Ðức Hồng y Sako nhận định:
Lịch sử Giáo hội Iraq "được viết bằng máu"
Ðức Hồng y Sako nhận định: Lịch sử Giáo hội Iraq "được viết bằng máu".
Ngọc Yến
Iraq (Vatican News 2-03-2020) - Lịch sử của Giáo hội Iraq "là một lịch sử được viết bằng máu". Ðức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê đã nhận định như trên trong một bài viết gửi đến Asia News vào ngày 29 tháng 02 năm 2020.
Ðức Hồng y Sako viết nhân dip kỷ niệm 12 năm vụ bắt cóc và kết thúc bằng cái chết của Ðức cha Paul Faraj Rahho, Tổng Giám mục Mosul: "Từ xa xưa, hành trình lịch sử của Giáo hội Iraq là một hành trình trong thập giá của các vị tử đạo. Các ngài là mẫu gương thực sự cho chúng ta noi theo. Máu của các ngài là một bài học sâu sắc để chúng ta tôn trọng nhau và sống trong hòa bình".
Ðức Hồng y còn nhấn mạnh thêm: "Máu của các vị tử đạo là nhựa sống mới cho sự phát triển của các cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta. Chính vì thế trong Thượng hội đồng hàng năm năm 2015, các thượng phụ đã quyết định cử hành việc tưởng niệm các vị tử đạo vào thứ Sáu sau Lễ Phục Sinh".
Lịch sử Giáo hội ghi lại các phó tế, linh mục, giám mục và các tín hữu, nhiều người đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin. Các ngài chịu tử đạo trong bối cảnh ghi dấu nhiều đau khổ như: đánh bom, đe dọa, bắt cóc, di tản và di cư. Ðức cha Rahho bị bắt cóc vào ngày 29 tháng 02 năm 2008, được nhớ đến là một người khiêm tốn và giản dị, là người yêu quê hương. Chính vì thế vào năm 2004, Ðức cha đã quyết định ở lại bất chấp các mối đe dọa và đánh bom.
Trước đó, vào năm 2007, một năm trước khi Ðức cha qua đời, cộng đoàn Công giáo Canđê đã thương tiếc cha Ragheed Ganni cùng với ba tín hữu bị giết.
Ðức Thượng phụ Công giáo Canđê viết: "Chứng tá là một sự hiến dâng bằng máu và là biểu hiện tột đỉnh đức tin của chúng ta". Ðức hồng y nhắc lại một số khuôn mặt đã làm chứng bằng đời sống thuộc về Chúa Kitô, từ Giáo hội đầu tiên vào thời Sapore II, với một "đoàn người tử đạo" cho đến các nạn nhân gục ngã dưới những trận đòn của những chiến binh Hồi giáo trong khu vực.
Ðức Hồng y còn nhắc đến các cuộc bách hại dưới thời các quốc vương Abbasid; trong giai đoạn này, mặc cho những cuộc bách hại các tín hữu vẫn âm thầm sống đạo. Rồi đến các vị tử đạo dưới thời sự cai trị của người Mông Cổ, sau đó là đế chế Ottoman với việc giết hại các Kitô hữu Armenia, Canđê và Syria.
Ðức Hồng y Sako kết luận: "Các vị tử đạo không phải là những kẻ đánh bom tự sát, nhưng là những người tín hữu yêu cuộc sống và yêu sự phục vụ". Vì vậy, như khi chúng ta cầu nguyện với bài thánh ca của các vị tử đạo vào tối 25 tháng 2 năm 2020, chúng ta không phủ nhận Chúa Kitô, người đã chết vì sự ơn cứu độ chúng ta". (Asia News 29/02/2020)