt hơn chúng ta cần nhớ rằng trong quá khứ đã có những tình trạng trầm trọng hơn nhiều, những đại dịch tễ, và hồi đó các phương tiện y tế không được như ngày nay, các tín hữu Kitô đã nổi bật về những biện pháp cầu nguyện tập thể, cũng như cứu giúp các bệnh nhân, trợ giúp những người sinh thì và an táng người quá cố. Tóm lại, các môn đệ Chúa Kitô không quay lưng lại với Thiên Chúa và cũng chẳng trốn tránh người đồng loại. Trái lại là đàng khác!

Ðức Cha Roland cũng nhận định rằng: "Sự hốt hoảng tập thể chúng ta đang chứng kiến ngày nay phải chăng nó cho thấy tương quan bị bóp méo của chúng ta đối với thực tại sự chết? Phải chăng nó chẳng biểu lộ những hậu quả gây lo âu vì đánh mất Thiên Chúa? Chúng ta muốn che giấu sự kiện chúng ta là những phàm nhân và khép kín đối với chiều kích tinh thần của bản thể chúng ta, chúng ta bị hẫng chân. Vì chúng ta có những kỹ thuật ngày càng tối tân và hiệu năng hơn, nên chúng ta coi mình là có thể làm chủ mọi sự và chúng ta che giấu sự kiện chúng ta không phải là chủ tể sự sống!"..

Tương đối hóa tình hình

Ðức Giám Mục giáo phận Ars-Bellay đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta bất ngờ chỉ chú tâm đến dịch coronavirus? Tại sao chúng ta che giấu sư kiện mỗi năm tại Pháp, bệnh cảm cúm theo mùa làm cho từ 2 đến 6 triệu người bệnh và khiến cho khoảng 8 ngàn người chết? Dường như chúng ta cũng loại khỏi ký ức tập thể sự kiện rượu làm cho 41 ngàn người chết ở Pháp mỗi năm, trong khi người ta ước lượng có 73 ngàn người chết vì thuốc lá!..."

"Vì thế, tôi không hề có ý tưởng quy định đóng cửa các thánh đường, bãi bỏ các thánh lễ, hủy bỏ cử chỉ trao ban bình an trong thánh lễ, áp đặt cách rước lễ thế này hay thế kia được coi là vệ sinh hơn (..) vì một thánh đường không phải là một nơi rủi ro nguy hiểm, nhưng là một nơi cứu độ. Ðó là một không gian trong đó ta đón nhận Ðấng là Sự Sống, Chúa Giêsu Kitô, và tại đó, nhờ Ngài, ta cùng nhau học cách là những những sống. Một thánh đường phải là nơi đúng nghĩa của nó: một nơi hy vọng!

"Vậy phải chăng ta phải co ro nơi nhà mình? Phải chăng phải ồ ạt chạy tới siêu thị trong khu phố để mua đồ dự trữ hầu đứng vững trong một cuộc tấn công? Không! vì một Kitô hữu không sợ chết. Họ không phải không biết mình là phàm nhân, nhưng họ biết đặt tin tưởng nơi ai. Họ tin nơi Chúa Giêsu Ðấng đã quả quyết: "Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin nơi Thầy, dù có chết cũng sẽ sống; ai sống mà tin nơi Thầy thì sẽ không bao giờ chết" (Ga 11,25-26)...

Ðừng đầu hàng trước sợ hãi

Và Ðức Cha Roland kết luận rằng: "Vậy chúng ta đừng nhượng bộ nạn dịch sợ hãi! Ðừng trở thành những người đang sống mà chết! Như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Anh chị em đừng kể cướp mất niềm hy vọng của anh chị em! (Web giáo phận Ars-Bellay 9-3-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page