Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ:

Ðường hướng tái truyền giáo

của Giáo phận Thái Bình

 

Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ: Ðường hướng tái truyền giáo của Giáo phận Thái Bình.

ÐGM Phêrô Nguyễn Văn Ðệ SDB

Thái Bình (WHÐ 03-03-2020) - Thư Mục Vụ của Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ: Ðường hướng tái truyền giáo của Giáo phận Thái Bình:

 

Toà Giám mục Thái Bình

Số 6 - Trần Hưng Ðạo, Tp. Thái Bình

Ðiện thoại: 0227 3 831361

Website: http://giaophanthaibinh.org

 

Thư Mục Vụ Của Ðức Cha Giáo Phận

Về Ðường Hướng Tái Truyền Giáo Của Giáo Phận Thái Bình

 

Trọng kính Quý Cha Tổng Ðại Diện, Quý Ðức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ nam nữ, Chủng sinh và Anh Chị Em Giáo dân thân mến.

I. Chén Ðắng Của Chúa Giêsu

Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng nếu không được, thì xin đừng theo ý con, một theo ý Cha vẹn toàn! (x. Mt 26,30-56)

Bước vào Mùa Chay là bước vào Mùa Ðại Phúc của Ðức Giê-su Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người và hoàn thành cách anh hùng sứ mạng cứu độ nhân loại bằng việc hy sinh chết đau thương trên thập giá!

Ðã hơn 2,000 năm, sứ mạng cứu độ của Ðức Giê-su đã hoàn thành cách tốt đẹp, sung mãn và vì thế mỗi lần nhớ lại cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su chúng ta hãy hân hoan vui mừng hơn là than vãn bi ai, hối tiếc!

Ðiều đáng buồn và đáng trách hơn cả chính là sự vô cảm, bỏ mặc, coi thường cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su đối với nhân loại chúng ta, làm cho kết quả và mục đích cứu độ của Chúa Giê-su trở thành vô dụng, vô ích, và thất bại, nói theo ngôn từ nhân loại: hoàn toàn thất bại đối với những ai không đón nhận ơn cứu độ.

Thất bại này đã trở thành chén đắng của Ðức Giê-su, đến độ Ngài đã phải thốt lên lời van xin với Chúa Cha: Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng nếu không được, thì xin đừng theo ý con, một theo ý Cha vẹn toàn! (x. Mt 26,30-56)

Chén đắng Chúa Giê-su đã van xin với Chúa Cha đây: không phải là mão gai, thập giá, roi vọt, hay cực hình dã man quân dữ dành cho Ngài, ngược lại chính tội lỗi của nhân loại, cách riêng của chúng ta, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh, giáo dân, đó là sự thờ ơ, vô cảm, dửng dưng của nhân loại, đang làm cho cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su ngày càng trở nên bi đát, ê chề, đau khổ, của Người Con Thiên Chúa!

Với tâm tình này, Giáo phận bước vào mùa Chay thánh bằng cuộc sám hối thật lòng, quyết tâm sám hối, cương quyết dốc lòng chừa mọi tội lỗi, cách riêng những tội nghiêm trọng, xấu xa: nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, đĩ điếm v.v.

Thay cho những việc đạo đức bề ngoài, quá hình thức và máy móc, toàn Giáo phận chúng ta hãy sốt sắng tham dự tuần đại phúc do Giáo phận tổ chức hàng năm tại 20 giáo xứ trong 8 Giáo hạt để cùng với Ðức giám mục và trên 30 Cha phục vụ việc giao hòa với Chúa cho mọi người tham dự. Ðây thật sự là một cuộc chuẩn bị cần thiết và hữu ích để mừng lễ Chúa Phục Sinh.

II. Nỗ Lực Truyền Giáo Và Tái Truyền Giáo

Truyền giáo và tái Truyền giáo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Giáo Hội, cách riêng của mỗi Giáo phận và mỗi Linh mục, Tu sĩ, giáo dân.

Ðể có được một điểm truyền giáo hay một giáo họ như ngày nay, dù số giáo dân chỉ có 1 hay 2 người, thì cũng là kết quả của bao mồ hôi, nước mắt, công sức, hy sinh, hãm mình và cầu nguyện của các tiền nhân, đã đổ ra mới có được một hay vài hạt giống đức tin mọc lên thành giáo họ như ngày nay. Thế hệ con cháu kế thừa của chúng ta hôm nay không được phép coi thường, hay bỏ bê những hạt giống quý giá này!

Nhiệm vụ chính của Giáo phận, của các linh mục, tu sĩ và giáo dân chúng ta là tiếp nối việc gieo trồng, chăm sóc. Chúng ta hãy làm sao cho những hạt giống đức tin quý giá này, những giáo họ còn ít người, nghèo khó, vùng sâu, vùng xa, không những tồn tại mà còn đơm bông sinh nhiều hoa trái ngon ngọt!

Giả thiết, nếu phải khởi sự truyền giáo lại từ đầu, tại một địa phương xa lạ, chưa có một ai biết Chúa và tin Chúa, thì chúng ta thấy khó khăn vất vả biết chừng nào. Chúng ta phải bắt đầu từ số không, phải cày sâu, cuốc bẫm, xới đất, gieo hạt, canh chừng chim trời, chăm sóc, vun trồng, lâu ngày, lâu tháng, có khi đến hàng chục năm, hạt giống đức tin ấy mới mọc lên được, chứ không hề đơn giản như ta tưởng!

Vì thế, toàn Giáo phận, cách riêng Giám mục và Linh mục chánh xứ, Tu sĩ, các Hội đoàn trong Giáo phận, chúng ta hãy quan tâm đến việc truyền giáo và tái truyền giáo trong các giáo họ nghèo, ít giáo dân, vùng sâu và xa hiện nay!

Hiện tại Giáo phận Thái Bình và Hưng Yên chúng ta đang có tổng cộng trên 375 Giáo họ, trong đó có các:

a) Giáo họ có số giáo dân từ 50 người trở xuống: 80

b) Giáo họ có số giáo dân từ 100 người trở xuống: 63

c) Giáo họ có số giáo dân từ 200 người trở xuống: 90

d) Giáo họ có số giáo dân từ 200 người trở lên: 142

Ðể truyền giáo và tái truyền giáo, Giáo phận phát động kế hoạch truyền giáo và tái truyền giáo cách thiết thực như sau:

a) 13 Thầy Phó tế đi phục vụ và hỗ trợ ưu tiên cho 80 Giáo họ: nghèo, ít giáo dân, vùng sâu vùng xa

b) 13 Thầy Phó tế đi mục vụ di dân hải ngoại và du học

c) 08 Thầy dự bị Phó tế phục vụ công trình xây dựng Ðại Chủng Viện

Riêng với các Thầy Phó tế đi phục vụ 80 Giáo họ nghèo, vùng sâu và xa: Xin các Cha xứ, quý viên chức Hội đồng giáo xứ, Giáo họ và giáo dân trong các Giáo họ, hãy sốt sắng đón nhận và nâng đỡ các Thầy tối đa về mọi phương diện, để các Thầy sẵn sàng phục vụ các Giáo họ cách nhiệt thành như lòng Chúa và mọi người mong muốn!

III. Ðồng Hành Với Người Trẻ: Từ Hôn Nhân Ðến Thai Nhi Và Trưởng Thành

Chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 - 2022): Ðồng hành với giới trẻ - được thực hiện theo ba bước:

(1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ;

(2) phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng;

(3) giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.

1. Lắng nghe

a) Thuận lợi đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay

- Tại Việt Nam, gia đình vẫn là "trường học đầu tiên", nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa.

- Ngoài ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.

b) Thách đố đối với giới trẻ

- Thách thức của thời đại mới

- Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội.

- Thế giới kỹ thuật số:

+ vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan;

+ nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ.

- Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ

+ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào:

- lối sống buông thả,

- sống ảo, sống vội,

- sống dửng dưng

- vô cảm và vô trách nhiệm.

+ Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, sống hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.

2. Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ

a) Người trẻ băn khoăn: ý nghĩa và hướng đi cho đời sống

- Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí. Hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.

- Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới: Người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo Hội, mà còn là chủ thể phản ảnh giữa lòng nhân thế;

- Người trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).

b) Người trẻ làm phong phú Giáo Hội và thế giới bằng nhiều cách

- Trước hết bằng việc nên thánh:

+ Qua "hương thơm thánh thiện" tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo Hội và của thế giới

+ Qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội.

+ Tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ

+ Dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội trong môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ.

# Lựa chọn ơn gọi phục vụ trong gia đình hay ngoài xã hội:

+ Chúa Giê-su mời gọi các bạn trẻ dấn thân theo Ngài.

+ Người nghèo khổ, cùng cực bị bỏ rơi van xin bạn.

+ Trẻ mồ côi, người khuyết tật, phong cùi, tệ đoan xã hội, người lương dân cầu cứu bạn

+ Tấm lòng quảng đại, bao dung, chạnh lòng thương của bạn trẻ trước các nỗi đau của đồng loại.

- Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo Hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).

3. Ðồng hành với người trẻ để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân

Mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, giáo xứ hãy cùng đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ.

- Những người làm mục vụ giới trẻ, đặc biệt các Linh mục, Tu sĩ cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ.

+ Ðức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống.

+ Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy.

+ Họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội" (x.Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221).

- Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn,

+ cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ,

+ giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa đã ban,

+ và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó.

- Mục vụ giới trẻ phải mang tính "hiệp hành",

+ nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một "hành trình chung" (x.Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206).

+ Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo Hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.

4. Chương trình Mục vụ Giới trẻ Giáo phận Thái Bình

a) Năm 2020: Ðồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện

b) Năm 2021: Ðồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình

c) Năm 2022: Ðồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội

d) Chương trình cụ thể

- Học hỏi:

+ Giáo lý cho người trẻ (Docat)

+ Giáo huấn xã hội cho người trẻ

+ Tông huấn "Chúa Kitô đang sống"

+ Chú trọng hơn đến việc giúp phân định thiêng liêng, ơn gọi tu trì, cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.

- Các Ban ngành, Hội đoàn trong Giáo phận dành nhiều sự quan tâm đồng hành với các bạn trẻ tại các Giáo xứ bằng việc:

+ Lắng nghe

+ Cảm thông

+ Hỗ trợ hướng dẫn giúp người trẻ trưởng thành toàn diện.

5. Ðiều kiện sống cho người trẻ

a) Tình yêu dự phòng

- Ý thức trân trọng và quý mến sự sống của cha mẹ trẻ ngay từ tiền hôn nhân của vợ chồng.

- Tình yêu giáo dục em bé: ngay trước khi thụ thai - trong thời gian thụ thai - khi sinh con và suốt quá trình trưởng thành của đứa con.

b) Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như

- Văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt,...

- Sân chơi thể thao, ca nhạc,...

c) Tình trạng người trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn

- Cần có sự phối hợp giữa Cha xứ nơi đi và Cha xứ nơi đến, bằng cách: cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến.

- Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Ðại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp... cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.

d) Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ

- Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.

6. Ðồng hành với giới trẻ

a) Thể lý

- giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh,

- giữ kỷ luật đối với chính bản thân,

- phòng ngừa các đam mê nguy hại như: rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game...

b) Tâm lý

- giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực

- ý thức công bằng,

- lương tâm ngay thẳng,

- tinh thần trách nhiệm;

- tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng,

+ nhờ đó hướng mở tới tha nhân,

+ tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha;

- mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.

c) Tâm linh

- giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô,

+ nhờ cầu nguyện với Lời Chúa,

+ tôn thờ Thánh Thể,

+ tham dự phụng vụ cách tích cực.

- Các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách:

+ tổ chức các buổi tọa đàm,

+ thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.

d) Văn hóa

- không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa.

+ Ðào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản,

+ chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 223).

e) Phân định ơn gọi

- Cần đồng hành và hướng dẫn người trẻ trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa,

- Kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.

Thái Bình, ngày 16 tháng 02 năm 2020

+ Phêrô Nguyễn Văn Ðệ SDB

Giám mục Giáo phận Thái Bình

(Nguồn: giaophanthaibinh.org)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page