Thư Mục vụ Mùa Chay 2020
của Ðức Giám mục Giáo phận Long Xuyên
Thư Mục vụ Mùa Chay 2020 của Ðức Giám mục Giáo phận Long Xuyên.
ÐGM Giuse Trần Văn Toản
Long Xuyên (WHÐ 25-02-2020) - Thư Mục vụ Mùa Chay 2020 của Ðức Giám mục Giáo phận Long Xuyên:
Thư Mục vụ tháng 3/2020
Giáo phận Long Xuyên
"Sống Mầu Nhiệm Thánh Giá Của Chúa Kitô"
Anh chị em thân mến!
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay hướng về việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Mùa Chay năm nay cũng là trong năm kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận. Vì thế, chủ đề của thư mục vụ tháng 3 là Kỷ niệm 60 năm thành lập, giáo phận Long Xuyên sống mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa Kitô.
Mầu nhiệm đau khổ của con người. Trước hết, chúng ta cùng suy tư về mầu nhiệm đau khổ của kiếp người khi chiêm niệm màu nhiệm Thánh Giá của Chúa Kitô trong một sinh hoạt đạo đức bình dân được quý trọng là năm (05) sự Thương của Kinh Mân Côi. Thứ nhất, Ðức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu (Mc 14, 32-42). Ở đây, màu nhiệm Thánh Giá là từ bỏ ý riêng để chọn ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, sâu xa hơn và nặng nề hơn, là, trong cô đơn một mình và trong sợ hãi đến đổ mồ hôi máu, con người tìm Thánh Ý của một Vị Thiên Chúa Im Lặng. Thứ hai, Ðức Chúa Giêsu chịu đánh đòn (Mc 15, 6-13). Ðây là Thánh Giá đau khổ của một thân xác bị bầm dập, trở thành dị dạng (Is 52,14 ;53,2). Nhưng sâu xa hơn và nặng nề hơn là sự hoang mang về ý nghĩa của sự thân xác được sinh ra. Hoang mang đến mức độ, Ông Gióp, với một thân xác đầy ung nhọt, đã nguyền rủa ngày thân xác được sinh ra (G 3,1-3). Thứ Ba, Ðức Chúa Giêsu chịu đội mũ gai (Mc 15, 16-20). Ðây là Thánh Giá bị sỉ nhục, bị kết án, bị loại trừ, bị coi là kẻ thua cuộc, trở thành trò cười trong các tương quan. Nhưng sâu xa hơn và nặng nề hơn là thái độ vừa chấp nhận sự phũ phàng, vừa quảng đại tha thứ và hơn nữa còn biện hộ cho những xúc phạm đó (Lc 23, 34). Thứ Tư, Ðức Chúa Giêsu vác Thánh Giá (Mc 15, 21-22). Ở đây, Thánh Giá là những gánh nặng từ bổn phận và trách nhiệm từ ơn gọi và sứ vụ. Tuy nhiên, nặng nề hơn và khó khăn hơn, là trách nhiệm đối với một tập thể đặt trên một cá nhân đầy giới hạn, là công trình của Thiên Chúa đè trên sự mỏng manh của kiếp người, và nhất là, là vượt thắng chính mình để không bỏ cuộc tiến về phía trước. Thứ Năm, Ðức Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá (Mc 15, 33-39). Ðây là Thánh Giá của thân phận con người đối diện với bốn sự sau, là sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Nhưng, sâu xa và nặng nề hơn, là sự khủng hoảng niềm tin. Ðối diện với đau khổ và cái chết, con người đặt những câu hỏi về Thiên Chúa, như: Có Thiên Chúa không? Sao Thiên Chúa im lặng? Thiên Chúa đang ở đâu? Chính Chúa Giêsu trong giờ hấp hối trên Thánh Giá đã thốt lên: "Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27, 46).
Nguyên tổ loài người vui hưởng hạnh phúc địa đàng nhưng bất tuân ý Thiên Chúa nên có đau khổ và chết. Còn Chúa Giêsu, Ngài chấp nhận đau khổ và chết trên Thánh Giá tại trần gian nhưng vâng phục để cứu chuộc và đem lại hạnh phúc nước trời cho con người.
Con đường Thánh Giá trong lịch sử giáo phận Long Xuyên. Từ những suy nghĩ về màu nhiệm Thánh Giá trên, chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo phận Long Xuyên. Trên 350 năm trước khi được thành lập, giáo phận đã được in dấu bởi các vị thừa sai và các bậc tiền bối. Dấn thân vào vùng đất này để loan báo Tin Mừng, các ngài chấp nhận con đường Thánh Giá của Chúa Kitô và đã cắm được Thánh Giá của Chúa trên phần đất này. Cụ thể và điển hình là Thánh Linh mục Phêrô Ðoàn Công Quý và Thánh Giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng đã đi trọn con đường Thánh Giá bằng cuộc tử đạo trên phần đất của giáo phận Long Xuyên tại Châu Ðốc. Thật là ý nghĩa khi ngày giáo phận được thành lập cũng là ngày kính trọng thể các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, ngày 24/11 hàng năm. Chúng ta trân trọng và tự hào về các vị tiền bối anh hùng.
Trong lịch sử 60 năm từ ngày thành lập, giáo phận được xây dựng, được củng cố và phát triển từ những cuộc đời đầy Thánh Giá của các Giám mục, các Linh mục, các Tu sĩ, và Giáo dân cũng như của nhiều người thành tâm thiện chí trên phần đất Long Xuyên. Giáo phận Long Xuyên ngày nay là di sản được chuyển giao lại cho chúng ta, được điển hình là tháp Nhà Thờ Chính Tòa như đôi tay nắm chặt cây Thánh Giá vươn cao giữa bầu trời của thành phố Long Xuyên. Chúng ta hết lòng tri ân các bậc tiền bối trong lịch sử giáo phận.
Ngày nay, trên đường tiếp tục thi hành sứ vụ của Chúa Kitô trên phần đất Long Xuyên, Giáo phận vẫn đối diện với nhiều thách đố với nhiều thời cơ mà cũng không thiếu những nguy cơ, làm nên cuộc hành trình Thánh Giá của giáo phận. Ðó là Thánh Giá Thánh Thiêng lội ngược dòng giữa trần gian thế tục: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần" (Ga 17, 14-16). Ðó là Thánh Giá chiến thắng sự ích kỷ cá nhân để quảng đại phục vụ tha nhân và xây dựng công đoàn: "Ta là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau" (Ga 13, 14). Ðó là Thánh Giá chiến đấu với sự biếng lười thiêng liêng để ra đi vùng ngoại biên vì sứ vụ loan báo Tin Mừng: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16, 15).
Gương mẫu của Chúa Kitô. Giáo phận Long Xuyên được đề nghị học hỏi cách sống màu nhiệm Thánh Giá cũng từ một sinh hoạt đạo đức bình dân truyền thống từ xa xưa, nhưng vẫn còn được nhiều cộng đoàn tín hữu thực hiện, đặc biệt là trong mùa chay, đó là suy niệm Chặng Ðàng Thánh Giá. Chúng ta có thể học được 3 bài học từ Chặng Ðàng Thánh Giá:
Bài học thứ nhất là sự quyết tâm đi trọn con đường Thánh Giá. Chúa Kitô với cây Thánh Giá trên vai đã ngã xuống đất 3 lần nhưng đã không bỏ cuộc. Ngài xác tín: Ðời ngài là một hành trình từ Belem lên đồi Calvario để chịu khổ nạn và Ngài đã đi đến cùng.
Bài học thứ hai là sự tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong đau khổ tột cùng ngài cầu nguyện "Lạy cha con phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 24, 46). Ðó cũng là sự tin tưởng vào lòng tốt của tha nhân. Chúa Giêsu đã trân trọng và khiêm tốn đón nhận lòng tốt của Mẹ Maria và tông đồ Gioan, của ông Simon và bà Veronica, của ông Nicodemo và ông Giuse... trên con đường Thánh Giá của mình.
Bài học thứ ba là lấy tình yêu làm sức mạnh và là cùng đích cho cuộc hành trình vác Thánh Giá. Là sức mạnh vì "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13) . Là cùng đích vì Thiên Chúa là Tình Yêu. "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 4, 16).
Chương trình tu đức mục vụ và loan báo tin mừng Mùa Chay Thánh. Với những ý tưởng trên, chúng ta được đề nghị thực hiện những sinh hoạt sau đây:
1/ Tích cực và sốt sắng tham dự các sinh hoạt đặc trưng của mùa Chay như suy gẫm Sự Thương Khó Chúa (Ngắm Ðứng, Lễ Ðèn), Lần chuỗi Mân Côi Năm Sự Thương, Ði Chặng Ðàng Thánh Giá, Lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa...
2/ Nhiệt tình sống cuộc Thương Khó của Chúa trong cuộc đời của ta, cá nhân, gia đình, cộng đoàn giáo hội và xã hội. Ðó là những hy sinh, chấp nhận mình chịu thiệt thòi về vật chất, về sức khỏe, về tinh thần, cả về danh dự..., để cho tha nhân được hạnh phúc hơn và để cho cộng đoàn được hiệp nhất và bình an.
3/ Sẵn sàng trở thành các ông Simong, bà Veronica, ông Nicôđêmô... để chăm sóc Chúa Kitô đang hiện thân nơi những người đau khổ trong cộng đoàn ta, đặc biệt là các bệnh nhân, những người già cả liệt lào, các trẻ em mồ côi, các người khuyết tật, những người hấp hối...
Tất cả những sinh hoạt trên là những thiện chí của giáo phận, sẽ trở thành của lễ thiêng liêng kết hợp với chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá để dâng lên Thiên Chúa trong các Thánh Lễ được cử hành trên bàn thờ, và xin Chúa chúc lành cho gia đình giáo phận được tiếp tục sống màu nhiệm Thánh Giá của Chúa Kitô.
Cách riêng, tháng Ba, kính Thánh Giuse, chúng ta xin với Thánh Giuse gìn giữ gia đình giáo phận Long Xuyên được bình an và hiệp nhất. Ðặc biệt chúng ta cầu nguyện cho các vị có trách nhiệm trong cộng đoàn gia đình, giáo xứ, giáo phận... được noi gương thánh Giuse biết chấp nhận Thành Giá bằng sự hy sinh phục vụ cộng đoàn trong âm thầm và khiêm tốn.
Xin Chúa Kitô trên Thánh Giá chúc phúc cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận.
+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên
(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)