Ðức Hồng y Turkson giải thích rằng:

Ðức Thánh cha mong ước

một nền kinh tế không loại trừ ai

 

Ðức Hồng y Turkson giải thích rằng: Ðức Thánh cha mong ước một nền kinh tế không loại trừ ai.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Assisi (RVA News 28-02-2020) - Ðức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, giải thích rằng khi triệu tập cuộc gặp gỡ các nhà kinh tế trẻ tại Assisi, từ ngày 26 đến 28 tháng 03 năm 2020, Ðức Thánh cha Phanxicô mong ước có một nền kinh tế mới, không để ai bị thụt lùi đàng sau và đặt con người ở trung tâm.

Trong sứ điệp Mùa Chay, công bố hôm 24 tháng 02 năm 2020, Ðức Thánh cha nhắc lại quyết định "triệu tập tại Assisi khóa họp các nhà kinh tế trẻ, các chủ xí nghiệp và những người cải tiến kinh tế, với mục đích góp phần vạch ra một nền kinh tế công bằng và bao gồm hơn nền kinh tế hiện nay. Như Giáo hội đã nhiều lần lập lại, chính trị là hình thức trổi vượt của đức bác ái; cũng vậy, khi tiến hành một nền kinh tế với tinh thần Tin Mừng như thế, đó là tinh thần các Mối Phúc Thật".

Hưởng ứng lời mời gọi của Ðức Thánh cha, cho đến nay đã có hơn 2,000 người trẻ dưới 35 tuổi, từ các nơi trên thế giới, sẽ tham dự cuộc gặp gỡ về 'nền kinh tế Phanxicô', với mục đích xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn, như Ðức Thánh cha đã đề ra trong thông điệp "Laudato sì". Các nhà kinh tế trẻ về Assisi, sẽ được phân phối thành "12 làng" để trao đổi về những đề tài khác nhau, những ý tưởng, thách đố, đề nghị cho một nền kinh tề mới. Các đề tài đó là quản trị và hồng ân, tài chánh và tình người, công việc và chăm sóc, năng lượng và nghèo đói, canh nông và công lý, kinh doanh và hòa bình, phụ nữ dấn thân trong kinh tế, thán khí CO2, ơn gọi, các công ty đang chuyển tiếp, đời sống và các lối sống, các chính sách và hạnh phúc.

Các nước có nhiều nhà kinh tế trẻ đến Assisi tham dự cuộc gặp gỡ là Italia, Brazil, Hoa Kỳ, Argentina, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Pháp, Mêhicô, Ðức và Anh quốc.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Zenit, truyền đi hôm 25 tháng 02 năm 2020, Ðức Hồng y Turkson cho biết sáng kiến "Nền kinh tế Ðức Giáo hoàng Phanxicô", nối tiếp nhiều sáng kiến thuộc loại này, bắt đầu với phân bộ di dân và tị nạn, giúp đạt tới hiệp ước về di cư, rồi Bộ giáo dục Công Giáo đang xúc tiếp hiệp ước về giáo dục hoàn cầu.

Trước đó cũng có những người nêu sáng kiến tương tự, như Bộ trưởng tài chánh ở Pháp, trong một bài đăng trên tờ Tài chánh Thời báo (Financial Times) số ra tháng Giêng năm nay, cũng viết rằng đã đến lúc những người trẻ giúp đề ra một hệ thống kinh tế bảo đảm tương lai cho các thế hệ trẻ.

(Zenit 25-2-2020)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page