Tòa Thánh mở Văn Khố Mật

về Hồ Sơ Thời Thế Chiến II

 

Tòa Thánh mở Văn Khố Mật về Hồ Sơ Thời Thế Chiến II.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 03-03-2020) - Theo VaticanNews, kể từ 2 tháng 3 năm 2020, Văn Khố Vatican cùng một số văn khố khác của Tòa Thánh về triều Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958) sẽ được chính thức mở cửa để các học giả nghiên cứu.

Ðược Ðức Phanxicô công bố lần đầu ngày 4 tháng 3 năm 2019, việc mở cửa này là kết quả hơn 14 năm chuẩn bị của Các Văn Khố Lịch Sử thuộc Phân Bộ Liên Lạc với Các Quốc Gia của Tòa Thánh.

Một số lượng hết sức lớn lao các tư liệu đã sẵn sàng để nghiên cứu trong đó có 120 Nhóm và Văn Khố thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, Các Thánh Bô Tòa Thánh và các Phòng Sở Giáo Triều, với tổng số lên tới 20,000 đơn vị văn khố.

Theo công bố hôm thứ hai 2 tháng 3 năm 2020 của Văn Khố Vatican, phần lớn các nguồn tài liệu trên dưới hình thức kỹ thuật số.

Chỗ ngồi có giới hạn

Các văn khố khác nhau của Tòa Thánh có chỗ cho khoảng 120 nhà nghiên cứu một lúc.

Văn Khố Vatican, tức văn khố trưng bầy các tài liệu liên quan đến triều Giáo Hoàng của Ðức Piô XII, chỉ vào được với điều kiện giữ chỗ trước. Việc ghi tên giữ chỗ đã bắt đầu từ hồi tháng 10 và những ai đã giữ chỗ đã được phân phối chỗ nghiên cứu trong vòng mấy tháng (cho tới tháng 5 tháng 6) để bảo đảm có đồng đều tài liệu cho các học giả nghiên cứu triều Giáo Hoàng của Ðức Piô XII.

Triều Giáo Hoàng trên kéo dài gần 20 năm và bao trùm các biến cố quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội và của xã hội trong Thế Chiến II.

Thời gian trên cũng đã chứng kiến cảnh thù địch giữa các khối chính trị Ðông Tây và việc Giáo Hội từ từ bớt qui Âu Châu hơn và trở nên ngày càng có tinh thần hoàn vũ hơn.

Ðức Giáo Hoàng Piô XII gặp rất nhiều người kể cả các phạm nhân chiến tranh, các nông dân, thợ mỏ, nhà thể thao, nhà báo, và các tâm lý gia thể thao, bác sĩ, nghệ sĩ và thiên văn gia. Tư liệu văn khố sẽ cho biết về những cuộc gặp gỡ này.

Việc mở văn khố

VaticanNews cho hay chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới có quyền cho phép mở các tài liệu về các vị tiền nhiệm của ngài.

Năm 1881, Ðức Lêô XIII mở các văn khố thuộc thời kỳ cho tới năm 1815. Năm 1921, Ðức Bênêđíctô XV mở rộng thời kỳ này cho tới năm 1830. Trong những năm gần đây, Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho phép mở các tài liệu của triều Giáo Hoàng Piô XI.

Mục đích của việc mở các văn khố về Ðức Piô XII là để các học giả có cơ hội đọc được các nguồn tài liệu cho tới nay họ chưa tiếp cận được.

Văn khố Vatican sẽ cho thấy sự cao cả của Ðức Piô XII

Cũng theo tin VaticanNews, Bộ trưởng Liên Lạc với Các Quốc Gia của Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục The Paul Richard Gallagher, cho hay: việc mở các văn khố của Tòa Thánh giữa các năm 1939 và 1958 sẽ cho thấy các việc làm vĩ đại của Ðức Giáo Hoàng Piô XII, cũng như các cố gắng của ngài trong việc truyền thông với Liên Bang Xô Viết.

Trước ngày mở cửa nói trên, Ðức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher đã có cuộc đàm đạo với Ông Andrea Tornielli, Giám Ðốc Xã Luận của Bộ Truyền Thông. Trong khi làm nổi bật tầm quan trọng của văn khố lịch sử tại Phủ Quốc Vụ Khanh, Ðức Tổng Giám Mục

Gallagher chia sẻ cái nhìn thấu suốt của ngài đối với phần văn khố thuộc Phân Bộ Liên Lạc Với Các Quốc Gia, phần mà theo ngài "quan trọng, trước hết, vì những tầm nhìn thấu suốt về phương diện liên tục tính lịch sử".

Ngài cho biết văn khố đặc thù trên có nguồn gốc từ năm 1814 và nó hội tụ nhiều văn khố của các công đồng và văn phòng mà cuối cùng đã trờ thành Phân Bộ Liên Lạc Với Các Quốc Gia như hiện nay, với tính liên tục của các tài liệu từ đầu thế kỷ 19 cho đến nay.

Tầm nhìn thấu suốt độc đáo

Ðức Tổng Giám Mục Gallagher nhận định rằng thông thường, các văn khố này chỉ mở cho tới năm 1939, tức tới ngày Ðức Piô XI băng hà, nhưng Ðức Phanxicô đã quyết định càng mở nhanh càng tốt, và thực tế, đã mở chúng cho tới cuối triều Ðức Piô XII vào năm 1958.

Ðức Tổng Giám Mục cho hay "1939 tới 1948 đã hoàn toàn sẵn sàng và có sẵn vào ngày 2 tháng 3" trong khi những năm từ 1948 đến 1958 thì việc chuẩn bị đã tiến khá xa nhưng chưa hoàn tất và do đó, chưa sẵn sàng.

Ðức Tổng Giám Mục cho biết các tư liệu sẽ giúp người ta có cái nhìn thấu suốt rất độc đáo về nền chính trị và ngoại giao của Tòa Thánh suốt thời kỳ này.

Cách riêng, liên quan đến triều Giáo Hoàng Piô XII, các văn khố cung cấp "như chưa từng có trước đây, cái hiểu toàn bộ về những gì đã xẩy ra, về con người của ngài, về loại chính sách mà Ðức Piô XII đã ban hành trong những năm đầy biến động kinh khủng ấy, nhất là trong Thế Chiến II, và về thời kỳ tiếp liền sau đó".

Cỡ và nội dung

Về tầm cỡ, Ðức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng văn khố rất lớn "Khoảng 2 triệu tài liệu! Và nếu trải dài ra, nó chiếm đến 323 mét các tài liệu đựng trong hộp, trong thùng..."

Các tài liệu trên bao trùm một phạm vi hoạt động rất lớn: các hoạt động của Tòa Thánh trong Thế Chiến II, nền ngoại giao của Tòa Thánh, các Thông Hiệp (concordats) đã thương thảo, công tác nhân đạo của Giáo Hội, các báo cáo đặc thù về các vấn đề tôn giáo và chính trị, các báo cáo giáo dục, và các tài liệu liên quan tới Thị Quốc Vatican.

Ðức Tổng Giám Mục Gallagher cũng cho hay việc làm của một số vị nổi bật như những người chủ động trong thời gian ấy, trong đó có Ðức Cha Montini, tức Ðức Phaolô VI sau này.

Giáo Hội và Ðức Giáo Hoàng thời Thế Chiến II và Chiến Tranh Lạnh

Lẽ dĩ nhiên, nhiều tài liệu chứa trong các văn khố liên quan tới các hoạt động của Ðức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh trong các năm Thế Chiến II.

Ðức Tổng Giám Mục nói rằng Ðức Giáo Hoàng Piô XII "xuất hiện như một quán quân vĩ đại của nhân loại, một con người quan tâm sâu xa tới số phận của nhân loại trong những năm khủng khiếp này, một người rất nhậy cảm và quan tâm tới những ai bị bách hại, một người chính mình cũng là đích nhắm hận thù của Quốc Xã và Phátxít".

Một phần đặc biệt đáng lưu tâm của văn khố rõi ánh sáng mới cho thời kỳ đầu của "Chiến Tranh Lạnh". Ðức Tổng Giám Mục Gallagher tiết lộ rằng phần này cung cấp tài liệu đối với vai trò của Ðức Piô XII và của Ðức Hồng Y Casaroli trong những năm sau chiến tranh, và việc làm của các tu sĩ và linh mục "cố gắng tiếp xúc với các chính quyền Xôviết địa phương nhằm cố gắng đưa ra được một modus vivendi (lối sống) tuy khó khăn nhưng cần thiết để Giáo Hội có không gian hoạt động".

Ðó cũng chính là điều Ðức Hồng Y Casaroli tiếp tục làm sau này tại Ðông Âu "để cố gắng tạo ra một mức độ hiểu nhau và một không gian để Giáo Hội có thể hoạt động".

Không phải chỉ là hồ sơ chiến tranh

Edward Pentin nhấn mạnh thêm rằng một hội nghị ở Vatican trước khi cho mở văn khố đã làm nổi bật nhiều phạm vi khác ngoài hồ sơ chiến tranh.

Thực vậy, Hội nghị dành cho các thủ văn khố (archivists) tại Vatican ngày 21 tháng 2 năm 2020 cho thấy nhiều khía cạnh khác, nhất là văn khố của Bộ Giáo Lý Ðức Tin với tên hồi đó là Văn Phòng Thánh.

Ðức Cha Alejandro Cifres, giám đốc văn khố của Bộ, cho hay các chủ đề lớn được Công Ðồng Vatican II bàn luận và sau đó trở thành "tâm điểm cho đời sống của Giáo Hội" từ giai đoạn hậu công đồng cho tới nay "phần lớn đã được dự ứng từ triều Giáo Hoàng của Ðức Piô XII".

Thí dụ vấn đề trợ tử êm ái (euthanasia) đã được đặt ra cho Tòa Thánh từ thời Quốc Xã (1940), vấn đề phá thai tại Pháp lúc đó bị Quốc Xã chiếm đóng (1942), vấn đề thụ thai nhân tạo tại Ðức thời Quốc xã (1944) và việc thụ tinh cưỡng bức cũng tại Quốc Xã Ðức (1940). Ngoài ra còn có thắc mắc (dubium) nêu ra với Tòa Thánh về việc đổi giống sau thời Quốc xã nữa.

Ðức Cha Cifres cũng đề cập tới nhiều "dubia" khác như "dubium" về "giáo sĩ ly giáo", kể cả các giáo sĩ đã lập gia đình muốn được chào đón và trở về với Giáo Hội Công Giáo, cũng như việc rước lễ liên phái (intercommunion).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page