Thư Mục Vụ Mùa Chay 2020
tại Tổng Giáo Phận Huế
Thư Mục Vụ Mùa Chay 2020 tại Tổng Giáo Phận Huế.
ÐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh
Huế (WHÐ 02-03-2020) - Thư Mục Vụ Mùa Chay 2020 tại Tổng Giáo Phận Huế:
Huế ngày 26 tháng 02 năm 2020
Thư Mục Vụ Mùa Chay 2020
Gửi Cộng Ðoàn Dân Chúa Giáo Phận Huế
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay thánh năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: giáo phận chúng ta đang cử hành Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập và dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Sự trùng hợp này mang một ý nghĩa rất thiêng liêng nếu chúng ta coi đó là những dấu chỉ của thời đại (Lc 12, 56).
1. Mùa chay Năm Thánh
Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Ðức Kitô. Sám hối vừa có nghĩa là nỗ lực diệt trừ tội lỗi, vừa là trở về cùng Thiên Chúa để nhận ra tình yêu vô biên của Ngài. Ðó cũng là tâm tình chúng ta phải ấp ủ trong Năm Thánh này. Tất cả những nợ nần đời cũ đều phải được thanh toán để nhường chỗ cho hồng ân toàn xá của Chúa. Ðó là ý tưởng mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ với giới trẻ trong sứ điệp Mùa Chay 2020 của ngài: "Khi đến gần để thú nhận tội lỗi, bạn hãy vững tin rằng lòng thương xót Chúa vốn có sức giải thoát bạn khỏi tội lỗi". Tội lỗi đối với Kitô hữu không phải là ngõ cụt, nhưng mở ra lộ trình tìm kiếm ơn giải thoát nơi Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Ơn giải thoát đó không phải là một món quà Chúa gói sẵn để ban phát đơn phương cho chúng ta. Ðể có được ơn giải thoát, chúng ta phải hợp tác với lòng thương xót của Ngài. Bốn việc chúng ta phải làm trong Mùa Chay: sám hối, chay tịnh, cầu nguyện và bác ái, là những hành động cụ thể chứ không phải là lý thuyết suông. Bốn việc ấy cũng không phải là những việc rời rạc riêng lẻ. Ðó là những mắt xích liên đới mật thiết với nhau, những bánh xe khác biệt trong một cỗ máy chung: vận hành theo chức năng riêng nhưng tất cả đều phục vụ lợi ích chung của toàn thể là con người và cộng đoàn chúng ta.
Hiểu theo nghĩa đó, sám hối trước hết phải được biểu lộ bằng chay tịnh, nghĩa là bằng khả năng làm chủ thân xác lăng loàn, khả năng trấn áp đam mê vô trật tự. Trước khi lên đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã "ăn chay ròng rã suốt 40 đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy đói. Khi ấy tên cám dỗ đến gần ngài" (Mt 4,2-3). Nhưng chung cuộc, Ngài đã chiến thắng. "Tên quỷ đã bỏ Ngài mà đi" (Mt 4,11).
Mùa Chay là mùa chúng ta được mời gọi để cho Thánh Thần tác động, đưa chúng ta vào hoang địa như Chúa Giêsu (Lc 4, 2). Hoang địa đây không có nghĩa là không gian địa lý. Hoang địa đây là hoang địa tâm hồn. Chúng ta có một tâm hồn thiết thân, nhưng rất có thể vì quá hướng ngoại cách quá độ, chúng ta đã để cho tâm hồn biến thành hoang địa. Mùa chay là thời điểm chúng ta trở về với vùng hoang địa đó để tìm lại chính mình, tìm lại những mối tương quan đã bị cắt đứt vì tội lỗi. Một cách nào đó, vì mải mê theo đuổi chuyện thế trần, chúng ta đã đánh mất thiên đàng. Thiên đàng đó chỉ tìm lại được khi nào chúng ta tái lập được mối tương mật thiết với Chúa. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lời Thánh Phaolô làm tựa đề cho sứ điệp Mùa Chay của ngài: "Nhân Danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa" (2Cor 5,20).
Ðó cũng chính là cuộc hành trình chúng ta thực hiện trong Năm Thánh này. Chúng ta hướng về quá khứ để tạ ơn Thiên Chúa, để tri ân và để ngưỡng mộ tiền nhân, nhưng chúng ta cũng phải khiêm tốn nhận ra những lầm lạc đã làm chúng ta xa Chúa. Trong lời giới thiệu cho tập Cẩm Nang Năm Thánh, tôi đã viết rằng mục đích của Năm Thánh là để "tạ ơn Chúa về tất cả những hồng ân đã lãnh nhận". Nhưng tạ ơn Chúa không phải chỉ là lời kinh tiếng hát. Tạ ơn Chúa còn đòi hỏi chúng ta "chấn chỉnh đời sống đức tin vẫn còn nhiều bất cập của chúng ta".
Não trạng duy hưởng thụ, duy tiện nghi, duy vật chất, duy đua đòi#đang hoang địa hoá tâm hồn chúng ta, đang thách đố giới trẻ của chúng ta. Truyền hình, báo chí, phim ảnh, quảng cáo.. đang ồ ạt biến tâm hồn chúng ta thành những thùng rác chứa đựng nhiều thứ nhơ bẩn. Nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ lâm vào mê hồn trận của ma quỷ và đánh mất chính mình.
Hồng phúc thay, cũng giống như cuộc hành trình đầy gian khổ của Dân Israel suốt bốn mươi năm trong sa mạc cuối cùng đã đưa họ vào đất hứa chảy sữa và mật ong; bốn mươi ngày đêm trong hoang địa của Chúa Giêsu đã tiếp nối bằng con đường thập giá thương đau, nhưng đã kết thúc bằng sự phục sinh vinh hiển. Quá khứ lênh láng máu hồng tử đạo đã trở thành vốn liếng đầu tư cho hiện tại và tương lai mỗi lúc một thăng tiến hơn của Tổng Giáo phận Huế. Quả thật: "nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng sống với Ngài. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Ngài" (2Tim 2, 11-12).
2. Mùa chay chống dịch
Tin tức về nạn dịch Covid-19 mỗi lúc một nghiêm trọng và khẩn trương. Từ điểm phát xuất là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bệnh dịch này đã lây lan thần tốc sang các tỉnh phụ cận và cho đến nay, đã tràn ra 37 quốc gia trên thế giới. Theo tin tức báo đài quốc tế và tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 25/02/2020, trên hành tinh của chúng ta đã có tổng cộng 79,722 người nhiễm bệnh; tại Trung quốc có 2,629 trường hợp và bên ngoài Trung Quốc, 38 trường hợp tử vong. Có đến 31 thành phố Trung Quốc bị cô lập và trở thành những "thị trấn ma". Hàng trăm triệu người đã bị cách ly để giảm thiểu nguy cơ truyền bệnh cho người khác.
Tính bất ngờ của bệnh dịch minh họa cho chúng ta sự mong manh của kiếp người lữ thứ. Ngày nào sẽ đến phiên tôi nhiễm bệnh? Tôi có thể là nạn nhân không? Không ai có thể đoán trước được. Chỉ biết rằng "đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích". Ðó là chân lý Giáo hội nhắc cho chúng ta mỗi lần Mùa Chay về. Không gì trong cõi đời này đáng cho chúng ta đeo đuổi, vì chẳng có gì là vĩnh cửu. Xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe sứ điệp của ngày thứ Tư Lễ Tro: "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro".
Mọi sự trong tích tắc có thể trở về cát bụi, đó là điều không ai trong chúng ta có thể phủ nhận. Có nhà bác học dự đoán rằng bệnh dịch này có thể tiêu diệt 1/3 nhân loại. Một con virus nhỏ đến độ kính hiển vi thường không thể nhìn thấy đã làm đảo điên rối loạn cả thế giới. Hàng triệu chuyến đi tham quan, du lịch, kinh doanh, hàng vạn hội nghị, hành hương, trận đấu đã bị huỷ bỏ hoặc đình hoãn. Hàng ngàn tấn hàng hoá, nông phẩm bị ứ đọng hoặc biến thành rác vì không có người tiêu thụ. Hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh đành đóng cửa vì ái ngại nguy cơ tạo cơ hội lây lan.
Sợ hãi, hoang mang, bao trùm khắp nơi. Nhưng trớ trêu là chợ búa, đi lại và làm ăn không thể dừng lại. Vừa phải chống dịch vừa phải bảo đảm cuộc sống, đó là cái nghịch lý nhân loại đang phải vất vả đối đầu. Ðó là bài toán đang làm nhức đầu các vị lãnh đạo trên khắp thế giới. Càng đáng âu lo hơn nữa khi cho tới nay, chưa ai tìm được phương dược tiêu diệt con vi-rút quái ác này.
Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo chính thức của Bộ Y Tế ngày 25/02/2020, đã có 16 trường hợp bị nhiễm bệnh nhưng đã được điều trị và cho xuất viện. Ðiều đó không có nghĩa là bệnh dịch đã bị khống chế. Nhiều đơn vị ngành y tế và giáo dục đã làm kiến nghị xin đóng cửa các trường đến cuối tháng ba. Nhưng chẳng ai bảo đảm được tháng ba 2020 tới đây, bệnh dịch Covid-19 đã chấm dứt chưa. Trong khi chờ đợi, điều cần phải làm hơn cả là cảnh giác.
Hội đồng Giám mục cũng đã có thông báo ngày 02/02/2020, đề xuất một số hạn chế trong sinh hoạt tôn giáo. Nay tình hình có phần nghiêm trọng hơn, tôi xin nhắc lại thông báo đó, đồng thời thêm vào một số biện pháp cụ thể để chúng ta góp phần chống dịch cách hiệu quả hơn:
- Hằng ngày, trong tất cả các giờ cầu nguyện chung (Thánh lễ, chầu phép, đọc kinh...) xin anh chị em đọc "kinh xin ơn chữa lành" do Hội đồng Giám mục phổ biến (x. trang WEB giáo phận).
- Anh chị em đừng quên đọc hoặc hát kinh Năm Thánh của Giáo phận Huế trong tất cả những dịp tụ họp cầu nguyện, đặc biệt là trong Thánh lễ.
- Nơi nào xét là có khả năng lây nhiễm cao, anh chị em nên dùng khẩu trang và các phương tiện tiệt trùng khi tham dự Thánh lễ hoặc các sinh hoạt đông người.
- Ðể an tâm, chúng ta rước lễ trên tay thay vì trên miệng.
- Linh mục có thể mang khẩu trang và khử trùng toà giải tội trước khi ban bí tích hoà giải.
- Người khả nghi lây nhiễm Covid-19, có thể ở nhà đọc kinh hoặc làm một việc lành thay thế cho Thánh lễ Chúa Nhật hoặc Lễ Trọng.
- Huỷ bỏ hoặc tạm đình hoãn những cuộc hội nghị, liên hoan, hành hương, nói chung là tụ họp đông người cho đến khi tình hình xét là an toàn hơn.
Anh chị em thân mến.
Bệnh dịch không may xâm nhập thế giới vào Mùa Chay năm nay. Sự trùng hợp này có thể giúp chúng ta sống Mùa Chay cách tích cực và cụ thể hơn. Bệnh dịch không phải là hiếm có trong lịch sử nhân loại. Nó diễn ra mọi nơi mọi thời trên hành tinh chúng ta. Có khi nó cướp đi hàng trăm triệu sinh mạng trước sự bất lực của con người. Nạn dịch hạch ở Âu Châu thời Trung Cổ đã kết liễu cuộc sống của một nửa dân số.
Không tìm được thuốc chữa, người ta thường dùng giải pháp "cách ly", cô lập người bệnh để bảo đảm an toàn cho mình và cho cộng đồng. Nhưng rất có thể cách ly trở thành kỳ thị và khai trừ. Hiện nay nhiều nơi trên thế giới đang có phản ứng "bài Trung", nghĩa là tẩy chay người Trung Quốc một cách nhẫn tâm. Vì bệnh dịch phát xuất từ Trung Quốc nên người ta tưởng tượng người Trung Quốc nào cũng có thể truyền bệnh. Họ bị coi là cùi, hủi cần phải tránh xa, thậm chí phải xua đuổi. Có khi vì không nhận ra ai thực sự là Trung Quốc, người ta sợ hãi tất cả mọi người Á Châu.
Cùng một hiện tượng, dân xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc ở miền Bắc Việt Nam đã bị cô lập chỉ vì một vài người đi làm ở Vũ Hán đem bệnh về. Phòng bệnh chống dịch là nghĩa vụ của mọi người, nhưng là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi cư xử bác ái với bất kỳ ai không phân biệt thành phần, kể cả với những người bị nghi ngờ là nhiễm bệnh. Làm thế nào để cùng một lúc chúng ta vừa phòng ngừa bệnh dịch hiệu quả, vừa thể hiện được yêu thương với tha nhân như "hình ảnh của Chúa" (St 1,26). Chúng ta có nghĩa vụ chống dịch Covid-19 nhưng không được phép chống người nhiễm bệnh dịch. Ðó mới là cách chúng ta sống Mùa Chay cách tỉnh táo và phù hợp. Quan hệ thân mật với Chúa phải được chứng tỏ bằng nghĩa cử nhân ái đối với đồng loại. "Yêu tha nhân như chính mình" là trình độ chúng ta phải đạt được trong mối quan hệ với tha nhân trong Mùa Chay và trong Năm Thánh này.
Anh chị em thân mến,
Ðể kết thúc, tôi xin anh chị em hãy hướng về Ðức Mẹ La Vang mà chúng ta đã tôn vinh làm Bổn Mạng giáo phận khi khai mạc Năm Thánh. Mẹ đã "phù hộ các giáo hữu" ở La Vang xưa. Mẹ vẫn còn "đứng đó" hiện diện bên cạnh từng người con giáo phận trong những giờ phút nghiêm trọng của cuộc đời, y như Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), khi cầu nguyện với các tông đồ (x. Cv 1,14). Mẹ sẽ cứu chữa chúng ta khỏi bệnh dịch tội lỗi và bệnh dịch Covid-19 trong Mùa Chay và trong Năm Thánh này.
Thân ái trong Chúa Kitô.
(đã ký)
+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giám mục Huế
(Nguồn: tonggiaophanhue.net)